Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu đúng để có hành động đúng

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 17/02/2019 07:00

(HNM) - Những năm gần đây, dư luận rất quan tâm tới việc dâng sao giải hạn, cầu may mắn, tài lộc, đầu năm tại đền, chùa. Mùa lễ hội xuân mới bắt đầu và Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến cho rằng mỗi người cần hiểu cho đúng những nghi lễ tôn giáo.

Xếp hàng chờ mua vàng ngày Thần Tài ở đường Cầu Giấy.


Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tin sâu nhân - quả, sống hiền thiện sẽ được tự an

Vào dịp Tết, phật tử và nhân dân đến chùa lễ Phật, cầu cho gia đình, cầu Quốc thái dân an là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Song, trong hệ thống kinh điển Phật giáo không có tài liệu nào nói đến việc cầu an giải hạn, mà Phật chỉ dạy chúng sinh sống đúng nhân - quả, sống hiền thiện từ suy nghĩ đến hành động ắt sẽ được tự an. Đó chính là gây nhân lành, để cho kết quả tốt đẹp.

Trong đời sống, dù ở bất cứ địa vị hay làm công việc gì đều bằng cái tâm trong sáng, tận tâm, tận lực vì lợi ích chung thì mới đúng nhân - quả. Vì thế, mọi người đi chùa tin Phật thì cần hiểu lời Phật dạy, noi đức hạnh của Phật theo đó mà ứng dụng vào đời sống. Còn làm điều ngược lại thì dù có cúng, cầu xin, dâng sao giải hạn đến đâu cũng sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam: Đừng biến cơ sở Phật giáo thành nơi gửi gắm sự may rủi


Không nên tin vào việc vận mệnh con người được chiếu soi bởi các vì sao. Chúng ta cần có những hoạt động như: Cầu thế giới hòa bình, đất nước thịnh vượng phát triển, nhà nhà cơm no áo ấm và hạnh phúc bình an. Nhờ những nguyện ước đó chúng ta thúc đẩy mình trên con đường đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại sự nguyện ước thì theo thuyết nhân - quả của Phật giáo, con người chỉ rơi vào khát vọng. Vì vậy, để có được kết quả thì chúng ta không thể mua thiện cảm của thần linh ở bất cứ tôn giáo nào.

Theo đạo Phật, chúng ta phải kiên trì đúng phương pháp, không bỏ cuộc giữa chừng thì các trở ngại khó khăn lần lượt sẽ qua. Nỗ lực của chúng ta sẽ khiến nguyện ước thành sự thật. Tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước đừng biến cơ sở Phật giáo thành nơi gửi gắm sự may rủi vận mệnh bằng việc cúng sao giải hạn, mà hãy đến chùa bằng thái độ của người học lời Phật nghiêm túc để có được an vui, hạnh phúc.

Bà Lê Phương Ngọc, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông: Hiểu đúng ý nghĩa của dâng sao giải hạn

Để dâng sao giải hạn đầu năm, nhiều gia đình chi hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để thuê thầy cúng, làm lễ nhằm hóa giải vận hạn. Tôi rất đồng tình với ý kiến của PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo trả lời trên các phương tiện truyền thông rằng, càng ngày người dân càng thực hành dâng sao giải hạn nhiều hơn, chi phí nhiều hơn, nhưng để thực sự hiểu ý nghĩa của việc này thì có thể là chưa. Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi cá nhân, nhưng theo tôi muốn giải trừ hạn xấu, tìm kiếm sự may mắn, trước tiên chúng ta phải tích thiện, làm phúc, tích cực làm việc tốt, không làm việc ác.

Một vấn đề khác mà người dân quan tâm là tình trạng xếp hàng, chen chúc nhau đi mua vàng nhân Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) khiến giá tăng cao với ngày thường. Nếu cứ hiểu mua vàng vào ngày này để cúng Thần Tài thì làm ăn, kinh doanh sẽ may mắn, trong khi lười lao động, tiêu pha phung phí, chơi cờ bạc... thì đó là quan niệm sai lầm.

Bà Trần Thanh Huyền, phường Liễu Giai, quận Ba Đình: Người dân cần được tuyên truyền để hiểu rõ

Đúng ngày vía Thần Tài, khi đi qua đường Cầu Giấy và một số tuyến đường nội đô Hà Nội, tôi giật mình vì thấy nhiều người xếp hàng chờ mua vàng tại một số cửa hàng để chờ được mua vàng. Trong khi đó, ngay sau khi ngày Thần Tài qua đi, giá vàng lại hạ như những ngày thường. Được biết, thực chất ngày vía Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc, là vị thần cai quản nguồn tiền của, việc làm ăn.

Tuy nhiên, ngày nay ở Trung Quốc, các cửa hàng vàng chỉ phát phiếu khuyến mại cho khách mua hàng, trong khi đó ở Việt Nam lại có cảnh xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua vàng. Hiện chưa có sử sách hay tài liệu nào ghi chép lại là mua vàng vào ngày Thần Tài sẽ gặp may mắn nhưng không hiểu sao các cửa hàng vàng đua nhau treo biển "Ngày Thần Tài, mua vàng trang sức, hạnh phúc, sung túc cả năm", như vậy khác nào lừa gạt người dân. Theo tôi, để tránh tình trạng niềm tin của người dân bị lợi dụng, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng ý nghĩa của ngày vía Thần Tài.

Bà Lê Huyền Chi, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy: Đừng để bị lợi dụng!


Gần đây, chứng kiến hàng nghìn người dân xếp hàng, chen chúc nhau chờ làm lễ ở một số chùa tại Hà Nội khiến giao thông tắc nghẽn, tôi cảm thấy sự linh thiêng phần nào bị giảm bớt. Vẫn biết rằng, mỗi người đều có tín ngưỡng riêng nhưng việc làm này đã ảnh hưởng đến trật tự trong khu vực và đến nhiều người khác. Trong giáo lý Phật giáo không có cái gọi là cúng sao, giải hạn. Nhưng trên thực tế, việc làm này vẫn diễn ra và có xu hướng thương mại hóa. Theo tôi, mỗi người dân cần hiểu cho đúng những nghi lễ trong Phật giáo để tránh bị lợi dụng.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng về việc tránh thương mại hóa trong chuyện dâng sao giải hạn, giống như đã ra văn bản đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã trong các đền, chùa từ đầu năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu đúng để có hành động đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.