Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh

Thanh Tàu| 30/08/2019 07:24

(HNM) - Sau 9 tháng triển khai thí điểm cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh (xe mô tô) và gặt hái được nhiều thành công, mô hình này đã được nhân rộng ra 31 trạm cấp cứu vệ tinh tại thành phố Hồ Chí Minh. Với phương thức này, ngành Y tế thành phố kỳ vọng đào tạo được lực lượng cấp cứu lưu động chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn.

Trong những năm gần đây, người dân thành phố Hồ Chí Minh không còn xa lạ với những chiếc xe cấp cứu 2 bánh lăn bánh trên đường. Trên những chiếc xe này, ngoài việc lắp đặt 2 cốp chứa thuốc và vật tư y tế, còn được trang bị bộ đàm, điện thoại kết nối internet, thiết bị bản đồ số dẫn đường, xác định chính xác địa chỉ bệnh nhân.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã kể lại ca cấp cứu ngoại viện đầu tiên tại Việt Nam bằng xe 2 bánh. Đó là ngày 8-11-2018, cụ ông Nguyễn Tám (82 tuổi, ở đường Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) bị tăng huyết áp đột ngột. Ngay khi nhận tin báo về tình trạng của bệnh nhân, kíp bác sĩ cấp cứu với đầy đủ thuốc men, thiết bị trên 2 xe mô tô đã nhanh chóng đến nơi, cấp cứu kịp thời. Khi hồi phục sức khỏe, cụ Nguyễn Tám chia sẻ: "Mô hình này rất cần thiết với những người không còn khả năng di chuyển và già yếu như tôi, đường nhà tôi trong hẻm nhỏ, để đi bệnh viện cấp cứu thì việc di chuyển ra đường lớn rất khó khăn và mất nhiều thời gian".

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 nêu lại câu chuyện mới đây. Chiều 9-7 vừa qua, một vụ cháy xảy ra tại nhà dân trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Hưởng thuộc khu phố 6, phường Thảo Điền, quận 2. Nhận được tin, Ban Giám đốc Bệnh viện quận 2 xác định khả năng xảy ra thương vong, tuy nhiên hiện trường vụ cháy lại nằm trong hẻm nhỏ, đúng giờ cao điểm, nên quyết định điều động xe cấp cứu hai bánh đến hiện trường. Thực tế đúng như dự đoán, nhờ sử dụng phương tiện phù hợp, chỉ sau 7 phút hỏa hoạn, đội cấp cứu đã có mặt tại hiện trường xử lý cho những người gặp nạn.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện toàn thành phố có 31 trạm cấp cứu vệ tinh, trong đó có 6 trạm của 5 bệnh viện đã triển khai cấp cứu bằng xe 2 bánh. Tính đến tháng 8-2019, riêng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã thực hiện 147 ca cấp cứu bằng xe hai bánh; đã cứu chữa 21 trường hợp nguy kịch, 29 trường hợp cấp cứu tại nhà và kê đơn thuốc để chữa trị trong tổng số 864 trường hợp cấp cứu ngoại viện.

Theo số liệu từ Sở Y tế thành phố, sau khi thí điểm mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, mô hình này đã được triển khai ở nhiều bệnh viện và trung tâm cấp cứu khác trên toàn thành phố. Cụ thể, tháng 1-2019, trạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện quận 2 áp dụng mô hình này. Đến tháng 3-2019, Bệnh viện Thủ Đức đã trang bị 10 xe 2 bánh chuyên dụng phục vụ cấp cứu ngoại viện. Tiếp đó, mô hình này được triển khai ra các trạm cấp cứu vệ tinh và các bệnh viện ở quận 1, quận 4, quận 10. Đây đều là các địa bàn có mật độ giao thông đông đúc, nhiều phố, hẻm nhỏ. Gần đây nhất, ngày 31-7, trạm cấp cứu vệ tinh 115 thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp đã áp dụng mô hình này trên địa bàn quận 8.

Nói về việc cấp cứu bệnh nhân bằng xe 2 bánh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình này đang thực hiện rất tốt và được người dân rất ủng hộ. Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục mở rộng mô hình và tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên để phục vụ nhân dân tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.