Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Không chủ quan, lơ là

Minh Ngọc| 17/10/2019 08:22

(HNM) - Trẻ em là đối tượng dễ bị tai nạn thương tích. Do đó, muốn bảo đảm an toàn cho trẻ, trước hết người lớn không được chủ quan, lơ là từ những việc nhỏ nhất, diễn ra trong cuộc sống thường nhật.

Những vụ việc đau lòng

Từ đầu năm 2019 đến nay, người dân Hà Nội phải chứng kiến không ít vụ đau lòng do tai nạn thương tích. Mới đây là vụ bé trai 6 tuổi (trú tại huyện Ứng Hòa) bị đuối nước tại Công viên nước Thanh Hà (Khu đô thị Thanh Hà Cienco, phường Phú Lương, quận Hà Đông) khi được người thân đưa vào đây chơi. Cũng tại địa điểm này, trước đó một bé trai bị đuối nước và thiệt mạng vào tháng 6, trong khi có nhiều người lớn xung quanh.

Một buổi tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại huyện Ba Vì. Ảnh: Hà Hiền

Không riêng quận Hà Đông, ngày 18-8, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) ghi nhận trường hợp bé trai 6 tuổi tử vong thương tâm khi tắm ở ao gần nhà. Ngoài những vụ việc nêu trên, mỗi năm Hà Nội xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Vốn hiếu động, tò mò, trẻ em còn có nguy cơ bị hóc, sặc dị vật. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Khoa Tai - mũi - họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, cơ sở này từng cấp cứu thành công cho bệnh nhi D.M.Q, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) bị hóc đồng xu. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau họng, nuốt vướng, không ăn uống được. Kết quả chụp X-quang cho thấy, đồng xu nằm ngang giữa cổ. Rất may là gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện và dị vật mắc kẹt tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc.

Đáng lo hơn là không ít trẻ em từng bị vật nuôi cào, cắn, tấn công, gây thương tích. Chẳng hạn, đầu tháng 8-2019, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhi H. (2 tuổi) ở Hà Nội bị chó của gia đình người thân tấn công. Cháu H. nhập viện với nhiều vết rách ở vùng hàm, mặt cùng vết thương nghiêm trọng trên đầu làm lộ xương sọ, mất máu nhiều.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, tai nạn thương tích đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và nguyên nhân phần lớn là do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các gia đình, cộng đồng phải chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đối với trẻ em.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để phòng đuối nước cho trẻ em, trẻ cần được người lớn trông nom, quan tâm, chăm sóc. Những trẻ lớn hơn cần được hướng dẫn để không chơi, tắm tại những nơi cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm. Khi cho trẻ bơi phải có người lớn biết bơi đi kèm. Bên cạnh đó, trẻ cần được tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

Các gia đình nên che đậy kín dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Nhà trường và chính quyền địa phương cần hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo môi trường an toàn cho trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ đuối nước, đặc biệt là trong mùa hè.

Nhằm hạn chế tình trạng hóc, sặc dị vật, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khuyến cáo, người lớn không nên để trẻ em cầm các loại đồ vật nhỏ khiến trẻ dễ bỏ vào miệng; gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn, trước khi cho trẻ ăn. Thêm vào đó, người thân trong gia đình không để trẻ chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.

Trong trường hợp không may trẻ em bị hóc dị vật, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Với trường hợp trẻ bị vật nuôi cắn, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyên, những người chứng kiến hãy làm sạch vết thương cho trẻ dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh; dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương sau đó hãy băng bó vết thương và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trên thực tế, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất, tinh thần. Hy vọng, các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng cùng chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Không chủ quan, lơ là

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.