Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Thùy Liên| 09/05/2019 10:26

(HNMCT) - Sinh thời, nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) đã khẳng định: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu một chân lý: “... nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các thành viên theo nền nếp gia phong và các chuẩn mực đạo đức xã hội.


1. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử nhưng tổ chức của gia đình Việt Nam hầu như không có sự biến đổi, vẫn là tập hợp của các thế hệ nối tiếp nhau, gắn kết bởi quan hệ tình cảm, hôn nhân, huyết thống và đạo đức gia đình. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) quan niệm: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”, cùng với đó là giữ đạo làm người trong xã hội, giữ vững nhân tâm, không theo thói đời chìm nổi... Gia đình, cho dù nhìn qua lăng kính, góc độ nào cũng đều được trân trọng, bởi đó không chỉ là “tổ ấm” của một nhóm thành viên, mà còn kết dính với muôn ngàn “tổ” khác để tạo thành xã hội.

Gia đình có nhiều chức năng nhưng chủ yếu xoay quanh hai chức năng cơ bản là: Sinh dưỡng và giáo dục. Không chỉ sinh ra các thế hệ mới để duy trì nòi giống, phát triển loài người, mà gia đình còn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các thành viên theo truyền thống gia đình và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Chính vì thế, nói đến gia đình là nói đến giá trị gia đình, văn hóa gia đình. Từ xa xưa đã có những quy tắc, chuẩn mực cho quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như: Cha phải nhân từ với con cái, con phải hiếu kính với cha mẹ, chồng phải nghĩa tình với vợ, vợ phải thuận theo chồng, anh phải đối xử tốt với em, em phải kính yêu anh; người lớn trong nhà phải ban ơn cho bậc dưới và trẻ nhỏ, còn bậc dưới và trẻ nhỏ phải thuận theo người lớn... Trong thời hiện đại, những chuẩn mực ấy được tóm tắt thành: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu thảo hiền”, hoặc: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”...

Trong gia đình, tất cả hành vi, phát ngôn của ông bà, cha mẹ đều có ảnh hưởng đến con cháu. Con cháu từ chỗ “học ăn, học nói, học gói, học mở” sẽ dần độc lập, sáng tạo để trưởng thành. Vì thế, người lớn phải mẫu mực trong quan hệ “tề gia” và giao tiếp xã hội để con cháu quan sát, học tập, hình thành niềm tin và hành vi đạo đức. Còn con cháu phải tôn trọng thứ bậc trong gia đình, biết kính trên, nhường dưới, biết chấp nhận “quyền uy” của các bậc bề trên. Dưới góc độ văn hóa gia đình, quyền uy của cha mẹ thể hiện ở các hành vi, ngôn ngữ mang tính chất “gia trưởng”, điều cần thiết để thiết lập trật tự và dẫn dắt mọi hoạt động của gia đình nhưng cần tiết chế để không trở thành độc đoán. “Gia trưởng” để trở thành “nhạc trưởng”, phát huy điểm mạnh của các thành viên, đó là sự thành công của các bậc bề trên trong gia đình.

2. Trong bối cảnh xã hội luôn vận động, biến đổi nhanh chóng thì ở các “tế bào” (các gia đình) cũng có những biến động. Trong khi rất nhiều gia đình vẫn “trong ấm, ngoài êm” thì cũng có không ít gia đình đã sa sút về nhiều mặt.

Các gia đình Việt Nam luôn đề cao vai trò giáo dục truyền thống đạo đức và văn hóa ứng xử.


Người xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Vậy nhưng, trong chuyến công tác đến một huyện ngoại thành, chúng tôi được nghe kể câu chuyện “1 nhà 6 bếp”, gồm bếp của 5 người con đang tuổi lao động và 1 bếp của cha mẹ đã già yếu. Ở một huyện khác lại có chuyện con cái luân phiên nuôi cha mẹ theo tháng... Trên các phương tiện thông tin đại chúng, có không ít những chuyện anh em ruột tranh giành đất đai thừa kế đến mức từ mặt nhau, thậm chí đánh lộn, chém giết nhau; chuyện con cái lừa cha mẹ, thậm chí bạo hành cha mẹ, điển hình như vụ một phụ nữ ở huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) mới đây đã... tẩm xăng đốt đấng sinh thành giữa đêm vì mâu thuẫn trong gia đình! Trong những trường hợp ấy, quyền uy của cha mẹ (hoặc của anh chị lớn) không thể hiện được, làm đảo lộn các giá trị nhân văn trong gia đình theo hướng tiêu cực. Một khi các thành viên không còn tôn trọng các nguyên tắc quan hệ trong gia đình thì gia đình ấy sẽ lục đục, thậm chí có thể tan vỡ. Ở hướng ngược lại, nếu các thế hệ sau thụ động, nhất nhất hành động theo kiểu “chỉ đâu đánh đó”, hoàn toàn phụ thuộc vào bề trên thì gia đình cũng sẽ không phát triển theo kịp trào lưu xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tòa án Nhân dân Tối cao, chỉ trong 5 năm trở lại đây, các cấp tòa án trong cả nước đã thụ lý, giải quyết sơ thẩm đến trên 350.000 vụ việc về hôn nhân và gia đình, trong đó có đến trên 53% vụ việc thường xuyên có hành vi đánh đập, ngược đãi. Có năm có trên 60% vụ án về hôn nhân và gia đình có nguyên nhân chủ yếu là bạo lực gia đình... Còn theo báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cứ 2 - 3 ngày cả nước lại có 1 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình không còn dừng ở mức độ cảnh báo mà đã và đang trở thành một vấn đề gây lo lắng trong xã hội. Thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy, trên 70% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc đầy đủ, bị ngược đãi...

Nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam bị tác động từ biến đổi của xã hội hiện đại khi yêu cầu phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Một số giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị mai một. Sự khác xa về phép ứng xử, lối sống giữa các thế hệ đã dần trở thành mâu thuẫn, xung đột, làm cho “đạo nhà” ở nhiều gia đình bị lung lay, thậm chí bị phá vỡ.

3. Văn hóa gia đình bao gồm toàn bộ các mối quan hệ, các hoạt động và cung cách ứng xử diễn ra trong gia đình của tất cả thành viên. Văn hóa gia đình là một bộ phận của văn hóa làng, văn hóa nước. Văn hóa gia đình có vai trò quan trọng đến mức được xác định là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì thế, việc xây dựng văn hóa gia đình phải được chú trọng bằng cách vừa phát huy các giá trị truyền thống vừa bổ sung thêm các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội.

Từ 10 năm trước, đã có đề xuất đưa ngành Gia đình học thành chuyên ngành đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Bước thí điểm thực hiện ý tưởng đột phá này cho thấy cần một quá trình dài và cũng chỉ là một giải pháp. Hiện nay, các giải pháp để giữ lửa ấm trong mỗi ngôi nhà vẫn tập trung ở việc phát huy giáo dục trong mỗi gia đình, vai trò của các ban, ngành hữu trách và nhất là của chính quyền cơ sở, tập trung vào hai nội dung chính. Thứ nhất, củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống gồm có gia đạo, gia phong và gia lễ, gọi chung là “đạo nhà”.

“Đạo nhà” biểu hiện cụ thể qua đạo làm ông bà, làm cha mẹ, làm vợ chồng, làm anh em, làm con cái..., thể hiện theo vị trí của mỗi thành viên trong gia đình: Bề trên thì bao dung, rộng lượng; bậc dưới thì thuận theo, hiếu kính... Những điều tự nguyện, tự tâm ấy trở thành một thứ nguyên tắc giúp cho gia đình được duy trì bền vững và phát triển. Thứ hai, bổ sung các giá trị văn hóa gia đình mới là nếp sống văn hóa, đảm bảo trật tự, kỷ cương, góp phần xây dựng cộng đồng theo yêu cầu của xã hội. Mỗi thành viên không chỉ làm tốt trong phạm vi gia đình mà còn lan tỏa, tác động đến các gia đình khác bằng lời hay, việc tốt, hoặc tham gia các tổ tự quản, tổ hòa giải, tổ giúp nhau làm kinh tế gia đình... để góp phần xây dựng làng, nước ngay từ cụm dân cư nơi mình sinh sống.

Nước ta hiện có khoảng 26 triệu gia đình. Khi và chỉ khi làm tốt việc xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa gia đình thì mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làm cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa đạt được thực chất. Mô hình gia đình Việt Nam mới được hiểu theo nghĩa là gia đình văn hóa vừa truyền thống vừa hiện đại, không chỉ các thành viên trong gia đình mà các nhà trường và toàn xã hội đều phải nỗ lực chăm lo củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, đề cao văn hóa gia đình để có gia đình tốt, thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thái Vân:
Gắn kết ba "trường học": Gia đình, nhà trường và xã hội

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”. Những điều đó còn nguyên giá trị và chúng ta luôn trân trọng lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu hàng đầu là giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, chúng ta có đến ba “trường học” và phải gắn kết ba trường học đó. “Trường học” đầu tiên là gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục tình yêu gia đình, lòng nhân ái. “Trường học” thứ hai là nơi trẻ học chữ, học văn hóa và tiếp tục được rèn luyện, tu dưỡng. “Trường học” thứ ba là xã hội, nơi lớp trẻ tự lập để trưởng thành, trở thành công dân hữu ích cho xã hội.

ThS. Tâm lý học Vũ Thị The:
Gia đình phải là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu thương

Văn hóa gia đình Việt luôn coi trọng công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; đề cao vai trò giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình. Bố mẹ dành hết tình thương yêu cho con cháu, hạnh phúc khi thấy con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, bình an, thành đạt... Trong thời đại mới, cần coi trọng tính độc lập nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình.

Bố mẹ nên mở lòng hơn trong mối quan hệ giao lưu giao tiếp với con cái, làm cho con cái luôn cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ tâm sự. Bố mẹ phải gương mẫu lan tỏa những xúc cảm tích cực trong lời nói và việc làm, tạo bầu không khí tâm lý gia đình luôn vui vẻ, hòa thuận nhằm góp phần hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.