Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất thải từ các cơ sở y tế: Sẽ được kiểm soát chặt chẽ

Thu Trang| 13/04/2019 06:34

(HNM) - Kiểm soát chất thải y tế luôn là vấn đề “nóng”, bởi nếu không được quản lý tốt, nguồn chất thải này sẽ gây ra những mối hiểm họa không nhỏ cho môi trường và sức khỏe con người.

Dự kiến đến năm 2020, bình quân mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh 90 tấn rác thải y tế phải xử lý. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền xử lý chất thải nguy hại tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.Ảnh: Bá Hoạt


Sẽ đóng các lò đốt rác tại bệnh viện

Hiện trên địa bàn thành phố có 3.676 cơ sở y tế. Trong năm 2018, bình quân chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố hơn 27,5 tấn/ngày, trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 8,4 tấn/ngày (chiếm khoảng 30%), còn lại là chất thải rắn thông thường. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 90 tấn/ngày và đến năm 2030 vào khoảng 150 tấn/ngày.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, số lượng, quy mô các cơ sở y tế đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo lượng chất thải y tế cũng ngày càng lớn, nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cũng như hệ sinh thái. Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tại một số nơi, hệ thống lò đốt rác thải và kiểm soát khí thải hoạt động không hiệu quả, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp…

Theo kết quả điều tra tại 104 cơ sở y tế ở các tuyến trung ương, thành phố, quận, huyện và khối y tế tư nhân do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện năm 2018, chất thải rắn y tế nguy hại hiện được xử lý theo 3 mô hình: Tại chỗ, theo cụm và tập trung. Trong giai đoạn từ năm 2010-2013, 16 bệnh viện công lập đã được đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải tại chỗ. Tuy nhiên, đến nay các lò đốt này hầu như đã hỏng, bị bục thân lò, nhiệt độ trong lò thấp, không xử lý được triệt để rác thải. Vì vậy, rác thải sau khi đốt vẫn còn nguyên hình dạng. Một số bệnh viện như: Đa khoa Sóc Sơn, Đa khoa Thường Tín… đã xử lý tình trạng này bằng cách đổ dầu vào lò để đốt lại nhiều lần đến khi chất thải thành tro. Do đó, các lò đốt hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường thứ phát, sinh ra khói đen, mùi, khí thải độc hại. Mặt khác, chi phí xử lý đốt quá cao nên hiện chỉ còn 2 bệnh viện sử dụng lò đốt tại chỗ, là Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức. Theo quy định, các lò đốt này sẽ phải đóng cửa vào năm 2020.

Tương tự, tại một số bệnh viện như: Phụ sản trung ương, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Phụ sản Hà Nội và Đa khoa Đan Phượng, chất lượng nước thải sau xử lý vẫn có chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Nguyên nhân do hệ thống xử lý nước thải tại những bệnh viện này được vận hành không bảo đảm theo quy trình, không thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ông Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây lý giải, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện được đầu tư từ năm 2007 hiện đã xuống cấp nên hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế. Hiện các cơ sở y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế và hạch toán các chi phí cho xử lý chất thải.

Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo một số bệnh viện, cơ sở y tế chủ yếu dồn nguồn lực cho công tác chuyên môn mà chưa tập trung chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải y tế. "Mặt khác, ý thức và trách nhiệm của các cán bộ y tế thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải trong cơ sở y tế chưacao…" - ông Nguyễn Khắc Hiền nhận xét thẳng thắn.

Áp dụng phương thức xử lý tập trung

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, rác thải y tế được phân loại đựng theo từng túi riêng.


Để tiến tới mục tiêu 100% các cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường vào năm 2020, TS Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong năm 2019, Sở Y tế Hà Nội sẽ rà soát tổng thể các cơ sở y tế, bệnh viện công lập trực thuộc. Trên cơ sở đó sẽ xem xét thực trạng nhu cầu của từng đơn vị, lập danh mục các cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp hoặc quá tải; cơ sở có nhu cầu cải tạo, nâng cấp… để báo cáo UBND thành phố xem xét bố trí ngân sách. 

Về việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, theo TS Nguyễn Khắc Hiền, với các cơ sở y tế có khoảng cách gần nhau, có thể lựa chọn mô hình điểm tiếp nhận và lưu giữ chất thải theo cụm trước khi vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố. Còn với các cơ sở y tế ở khu vực ngoại thành, có khoảng cách xa, khối lượng và thành phần chất thải y tế phát sinh ít, cần xây dựng phương án liên kết, phối hợp theo mô hình cụm để việc thu gom, xử lý có hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Các cơ sở y tế không có điều kiện vận chuyển chất thải rắn y tế đến các khu xử lý tập trung hoặc theo cụm có thể lựa chọn hướng xử lý tại chỗ. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải y tế tại chỗ phải áp dụng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, mục tiêu 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường vào năm 2025 mà thành phố đề ra không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đối với các cơ sở y tế cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, của trưởng các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế, đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thu gom, lưu giữ chất thải y tế theo quy định. Đồng thời thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải tại đơn vị. Đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân cần tuyên truyền tuân thủ việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất thải từ các cơ sở y tế: Sẽ được kiểm soát chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.