Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích trữ thực phẩm ngày Tết: Tiềm ẩn hệ lụy khôn lường

Thu Trang| 29/01/2019 06:43

(HNM) - Thói quen tích trữ nhiều thực phẩm để sử dụng trong những ngày Tết vẫn được không ít gia đình duy trì. Thế nhưng, việc làm tưởng như bình thường này lại tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe...

Người tiêu dùng nên chọn mua những thực phẩm phù hợp cho dịp Tết Nguyên đán 2019. (Ảnh có tính chất minh họa).


Mất Tết vì ngộ độc

Theo Bộ Y tế, năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.340 người mắc, 2.944 người nhập viện và 16 người tử vong. Riêng trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tổng số ca khám do rối loạn tiêu hóa là gần 1.300 trường hợp, trong đó có 388 trường hợp ngộ độc rượu, 239 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Chị Lê Huyền (33 tuổi, ở Khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông) kể, năm trước cả gia đình chị mất Tết vì con trai 7 tuổi bị rối loạn tiêu hóa, phải nhập viện. Chuyện xảy ra vào buổi chiều đầu tiên của năm mới, khi đi chúc Tết về, vì đói và mệt, con trai chị đã lấy bánh chưng và giò xào trong tủ lạnh ra ăn. Đến tối, cháu bị đau bụng quằn quại, nôn và tiêu chảy nên phải lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu. Còn chị Nguyễn Thu Thủy (39 tuổi, ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) cũng không thể quên Tết Mậu Tuất 2018, khi 2/4 thành viên trong gia đình phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. “Không xác định được rõ nguyên nhân do đâu, nhưng có thể từ món canh măng khô đun đi đun lại nhiều lần gây ra”, chị Thủy cho biết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, vào những ngày nghỉ Tết hằng năm, bệnh viện đều tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nhiều bà mẹ vẫn khẳng định, chỉ cho trẻ ăn thức ăn được nấu ở nhà, làm sao có thể ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, mọi người không biết rằng, việc tích trữ, bảo quản thực phẩm không đúng cách đã làm cho vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi, phát triển. Chẳng hạn, nhiều gia đình coi tủ lạnh là "bảo bối" cho việc tích trữ thực phẩm, song tủ lạnh chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, chứ không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Nguyên tắc để đồ ăn trong tủ lạnh là phải đủ thoáng để luồng khí lạnh có thể đi qua, bao phủ đều.

Còn theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do đặc thù thời tiết dịp Tết, khiến các loại hạt hướng dương, lạc, đậu hay bánh chưng rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc, rồi lại sử dụng. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh chưng bị nấm mốc, rồi rán ăn bình thường. Nhìn bên ngoài tưởng ổn nhưng có thể độc tố đã ngấm sâu vào thực phẩm, tiềm ẩn những nguy cơ…

Hạn chế tích trữ

Việc tích trữ nhiều thực phẩm tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe trong những ngày Tết. Ảnh: Hải Anh


Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, nhiều bà nội trợ sắm Tết vượt quá nhu cầu tiêu dùng. Có gia đình, dù nhu cầu ăn uống không nhiều, nhưng vẫn tích trữ, xếp đầy tủ lạnh các loại thực phẩm… Thực tế, ngày mùng 1, mùng 2 Tết, các siêu thị, chợ đã mở cửa, cung cấp đầy đủ thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng. Do đó, mọi người cần hạn chế việc tích trữ thực phẩm, tránh tư tưởng mâm cao, cỗ đầy và không nên nấu đi nấu lại thức ăn.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, khi chọn mua thực phẩm ngày Tết, người tiêu dùng cần kiểm tra thật kỹ chất lượng, thời gian sử dụng, tránh mua phải hàng ôi thiu, hết hạn. Quá trình bảo quản, cần gói kín từng loại thực phẩm để không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật từ thức ăn này sang thức ăn khác. Trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ lạnh sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Với thực phẩm tươi sống cần được làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội rồi đậy kín, cất vào tủ lạnh. Riêng đối với rau, sau khi bỏ lá sâu, lá nát, cắt bỏ phần rễ, thì rửa sạch cho vào túi, buộc kín, xếp vào ngăn tủ mát. Trái cây cũng nên rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi, buộc kín trước khi đưa vào tủ lạnh.

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải cũng lưu ý, những ngày Tết, các bà nội trợ nên mua nhiều rau xanh, quả chín, tránh tình trạng ăn quá nhiều chất đạm, tinh bột. Khi khách đến nhà chơi, thay vì mời bánh kẹo, mứt, rượu bia, nước ngọt, chúng ta hãy thay thế bằng hoa quả tươi. Đặc biệt, ngày Tết dù bận rộn, song vẫn cần bảo đảm ăn đúng bữa, đủ dinh dưỡng. Riêng với người lớn tuổi, người béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… không nên ăn các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường. Đối với nam giới, việc sử dụng bia rượu trong ngày Tết cũng nên có chừng mực và đã uống rượu, bia tuyệt đối không tham gia giao thông.

Việc ăn uống khoa học sẽ là cách tốt nhất bảo đảm cho mỗi người có một năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc, thay vì phải vào viện cấp cứu ngộ độc thực phẩm hay bị tai nạn giao thông…

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ các loại thực phẩm sẽ tăng gấp 10 lần ngày bình thường. Tuy nhiên, đây là thời điểm các tỉnh miền Bắc hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, khiến các sản phẩm có nhiều đạm như: Thịt, cá, cua, tôm... dễ bị ôi thiu, gây ngộ độc cho người sử dụng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích trữ thực phẩm ngày Tết: Tiềm ẩn hệ lụy khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.