Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồ nhựa “3 không” đựng thực phẩm: Tác hại khôn lường

Xuân Lộc| 23/08/2019 08:07

(HNM) - Việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm đã trở thành thói quen của phần lớn người tiêu dùng. Thế nhưng, nếu sử dụng túi ni lông, các loại hộp nhựa không nguồn gốc, xuất xứ hoặc sử dụng không đúng chức năng để bao, gói, chứa đựng thực phẩm về lâu dài sẽ gây ra hiểm họa khôn lường với sức khỏe con người.

Tràn lan đồ nhựa “3 không” đựng thực phẩm

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại phố Hàng Chiếu, phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân…, mặt hàng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ.

Cụ thể, hộp xốp đựng cơm có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/100 chiếc; thìa nhựa có giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/gói 50 cái; cốc nhựa có giá từ 17.000 đồng đến 25.000 đồng/50 chiếc, ống hút nhựa có giá từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/túi 20 chiếc, túi ni lông có giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg…

Điều đáng nói, tất cả những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần này đều chung đặc điểm “3 không”: Không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hướng dẫn cách sử dụng an toàn. Thế nhưng, với giá thành rẻ, tiện ích, các sản phẩm này vẫn đang được sử dụng phổ biến để đựng đồ ăn thức uống tại khắp các chợ hay quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Cốc, bát và ống hút giấy thân thiện với môi trường được lựa chọn để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), không khó để bắt gặp những quán hàng bày bán nước đậu, tào phớ, canh nóng… đựng trong túi ni lông. Thậm chí, tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), vịt nướng, cháo, cơm, đồ ăn vặt như xôi nóng, chè... cũng được các tiểu thương cho vào hộp nhựa, hộp xốp để bán cho thực khách.

Anh Trần Văn Tâm (ở phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Mỗi lần mua cơm, chủ quán đựng cả cơm nóng, canh nóng trong hộp xốp, hộp nhựa, túi ni lông. Biết là không an toàn, nhưng vì tiện lợi nên vẫn cứ tặc lưỡi cho qua…".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, theo quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt về độ an toàn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện những loại đồ nhựa dùng cho thực phẩm lại chưa có ký hiệu riêng, hay có nhãn mác và bao bì riêng được công nhận sử dụng cho thực phẩm để người dân phân biệt. Những túi ni lông mua ngoài chợ, nhất là những loại có màu sắc: Vàng, xanh, đỏ…, thực chất là loại túi không được dùng để đựng thực phẩm vì chúng được làm từ nhựa tái chế, không nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA - chất độc gây ra một số bệnh như: Vô sinh, tiểu đường, ung thư…

Thế nhưng, những chiếc túi này vẫn được cả người bán lẫn người mua dùng để bao, gói thực phẩm. Do vậy, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không tránh khỏi. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, hay mỡ đựng trong những loại túi này, rồi cho vào tủ lạnh, thì nguy cơ càng cao…

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội, song nhiều người lại dùng đựng thức ăn nóng, đó là điều tối kỵ. Bởi, khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều sẽ gây tổn hại đến gan và gây ra nhiều bệnh khác. Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít... sẽ gây độc tố có hại cho con người.

Hãy hành động ngay

Đề cập đến những ảnh hưởng đối với sức khỏe khi tùy tiện dùng đồ nhựa đựng thực phẩm, bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm quốc gia khuyến cáo, nguy cơ có thể gây hại khi người dùng sử dụng không đúng chức năng của sản phẩm. Chẳng hạn như dùng chai đựng dầu ăn cỡ lớn để muối dưa, hoặc nhiều người tận dụng cả thùng nhựa đựng sơn để đựng gạo, muối dưa, cà, trong khi đó, đây là thùng nhựa đựng hóa chất, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, việc dùng hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, sa lát, dưa muối, hoặc đựng đồ ăn nóng cũng rất nguy hiểm bởi nguy cơ thôi nhiễm, có thể sản sinh ra các chất độc hại cho cơ thể…

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn, các cơ sở dịch vụ, nhà hàng chỉ nên sử dụng các hộp nhựa hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đựng thức ăn. Không dùng hộp xốp, hộp nhựa để đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100 độ C, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều dầu mỡ còn đang nóng.

Ngoài ra, không hâm nóng thức ăn trong hộp xốp, hộp nhựa bằng lò vi sóng. Những loại đồ nhựa sử dụng một lần không được tái sử dụng. Riêng với thức ăn, đồ uống chua, có độ axít cao như: Dưa muối, cà muối, sa lát trộn dấm, nước chanh… không nên đựng bằng hộp xốp.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đang triển khai thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Tại nhiều cơ sở y tế đã tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị, cá nhân sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

“Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và sức khỏe của mỗi con người. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng. Chúng ta hãy hành động ngay từ hôm nay, vì mục tiêu lâu dài”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồ nhựa “3 không” đựng thực phẩm: Tác hại khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.