Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những giọt máu ấm tình sẻ chia

Dạ Khánh| 31/12/2018 05:30

(HNM) - “Mỗi giọt máu trao đi - một cuộc đời ở lại”, họ trao đi để làm những việc nhân nghĩa cho đời. Đã có rất nhiều người sẵn sàng sẻ chia những giọt máu của mình, góp phần trao sự sống cho bao người khác.


Cho đi là hạnh phúc

Những ngày mùa đông gần cuối tháng 12-2018, trong khuôn viên của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), biết bao người chộn rộn niềm vui đi hiến máu tình nguyện trong ngày hội “Noel yêu thương”.

Nguyễn Thị Thuyết trong lần tham gia hiến máu tình nguyện.


Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, Đỗ Huệ Chi (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) đã tìm đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Cô gái mang trong mình nhóm máu O với vóc người khá nhỏ nhắn, cân nặng chưa đến 48kg, nhưng năm nào cũng đều đặn tìm đến đây để tình nguyện trao đi những giọt máu ấm nóng của mình.

Đỗ Huệ Chi nhớ lại ở lần đầu tiên đã phải lấy hết can đảm để hiến máu và cảm thấy rất hạnh phúc khi vượt lên chính mình. Rồi từ đó, cứ 1 năm 2 lần, cô gái trẻ lại đi hiến máu nhắc lại (nhiều lần hiến máu). Với cân nặng và sức khỏe của mình, mỗi lần Chi trao đi 250ml máu.

“Được giúp đỡ và chia sẻ những giọt máu yêu thương, em cảm thấy rất vui. Có tuổi trẻ và có sức khỏe, em luôn suy nghĩ muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình để giúp những người bệnh cần máu, thoát khỏi cánh cửa tử thần” - Đỗ Huệ Chi chia sẻ.

Cũng như Đỗ Huệ Chi, Nguyễn Thị Thuyết (27 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam), là một trong những người tình nguyện nhiều lần hiến máu nhắc lại. Thuyết bắt đầu tham gia hiến máu từ phong trào sinh viên tại Đại học Xây dựng Hà Nội - ngôi trường vốn đông nam giới, mạnh về phong trào hiến máu.

Cho đến nay, dù đã đi làm nhiều năm, Thuyết vẫn giữ nhiệt huyết, đều đặn hằng năm đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương hiến máu. Cứ thế, các tờ phiếu chứng nhận hiến máu tình nguyện dần dày lên trong hộc tủ.

Khi trò chuyện, Thuyết chia sẻ rất chân thành: “Ngoài tấm lòng sẻ chia, làm một việc tốt, có ý nghĩa bằng cách hiến máu để cứu giúp những người cần, em cũng muốn tạo quỹ máu cho bản thân bởi mọi điều đều có thể xảy ra, nhất là sau vụ tai nạn giao thông năm 2012 khiến em phải nhập viện cấp cứu. Theo quy định, khi bản thân người hiến máu có nhu cầu sử dụng máu, sẽ được truyền máu miễn phí bằng số lượng đã hiến”.

Nói về những tấm lòng sẻ chia, hiến máu cứu người, ông Vương Tuấn (Khoa Công tác xã hội, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) cho biết, có rất nhiều người nhiều lần tình nguyện hiến máu. Họ là những người rất đỗi bình thường. Đó là những sinh viên, nhân viên các cơ quan, đơn vị, là người làm nghề nông..., nhưng họ có tấm lòng và sẵn sàng sẻ chia những giọt máu của mình cho những người bệnh cần tới.

Qua câu chuyện của ông Vương Tuấn, chúng tôi hình dung ra nhiều những tấm chân dung đáng trân trọng của những người hiến máu. Trong số ấy nổi lên là câu chuyện về gia đình ông Lê Trung Truyền ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ông Truyền sinh năm 1959, từng là bộ đội. Vợ chồng ông có 5 người con và gia đình làm nông thuần túy. Năm 2007, trong một lần thăm người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai, nhận thấy nhiều bệnh nhân rất cần máu trong khi nguồn máu tại bệnh viện khan hiếm, ông đã quyết định hiến máu.

Từ đó đến nay, không ngại đường xa, ông Truyền định kỳ 1 năm 2 lần lên Hà Nội, tìm đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương chỉ để làm một việc là... hiến máu. Nhận thấy ý nghĩa của hành động này, ông đã vận động người thân trong gia đình cùng hiến máu. Đến nay, tuy không nhớ chính xác nhưng ông nhẩm tính đã hiến máu khoảng 30 lần, cộng thêm của các con thì cả gia đình ông đã có hơn 100 lần sẻ chia những giọt máu ấm nóng của mình...

Cần lắm những tấm lòng sẻ chia

Nhiều năm nay, các sự kiện do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức như: Giọt hồng hy vọng, ngày hội Chủ nhật đỏ... đã được nhiều người biết đến và chủ động tham gia. Có lẽ mỗi người có một cảm nhận, một lý do để tình nguyện tham gia, nhưng tựu trung đó là mong muốn mang món quà sự sống vô giá cho người bệnh.

Vào những ngày thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 30-40 người tình nguyện đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương hiến máu. Hiện nay, nhu cầu máu sử dụng tại các bệnh viện ngày càng tăng cao. Mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cần trung bình khoảng 1.200-1.500 đơn vị máu.

Trong đó, cần 700 đơn vị máu nhóm O để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị ở 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, tính riêng từ ngày 1-12 đến ngày 16-12-2018, viện chỉ tiếp nhận được 12.000 đơn vị máu (trung bình mỗi ngày viện tiếp nhận được 750 đơn vị máu).

Bà Lê Thanh Hằng, Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu (Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) cho biết, năm nào cũng vậy, vào thời điểm cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn với các hoạt động tổng kết; sinh viên bước vào kỳ thi..., ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định tổ chức hiến máu của các cơ quan, đơn vị và tinh thần sẵn sàng hiến máu của người dân.

Nhằm vận động người dân tham gia hiến máu nhắc lại, cũng như khắc phục tình trạng khan hiếm máu, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã, đang triển khai nhiều biện pháp như nhắn tin, gọi điện mời hiến máu, tổ chức thêm các ngày hội, các điểm hiến máu để người hiến máu có thêm nhiều lựa chọn về thời gian và địa điểm hiến máu.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh, những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán (từ tháng 12-2018 đến tháng 2-2019), Viện cần tối thiểu 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị.

Nhiều sự kiện hiến máu đã được lên kế hoạch tổ chức như: Ngày hội Trái tim tình nguyện (tổ chức đầu tháng 12, đã tiếp nhận 2.451 đơn vị máu), Noel yêu thương, Giọt hồng hy vọng, Tết đoàn viên, Tết hồng cho em và ngày hội Chủ nhật đỏ đã diễn ra đồng loạt tại nhiều địa phương từ ngày 26-12-2018...

Dự kiến, với lịch hiến máu hiện có sẽ tiếp nhận được khoảng 75.000 đơn vị máu, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu (thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu). Viện Huyết học - Truyền máu trung ương kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để có đủ 90.000 đơn vị máu phục vụ bệnh nhân dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp. Với truyền thống tương thân, tương ái, mong rằng sẽ còn nhiều hơn nữa những giọt máu ấm tình sẻ chia được trao đi để đem lại sự sống cho bao người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giọt máu ấm tình sẻ chia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.