Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc tự cải tạo hệ thống ống dẫn nước ở các khu tập thể cũ: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Bài, ảnh: Kim Vũ| 22/10/2019 06:39

(HNM) - Các khu tập thể cũ, khu nhà lắp ghép tại Hà Nội đa phần được xây dựng từ 30 đến 50 năm trở về trước, nên đến nay hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường nước sinh hoạt rất bất tiện. Để cải thiện cuộc sống của mình, nhiều gia đình tự cải tạo đường nước, đấu nối thô sơ, vá víu… đã khiến những khu nhà này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh, cháy, chập điện và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Những đường ống nước chằng chịt tại nhà E4, Khu tập thể Đại học Y, phường Trung Tự (quận Đống Đa).

Nhếch nhác, tạm bợ

Nhà E4, khu tập thể Đại học Y, phường Trung Tự (quận Đống Đa) là điển hình cho tình trạng trên. Bước chân vào khu vực tòa nhà, hiển hiện trước mắt là những bó ống nước san sát nhau kéo từ tầng 1 lên tầng 5. Ngay lối lên cầu thang tầng 1 là hàng chục đồng hồ đo nước bị rác, đất, gạch đè lên, nhiều đồng hồ hoen rỉ, mất nắp. Nguồn cung cấp điện cho máy bơm được đấu nối qua đường điện sinh hoạt, không có cầu chì, cầu giao và ống bảo vệ. Nằm phơi sương phơi nắng, những ống nhựa dẫn nước lâu ngày bạc màu, nứt, gãy, khiến nước chảy lênh láng ra nền đất ẩm ướt... khiến khu tập thể này nhếch nhác, tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Bà Nguyễn Thị An, tổ dân phố 52, nhà E4 cho biết: Chúng tôi tự đấu nối ống để dẫn nước vào bồn inox đặt tại tầng 5, sau đó mới dẫn nước về căn hộ. Do nhu cầu cấp thiết nên mạnh nhà nào nhà đấy đấu nối...

Cách đó không xa, hàng chục căn hộ ở khu tập thể D1 Khương Thượng (quận Đống Đa) phải dùng ống dẫn nước từ bể chung dưới sân lên các tầng, tạo thành các mớ ống dẫn to nhỏ, ngang dọc hỗn độn. Tại khu tập thể B4 Nam Thành Công (quận Ba Đình), các đường ống lắp đặt chằng chịt, vỡ, mục khiến mỗi khi máy bơm hoạt động, nước chảy tràn ra theo bờ tường. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân nơi đây cho biết: Mặc dù biết lắp đặt, đấu nối hệ thống nước mà không có thiết kế, quy hoạch thì mất an toàn nhưng chúng tôi không còn cách nào khác!

Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Toàn thành phố hiện có 1.579 khu tập thể cũ, xây dựng từ năm 1960-1992, đều đã xuống cấp và hư hỏng. Theo quy định, việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng nhà ở thực hiện theo nguyên tắc các chủ sở hữu căn hộ chịu trách nhiệm tự bảo trì phần diện tích nhà thuộc sở hữu riêng và thỏa thuận đóng góp kinh phí bảo trì phần diện tích sở hữu, sử dụng chung theo nguyên tắc phân bổ kinh phí tương ứng với diện tích sở hữu riêng của từng hộ.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cho biết, theo quy định, công ty chỉ khớp nối hạ tầng, lắp đặt điểm đấu nối và đồng hồ tổng đến chân tòa nhà. Còn hệ thống cấp nước phía sau đồng hồ tổng sẽ do chủ sở hữu nhà ở chịu trách nhiệm quản lý vận hành và bảo trì.

Về nguồn gốc, các khu tập thể đều do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, sau khi công ty đã bán hết 100% nhà ở theo quy định thì việc quản lý được bàn giao về các quận, huyện. Đến nay, có 1.041 khu tập thể cũ trên địa bàn 3 quận Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên đã bàn giao cho chính quyền quản lý; đến cuối tháng 10-2019, các khu tập thể cũ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng sẽ được bàn giao về cho quận này. Sau khi tiếp nhận, các quận giao UBND phường và phòng, ban chuyên môn quản lý.

Cách nào xử lý triệt để?

Những đường ống nước chằng chịt và trĩu nặng tại nhà E4, Khu tập thể Đại học Y, phường Trung Tự (quận Đống Đa).

Để hạn chế việc hình thành mạng lưới đường ống nước do các hộ dân tự tạo ở những khu tập thể cũ trên địa bàn phường, ông Đinh Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa) khẳng định, UBND phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ bó gọn đường ống để tránh rò rỉ, kịp thời thay thế ống vỡ hạn chế thất thoát nước, giảm bong tróc tường chung của khu nhà; tuyên truyền các hộ giữ phòng, chống cháy nổ. Cùng với đó, UBND phường đã đề nghị đơn vị kinh doanh nước sạch có kế hoạch lắp đồng hồ đến từng hộ dân để bảo đảm an toàn.

Về giải pháp chung cho toàn quận, ông Trương Minh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, một mặt quận yêu cầu UBND các phường làm tốt trách nhiệm quản lý địa phương, một mặt giao cho đơn vị nước sạch, điện cùng phối hợp để giải quyết những tồn tại, vướng mắc. Đồng thời, UBND quận kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách trong việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ; kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể cũ.

Theo ông Cao Đức Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, hơn 500 khu tập thể cũ còn lại do công ty quản lý. Tuy nhiên, tại Quyết định 17/2018/QĐ-UBND ngày 6-8-2018 của UBND thành phố quy định chi tiết về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, công ty có trách nhiệm sửa chữa những hỏng hóc, bong tróc bề mặt ngoài của các khu nhà; công ty không quản lý phần đấu nối đường nước hay điện tới các hộ.

Như vậy, với thực tế quản lý nêu trên, việc hình thành hệ thống đường ống nước tự tạo của các hộ dân ở những khu tập thể cũ là điều khó tránh khỏi. Vì thế, trong khi chờ Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có đồ án quy hoạch, xây dựng lại các khu chung cư cũ, việc cần làm ngay là chính quyền các địa phương phải rà soát, có phương án lắp đặt lại hệ thống đường nước cho đồng bộ. Đồng thời, nên có những quy định tạm thời để bảo đảm việc lắp đặt hệ thống đường nước này được kiểm soát, thống nhất đầu mối quản lý, tránh tình trạng tự phát như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc tự cải tạo hệ thống ống dẫn nước ở các khu tập thể cũ: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.