Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu xếp hài hòa công việc và gia đình

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 07/03/2019 06:50

(HNM) - Trong khi thế giới đang hân hoan chào đón Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 thì vẫn còn rất nhiều người mẹ, người chị làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm vẫn đang âm thầm cống hiến, mải miết làm việc sớm khuya cống hiến cho xã hội và gia đình.

Nữ cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ.


Đại úy Phan Quỳnh Anh, Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội):
Làm trọn nghĩa vụ của người vợ, người mẹ

Từ năm 2013, tôi được giao đảm trách chỉ huy điều khiển giao thông tại các ngã tư: Tràng Tiền - Hàng Khay, Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, Quán Sứ - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm). Với nhiệm vụ giữ cho các tuyến đường, phố luôn thông thoáng, bảo đảm phân luồng giao thông tốt, tôi luôn cố gắng rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được để hoàn thiện công việc. Thời gian đầu làm nhiệm vụ, áp lực công việc luôn khiến tôi lo lắng.

Đến nay, đã tròn 6 năm điều khiển giao thông, tôi đã học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng quan sát, xử lý các tình huống đột xuất. Đặc biệt, dù thời tiết nắng như đổ lửa, hay mưa phùn rét buốt tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn, bình tĩnh trong từng sự việc.

Hiện nay các con đều nhỏ, hằng ngày tôi phải đi làm sớm, về muộn nên mọi việc chăm sóc, đưa đón các con đi học đều trông cậy vào chồng tôi. Nhưng tôi yêu màu quân phục, yêu người bố là cảnh sát giao thông đã hy sinh từ năm 2004, tôi sẽ tiếp tục học hỏi mong bồi đắp thêm tình yêu nghề của mình. Tôi sẽ cố gắng thu xếp hài hòa công việc chuyên môn và gia đình để vừa làm trọn nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Chị Nguyễn Thu Hiền, điều dưỡng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội):
Làm tốt vai trò “bảo mẫu”

Tôi gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV đã 20 năm. Thời gian đầu làm công việc này, gia đình tôi đều khuyên nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn. Thế nhưng, tôi đã lựa chọn vì không thể cầm lòng khi nhìn thấy bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi lại với bệnh tật. Những bệnh nhân nhiễm HIV có thể là nghiện hút, mại dâm nhưng có nhiều trường hợp vô tình mắc bệnh, đa phần bị xã hội, thậm chí chính gia đình bỏ rơi. Vì vậy, nhân viên y tế thường đóng thêm vai trò là "bảo mẫu", chăm sóc họ bằng tình thương, sự mềm mỏng và tuyệt đối không kỳ thị.

Ngoài ra, chúng tôi cũng trở thành những chuyên gia tâm lý, tư vấn và khích lệ bệnh nhân chống chọi với bệnh tật. Khi được làm tốt công tác tư tưởng sẽ giúp họ có động lực chữa bệnh, nhận thức và hòa nhập cộng đồng, sống vui, sống khỏe với quãng đời còn lại.

Không chỉ vậy, nhận thấy từ trong sâu thẳm của bệnh nhân là nỗi khát khao được làm cha, làm mẹ, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ họ sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Chúng tôi cũng tư vấn cho họ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng đến một chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ...

Chị Lê Thị Len, công nhân môi trường quận Hai Bà Trưng:
Lạc quan, yêu đời để hoàn thành tốt công việc

Nữ công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu dọn rác thải làm sạch, đẹp đường phố Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam


Làm sạch phố phường, đó chính là nhiệm vụ hằng ngày của chúng tôi. Nhưng công việc sẽ càng nặng nhọc hơn khi ngày lễ, Tết đến gần. Trong những dịp đó, khi người người, nhà nhà ra đường đi chơi, ăn uống, họ vô tình khiến đường phố trở nên bộn bề với rác thải, bụi bẩn. Nhiệm vụ của người công nhân là phải hoàn thành hết công việc, chứ không phải là làm hết giờ.

Để gắn bó được với nghề, chúng tôi nhận thức được ý nghĩa, đặc thù công việc. Tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị tai nạn giao thông, bị các đối tượng xấu tấn công… Tôi cũng từng nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của người đi đường, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm gắn bó với nghề, tôi xác định và đón nhận như một lẽ tất yếu. Vì vậy, tinh thần chúng tôi vẫn rất lạc quan, yêu đời và sắp xếp công việc ngày càng chu đáo hơn để sớm hoàn thành công việc, trở về với gia đình. Với tôi, một bữa cơm ấm cúng, đó chính là món quà ý nghĩa nhân ngày 8-3.

Chị Nguyễn Thị Thu, quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, làm bốc vác tại chợ Long Biên:

Lời động viên của người thân là món quà vui nhất

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, gia đình chồng cũng không dư dả nên chấp nhận xa quê hương lên thành phố mưu sinh. Thấm thoắt đã hơn 5 năm làm nghề bốc vác hàng hóa ở chợ Long Biên. Tôi và nhiều nữ "cửu vạn" khác hằng ngày lăn lộn, làm công việc nặng nhọc trong môi trường khắc nghiệt, bốc dỡ vận chuyển hàng hóa... bất kể nắng, mưa, lạnh.

Nhiều người cho rằng nghề của tôi là nghề thấp kém, nhưng tôi thấy vui, vì mỗi buổi làm việc tôi được nhận tiền công bằng chính sức lao động của mình. Mỗi giọt mồ hôi của tôi được đánh đổi bằng những cân gạo, những lạng thịt, bộ quần áo mới mà các con tôi được hưởng. Dù vất vả nhưng tôi thấy hài lòng và xác định, còn sức khỏe thì tôi còn làm việc.

Khi làm việc với tinh thần thoải mái và xác định rõ mục đích, ý nghĩa công việc mình làm thì với tôi ngày nào cũng là ngày 8-3. Nhân ngày cả thế giới cùng chúc mừng, tôn vinh người phụ nữ, tuy tôi không mấy khi đoàn tụ cùng gia đình, nhưng tôi thường nhận được điện thoại với những lời động viên của bố mẹ và chồng con. Đó là món quà ý nghĩa khiến tôi vui nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu xếp hài hòa công việc và gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.