Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường sạch, không có sốt xuất huyết

Thu Trang| 06/04/2019 06:51

(HNM) - Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Duy trì vệ sinh hằng tuần

Trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc sốt xuất huyết tăng 3,7 lần. Riêng thành phố Hà Nội ghi nhận 154 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số bệnh nhân phân bố rải rác ở 99 xã, phường, thị trấn của 27/30 quận, huyện, thị xã, nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi.


PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng.

Thêm vào đó, thời tiết lúc giao mùa nền nhiệt và độ ẩm tăng, cùng với mưa nhiều... là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Qua giám sát tại 38 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tuần qua cho thấy, chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh ở một số nơi có dấu hiệu gia tăng.

Trong nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết của ngành Y tế, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế, còn biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này khó mang lại hiệu quả, nếu không có sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Mới đây, quận Hà Đông đã tổ chức phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè. Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh quận đã kêu gọi mỗi người dân, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần để làm sạch nơi ở, nơi làm việc, từ trong nhà đến xung quanh, không để tồn tại những vật dụng đọng nước...

Quận Hà Đông cũng yêu cầu các phường trên địa bàn huy động mọi nguồn lực kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm phát sinh muỗi, lăng quăng và bọ gậy. Cụ thể, rà soát các công trình xây dựng, công trình công cộng, trường học… để tổ chức diệt bọ gậy; đồng thời, đôn đốc lực lượng cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân giám sát chặt chẽ và xử lý ổ bọ gậy ở các hộ dân cư.

Còn tại quận Long Biên, 14/14 phường, các tổ dân phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, điểm công cộng… vừa đồng loạt tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho hay, kết thúc chiến dịch đã có 71.818/ 74.126 hộ gia đình được kiểm tra các ổ bọ gậy, lăng quăng và 111.574 dụng cụ chứa nước, trong đó phát hiện 3.545 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, được xử lý kịp thời.

Từ nay đến hết năm 2019, quận Long Biên tiếp tục tổ chức nhiều chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và kêu gọi các tổ dân phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học duy trì tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ sáu hoặc sáng thứ bảy hằng tuần.

Thực hiện nếp sống văn minh

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ở nước ta, muỗi Aedes aegypti là thủ phạm (vector chính) truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết. Trong môi trường phát triển thuận lợi, muỗi Aedes aegypti đẻ trứng vào những vật dụng chứa nước. Sau khoảng 7-10 ngày, trứng phát triển thành bọ gậy, lăng quăng và trở thành muỗi trưởng thành, có thể đốt người và tìm nơi đẻ trứng để tiếp tục vòng đời. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện khô hạn trong nhiều tháng. Muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở xó xỉnh và những chỗ tối trong nhà như: Gầm giường, tủ, quần áo treo trên móc, rèm che...

Tổng vệ sinh, làm sạch môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết tại quận Long Biên.


PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết có yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp, tinh tươm thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, khẩu hiệu “Không có muỗi vằn, không có lăng quăng, không còn sốt xuất huyết” chỉ phát huy tác dụng khi mỗi người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng mọi lúc, mọi nơi, duy trì thường xuyên và xa hơn là hình thành nếp sống văn minh, sạch sẽ, chứ không chỉ thực hiện theo kiểu phong trào, chiếu lệ.

Do đó, thời gian tới, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch của ngành Y tế, các địa phương cần chú trọng đến công tác vận động, tổ chức tuyên truyền đến tận nhà dân để mọi người tự giác thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt bọ gậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường sạch, không có sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.