Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Tuệ Diễm| 18/03/2019 07:53

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, phát hiện kịp thời thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Kiểm soát chặt từ gốc

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, tính riêng nhu cầu tiêu dùng, mỗi năm thành phố cần 200.000 tấn thịt lợn, 130.000 tấn thịt gia cầm, 132.000 tấn thủy sản, 1 triệu tấn rau, quả. Ngoại trừ sản phẩm động vật thì hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác nhập về chợ đầu mối thường chưa được kiểm tra, kiểm soát từ gốc, chưa được sơ chế tại nguồn. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản gặp không ít khó khăn.

Đóng dấu kiểm dịch thịt lợn bán tại chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh).


Đơn cử, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đang gặp không ít trở ngại trong việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết: “Để hạn chế tối đa hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm, chúng tôi mong Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tiếp tục xử lý tận gốc, không chỉ với người kinh doanh mà cả người sản xuất”.

Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu giám sát, đánh giá nguy cơ ô nhiễm, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tiến hành truy xuất và xử lý đúng quy định các mẫu không đạt, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông ngoài thị trường”.

Hiện nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố có hai đội quản lý an toàn thực phẩm đặt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền nhằm quản lý trực tiếp trên địa bàn, bảo đảm xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm kịp thời và nhanh nhất.

Đặc biệt, do số lợn nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn nên thành phố phải nhập lợn từ các tỉnh, thành khác. Hiện giá thịt lợn tại thành phố Hồ Chí Minh cao hơn các tỉnh phía Bắc nên có thể xảy ra tình trạng nguồn lợn từ miền Bắc chở vào miền Nam rồi nhập vào thành phố tiêu thụ. Vì thế, nguy cơ nhập phải thịt thiếu an toàn luôn hiện hữu.

Để bảo đảm vệ sinh an toàn thịt lợn, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định: “Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra 24/24 giờ tại các lò giết mổ, chợ đầu mối là nơi tập kết đầu tiên của nguồn hàng. Công tác kiểm tra đang được thực hiện gắt gao, chúng tôi cố gắng không để lọt những xe chở lợn bệnh đi giết mổ...”.

Hiện toàn thành phố Hồ Chí Minh có 11 lò giết mổ lợn với công suất 7.000 con lợn/ngày và 1 lò giết mổ gia cầm. Việc giám sát các lò mổ được giao trực tiếp cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết: “Địa bàn quận Bình Tân có 1 lò giết mổ, mỗi đêm giết mổ từ 1.300 đến 1.500 con lợn. Chúng tôi đã rà soát, kiểm tra, yêu cầu chủ lò giết mổ nhập hàng rõ nguồn gốc, đồng thời bố trí cán bộ thú y túc trực, theo dõi, không để giết mổ, tiêu thụ lợn không đạt tiêu chuẩn”.

Xây dựng chuỗi thực phẩm sạch

Cùng với việc kiểm soát nguồn thịt tại các lò giết mổ, chợ đầu mối, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khuyến khích tiểu thương, doanh nghiệp phân phối thịt nói riêng và thực phẩm nói chung qua các kênh hiện đại, có tủ bảo quản (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...). Thành phố sẽ bỏ dần các điểm chợ cóc, chợ tạm bày bán thực phẩm tươi sống do chưa bảo đảm vệ sinh.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quầy hàng thực phẩm tươi sống trong các chợ truyền thống, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, tăng cường lực lượng kiểm tra tại 500 điểm chợ truyền thống, chợ tạm. Đồng thời, Sở cũng làm việc với hệ thống cung cấp thực phẩm sạch qua kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị bảo đảm đủ cung ứng cho người dân.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ký kết với các đơn vị, tỉnh, thành khác để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch. Nhờ vậy, các loại thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, truy xuất được nguồn gốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay: “Chúng tôi đã cấp 279 giấy chứng nhận cho 138 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang. Tổng sản lượng thực phẩm cung ứng đạt hơn 119.000 tấn/năm”.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đóng cửa các cơ sở giết mổ truyền thống và đưa vào vận hành 6 nhà máy giết mổ hiện đại. Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đến ngày 30-9-2019, ngoại trừ cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ), các lò giết mổ còn lại đều phải chấm dứt hoạt động. Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt khoảng 15.530 con lợn/ngày, 300.000 con gia cầm và 300 con bò/ngày”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.