Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều cần nhớ để tránh điện giật trong mùa mưa bão

Hương Thủy| 02/08/2019 11:39

(HNMO) - Đó là không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao; không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua...

Hiện đang là mùa mưa bão. Đáng chú ý, cơn bão số 3 đang đi vào đất liền. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng tối và đêm nay (2-8), cơn bão này đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10. Từ chiều tối nay, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.

Mưa bão dễ gây đổ cột điện, đứt dây dẫn điện. Ảnh minh họa: Internet

Từ nay đến ngày 4-8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt. Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa là 200-400mm/đợt. Tại khu vực Hà Nội, từ chiều và đêm nay có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7.

Cơ quan này cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng tại nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phủ Lý và Hà Nội.

Khi có mưa, bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở nói chung và hệ thống điện lực nói riêng thường bị ảnh hưởng. Một số sự cố thường gặp là nghiêng và đổ cột điện, đứt dây dẫn điện, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện. 

Bên cạnh đó, nhiều sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ cuốn vào dây dẫn điện. Nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố có thể bị tai nạn điện giật. Chưa kể, nước dâng gây ngập có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.

Thực tế cho thấy, mỗi khi có mưa bão, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ tai nạn về điện gây chết người.

Để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối thiểu những ảnh hưởng của mưa bão, theo ngành điện, người dân cần lưu ý: 

Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp. 

Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao… 

Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua. 

Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. 

Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn. 

Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. 

Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn. 

Tuyệt đối không sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện...) để định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán…) hoặc neo đậu ghe thuyền. 

Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết; lập rào chắn khi phát hiện cột điện đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... và thông báo ngay cho tổng đài chăm sóc khách hàng ngành điện để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần nhớ để tránh điện giật trong mùa mưa bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.