Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng trước mùa mưa

Dạ Khánh| 23/04/2019 06:28

(HNM) - Mùa hè với những cơn mưa nặng hạt đang đến mang theo nỗi lo về úng ngập, đặc biệt ở một số vùng trũng nội thành...

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo hút bùn tại sông Lừ (đoạn chảy qua quận Hoàng Mai).Ảnh: Hữu Tiệp


Chủ động khơi thông dòng chảy


Dự báo lượng mưa năm nay thấp hơn so với năm 2018, song tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước cho biết: Với mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo (theo Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II) và giảm tối đa úng ngập ở các khu vực khác trên địa bàn quản lý; ngay từ tháng 1-2019, đơn vị đã đẩy mạnh công tác duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống truyền dẫn thoát nước (sông, kênh, mương, cống), bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Các nguồn tiêu là các trạm bơm được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm giữ mực nước trên hệ thống theo quy định...

Theo kế hoạch duy tu, nạo vét toàn bộ các trục thoát nước cấp 1, phòng chống úng ngập mùa mưa bão 2019, 18 công nhân thuộc Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp đã nạo vét bùn, rác cống Hào Nam (quận Đống Đa). Đây là đoạn cuối nguồn cống Hào Nam, trước khi nước thải đổ ra sông Tô Lịch trên đường Láng. Với bộ đồ chống nước, anh Nguyễn Thế Dũng, công nhân xí nghiệp chui xuống lòng cống sâu. Dàn thiết bị nạo vét cơ giới gồm 2 xe hút 8 tấn, 6 xe stec với chiếc ống dẫn dài được thòng xuống, tiếp cận với lượng bùn, rác dưới cống. Cứ vậy, anh Dũng đưa đầu cần vòi nối với ống dây, sục vào bùn để máy hút lên.

Tại sông Lừ (đoạn qua phường Đại Kim, Hoàng Mai), công nhân Tổ cơ giới 11, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp cũng miệt mài điều khiển máy móc, hút bùn đất lắng đọng dưới lòng sông. Trời nắng nóng khiến nước sông bốc mùi hôi thối, nhưng họ vẫn cần mẫn với công việc của mình. Anh Nghiêm Văn Huynh (Tổ trưởng Tổ cơ giới 11) cho hay, ngoài bùn đất bồi lắng, sông Lừ cũng như nhiều sông, mương hở trên địa bàn Hà Nội còn thường xuyên “nhận” rác thải do người dân ném xuống, gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, đơn vị phải định kỳ tổ chức vớt rác thải.

Tại khu vực vùng ven, trên tuyến đường 70 chạy qua địa phận quận Hà Đông, quốc lộ 1A (cũ) đoạn chạy qua phố Ga (thị trấn Thường Tín)..., công tác duy tu, nạo vét hút bùn tại hệ thống cống trục chính cũng được Xí nghiệp Thoát nước số 7 triển khai. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mưa năm 2019, đơn vị đã chủ động duy tu, vệ sinh hệ thống kênh tiêu từ nguồn xả đến nguồn tiêu; thu dọn rác, đất đá, khơi thông dòng chảy tại kênh nước lộ thiên, bảo đảm nước tiêu thoát nhanh nhất. Tại phố Ga, một trong những “điểm đen” úng ngập trước đây, Xí nghiệp Thoát nước số 7 đã thực hiện duy tu, cải tạo hệ thống cống trục chính: Nạo hút bùn đất, xây lại các đoạn cống hỏng... Ông Lê Sỹ Chiến, cán bộ thị trấn Thường Tín cho biết, trước năm 2017 hệ thống thoát nước tại thị trấn này hoạt động rất kém, ít được duy tu, nạo vét, nên cứ mưa to là ngập úng, sâu khoảng 20cm, gây ảnh hưởng đến đi lại. Sau khi Công ty Thoát nước tiếp quản, tình hình được cải thiện rõ rệt, giảm hẳn úng ngập...

Còn 13 trọng điểm úng ngập

Nạo vét, hút bùn tại cống thoát nước dọc đường 70 đoạn chạy qua địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Yên Khánh


Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước cho biết, với sự chủ động của các đơn vị, đến thời điểm này, toàn hệ thống đã thông suốt và sẵn sàng. Cụ thể, công ty đã thực hiện khám cống qua đê tại các cụm công trình đầu mối: Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì; nạo vét toàn bộ trục thoát nước cấp 1 với khối lượng 61.000m3 bùn mương - sông, 145km cống; duy tu, duy trì, cải tạo, sửa chữa 20km cống trục chính, bổ sung ga thu nước, nạo vét 500m3 bùn đối với hệ thống thoát nước tại các tuyến quốc lộ, tuyến đường chạy qua các thị trấn thuộc huyện... Với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2 giờ, còn tồn tại một số điểm ứ đọng nước do đường trũng, hoặc xuất hiện một số điểm úng ngập cục bộ khi có mưa tập trung trong thời gian ngắn (30-40 phút). Tuy nhiên, khi mưa tạnh, sau khoảng thời gian ngắn, nước sẽ rút hết.

Tuy nhiên, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước cho biết: Năm nay, với các trận mưa có lượng mưa từ 50mm đến 100mm/2 giờ, tại các quận còn 13 trọng điểm úng ngập. Dẫu vậy, công ty cũng đã có phương án ứng phó. Cụ thể, với 11 điểm úng ngập như: phố Nguyễn Khuyến, Thanh Đàm, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Cao Bá Quát, ngã ba La Pho - Thụy Khuê, đường Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy)..., do chưa hoàn thành đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, nên công ty đã xây dựng kế hoạch ứng trực chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực. Đồng thời, triển khai lực lượng tại hiện trường khi có mưa trên toàn địa bàn, tập trung trọng tâm tại các điểm úng ngập trên các trục giao thông chính có mật độ giao thông cao, địa hình trũng, dễ gây ùn tắc. Riêng 2 điểm úng ngập tại phố Đội Cấn và Phạm Văn Đồng mới hoàn thành đầu tư cải tạo, chờ mùa mưa năm nay để đánh giá hiệu quả.

Tại các thị trấn thuộc huyện, quốc lộ, tỉnh lộ do thành phố quản lý sau đầu tư, ông Võ Tiến Hùng cho hay, năm 2018 có 33 khu vực xảy ra úng ngập tại 13/17 huyện. Dự kiến mùa mưa năm 2019, các khu vực này vẫn xảy ra úng ngập, nhưng thời gian và mức độ sẽ giảm do hệ thống thoát nước được nạo vét, duy trì, cải tạo bổ sung ga thu nước trong năm 2018 và trước mùa mưa năm 2019.

Để thuận tiện cho người dân khi giao thông, ông Hùng đề nghị người dân thường xuyên truy cập vào trang web của công ty (tại địa chỉ www.thoatnuochanoi.vn) và Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố để nắm tình hình úng ngập và gợi ý chỉ đường trên bản đồ HSDC Map.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước ở nội thành thuộc khu vực các sông: Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét với diện tích 77,5km2, có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Ở các khu vực khác, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh, chủ yếu tiêu thoát tự chảy nên công tác tiêu thoát nước còn gặp khó khăn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng trước mùa mưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.