Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Quên mình vì người bệnh

Thu Trang| 13/02/2019 07:10

(HNM) - Những ngày Tết vừa qua, lượng bệnh nhân vào các khoa cấp cứu, hồi sức, chấn thương, chống độc… không hề giảm, thậm chí còn gia tăng hơn so với ngày thường.

Các bác sĩ Bệnh viện E thăm hỏi, khám cho cụ ông 82 tuổi bị ngã tại nhà vệ sinh trong đêm Giao thừa.


Từ những ca phẫu thuật xuyên đêm...

Là một bệnh viện ngoại khoa lớn của miền Bắc, trong 9 ngày nghỉ Tết, khu vực khám cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn chật kín bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ, đánh nhau… Cùng với đó là một lượng lớn bệnh nhân nặng được chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về, khiến bệnh viện phải huy động tối đa nguồn nhân lực cùng toàn bộ trang thiết bị, máy thở, phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất.

Chứng kiến công việc tại đây mới thấy không khí khẩn trương, sẵn sàng cho các ca cấp cứu. Bệnh nhân này vừa xong, ngay lập tức có bệnh nhân khác được chuyển vào. Bác sĩ Đỗ Tất Thành, Trưởng kíp trực Phòng Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) chia sẻ, cùng những bệnh nhân nặng phải điều trị, cấp cứu, các y, bác sĩ cũng đón Tết trong bệnh viện với áp lực lớn ngay những ngày đầu năm mới. Hầu hết bệnh nhân đều rất trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông, đa phần là chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay, chân và gãy cột sống. Thậm chí, nhiều người nhập viện còn nồng nặc mùi rượu, bia. Thông thường, Phòng Hồi sức 1 được thiết kế cho 6 giường, 6 máy thở, nhưng trong những ngày cao điểm Tết vừa qua phải cứu chữa tới 12 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân quá đông đồng nghĩa với việc bác sĩ cũng không có Tết.

Đã quá quen với những cái Tết phải ăn bánh chưng, đón Giao thừa trong bệnh viện, bác sĩ Lê Nguyên Vũ, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, lượng bệnh nhân đông nên trong những ngày nghỉ Tết, các bác sĩ thường xuyên phải mổ suốt đêm. Ngoài số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, số ca tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Việc điều trị cho họ cũng không hề đơn giản, bởi tổn thương do pháo nổ đa phần ở phần đầu, mặt, cổ, tay... Các bác sĩ không chỉ dốc hết sức cứu chữa cho bệnh nhân mà còn phải khéo léo khôi phục những gương mặt hay cánh tay bị biến dạng… trở về trạng thái bình thường.

Có hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện E và cũng là từng đấy năm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện có mặt vào thời khắc Giao thừa để cùng chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ tham gia trực Tết. Tại Khoa Cấp cứu, nơi sáng đèn 24/24giờ, trong đêm Giao thừa có khoảng 20 ca bệnh, chủ yếu là các bệnh tăng huyết áp, tai nạn sinh hoạt, đau ruột thừa… vào cấp cứu. GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ, trước thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, một cụ ông (82 tuổi ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng rách da mặt, chảy máu nhiều do bị ngã trong nhà vệ sinh. Chưa hết, lại một ca mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp, một ca mổ đẻ… tiếp tục nhập viện. Xong ca trực, xong công việc, thời khắc Giao thừa cũng đã qua đi. Điều quan trọng nhất mà các y, bác sĩ quan tâm vào lúc đó là ranh giới sự sống - cái chết của người bệnh.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mặc dù là đêm 30 Tết, song không khí làm việc vẫn như ngày thường. Những bước chân của các y, bác sĩ luôn vội vã, bên cạnh đó là những thai phụ đang sắp sửa đón chờ các “thiên thần” chào đời. Và công dân đầu tiên của Thủ đô chào đời trong năm mới Kỷ Hợi 2019 tại đây là bé Nguyễn Đắc Nhật Minh, con sản phụ Đặng Thị Ngọc Lan (quận Nam Từ Liêm). Có mặt để chúc mừng sản phụ Đặng Thị Ngọc Lan mẹ tròn, con vuông, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, dù đã quen với cảm giác đi trực Tết, nhưng tôi biết các nhân viên y tế cũng sẽ có chút buồn khi phải xa gia đình, xa chồng, vợ, con trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Song, khi đã xác định theo nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì phải luôn coi đó là trách nhiệm của mình.

... đến những trăn trở và niềm hạnh phúc

Dù không được hưởng một cái Tết trọn vẹn bên người thân, nhưng điều khiến các bác sĩ cảm thấy buồn hơn cả mỗi khi trực Tết, lại chính là những câu chuyện về bệnh nhân.

Ám ảnh nhất đối với các bác sĩ trực cấp cứu trong những ngày Tết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức là hình ảnh người thân khóc ngất, nức nở gọi tên chồng, con… Hay hình ảnh ông bố bàng hoàng trước tin con mình hôn mê, đa chấn thương vì tai nạn giao thông, chỉ sau chưa đầy 10 phút rời khỏi nhà. Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) còn nhớ như in hình ảnh một thanh niên gần như bị biến dạng mặt mũi do tai nạn giao thông… Bệnh nhân này đi làm xa về, họp mặt bạn bè trong ngày Tết. Sau tiệc rượu, trên đường về, bệnh nhân chạy xe máy đâm vào ô tô đi ngược chiều. Khi biết con trai không qua khỏi, bố mẹ bệnh nhân đã quỵ xuống trước mặt bác sĩ. Ngày Tết đoàn viên, nhưng cũng là ngày cậu con trai của họ phải ra đi vĩnh viễn…

Còn với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, mong ước chỉ đơn giản là đưa các con đi xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa như bao gia đình khác, nhưng thật khó thực hiện. Nghề của chúng tôi là giành giật sự sống cho bệnh nhân, dù có Tết hay không có Tết, có đón được Giao thừa hay không, thì công việc cứu chữa vẫn là quan trọng nhất. Không chỉ với bác sĩ Cấp, mà với tất cả những thầy thuốc áo trắng, động lực sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy bên gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là cái bắt tay biết ơn rất chặt của người nhà bệnh nhân và là khoảnh khắc được đón những bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh… Khi đó với họ, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến.

(Còn nữa)

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong dịp Tết vừa qua, các bệnh viện đã huy động trực 4 cấp với tổng số 1.700 nhân viên y tế/ngày, trong đó trực khám bệnh, cấp cứu là 280 người/ngày, trực tại các khoa, phòng điều trị là 1.180 người/ngày và trực lãnh đạo điều hành, hành chính, phục vụ là 240 người/ngày.
Riêng tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai..., mỗi ngày nghỉ Tết vẫn có khoảng 400 nhân viên y tế tham gia cấp cứu, khám, chữa bệnh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Quên mình vì người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.