Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sự tử tế không trở thành điều xa xỉ

Quỳnh Dương| 31/10/2019 09:41

(HNMCT) - Bản chất con người sinh ra vốn tốt lành, tuy nhiên, xã hội càng phát triển, sự tử tế càng đứng trước thử thách lớn, càng trở nên mong manh. Không chỉ ở Việt Nam mà những câu chuyện về sự vô cảm, về ứng xử không đúng mực giữa con người với con người xuất hiện ngày một dày ở nhiều nơi trên thế giới, đến mức nhức nhối. Để lòng tốt không bị bào mòn, nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra, kêu gọi xã hội vun đắp mầm thiện, khơi dậy lòng từ tâm vốn có trong mỗi con người.

Cuốn sách Sức mạnh của sự tử tế của Linda Kaplan Thaler chỉ ra rằng những người tử tế không chỉ sống lâu hơn, khỏe hơn mà còn thành công hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.

Mới đây, thời báo The Guardian của Anh có đăng một bài viết với tiêu đề Xã hội của chúng ta đang đánh mất sự tử tế. Trong phần nội dung, tác giả Julia Unwin cho rằng, càng ngày việc chìa tay ra giúp đỡ người khác càng trở nên khó khăn hơn. Nếu như trước đây, việc trợ giúp một đứa trẻ bị lạc trong trung tâm thương mại hay nhường ghế cho phụ nữ trên tàu điện ngầm, cho hàng xóm quá giang là chuyện thường ngày trong xã hội thì ngày nay những hành động này đang trở nên hiếm. Thậm chí, ngay cả khi chứng kiến những trường hợp gặp nạn nguy hiểm đến tính mạng, số người sẵn sàng giúp đỡ cũng không nhiều.

Chẳng thế mà từng nhiều lần người dân nước Anh sửng sốt khi báo chí đưa tin những vụ học sinh bị bạn cùng trường bắt nạt trước đông đảo người chứng kiến, nhưng hầu như không có ai trong số đó đứng ra ngăn cản hoặc gọi cho nhà chức trách. Mới đây bố mẹ một nữ học sinh 12 tuổi của trường trung học The Charles Dickens (ở quận Kent) đã phẫn nộ đưa lên mạng xã hội đoạn video con mình bị 2 nữ học sinh lớn tuổi hơn đánh đập dã man khi trên đường từ trường về nhà. Điều đáng buồn là vụ bạo hành này diễn ra ngay chỗ đông người qua lại, nhưng thay vì giúp đỡ cô bé, có người còn hô hào, cổ vũ để những kẻ bắt nạt ra tay mạnh hơn. Mặc dù sau khi được đưa vào bệnh viện chữa trị, sức khỏe cô bé đã ổn, những kẻ tấn công cũng bị bắt giữ, nhưng sự vô cảm của nhiều người trong sự việc này vẫn gây sốc dư luận.

Thực hiện một số khảo sát, tác giả bài báo Julia Unwin nhận ra rằng, xu hướng lấy mức độ thành công về mặt tiền bạc làm thước đo giá trị của con người đang gia tăng đến mức đáng lo ngại. Hay nói một cách khác, cứ có tiền là sẽ được trọng vọng. Nếu như cách suy nghĩ như vậy tiếp tục được cổ xúy, mọi chuẩn mực về đạo đức sẽ dần dần bị làm cho lệch lạc.

Nói như vậy không có nghĩa lòng tốt của con người đã “tuyệt chủng”. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người coi trọng giá trị nhân cách. Kingsley Ward là một doanh nhân thành công và rất nổi tiếng ở Canada. Dù sở hữu khối tài sản lớn song ông không để lại cho con một chút nào. Với phương châm “dạy làm người trước, dạy làm việc sau”, thứ duy nhất ông để lại cho con là những kinh nghiệm thành công mà bản thân đúc kết trong cả cuộc đời mình. Đối với ông, đây chính là những nguyên tắc nhân sinh quý giá con ông cần hơn bất kỳ khối tài sản nào.

Còn Tập đoàn Kaplan Thaler Group (Mỹ) chuyên lĩnh vực quảng cáo nhiều năm nay được biết đến nhờ sự thành công dựa vào một triết lý đơn giản nhưng đầy quyền lực, đó là sự tử tế. Trong khi rất nhiều công ty lựa chọn hoạt động theo phương châm lấn át, tiêu diệt lẫn nhau thì Kaplan Thaler Group lại sử dụng chiến thuật “hoa hồng” và “chocolate”.

Người sáng lập tập đoàn Linda Kaplan Thaler cho rằng: “Trong thế giới một mất một còn, nơi mà nhiều người luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vươn lên thì những cử chỉ nhân ái lặng lẽ mới là tiếng nói mạnh mẽ nhất”. Theo nữ doanh nhân xinh đẹp này, ai cũng có nụ cười nhưng chưa hào phóng ban tặng. Ai cũng có thể chìa tay nhưng không hẳn để dành giúp đỡ. Ai cũng có thể khen nhưng lại tiết kiệm với người khác. Ai cũng có lòng tử tế nhưng chưa khơi dậy hết nguồn lực của nó. Bởi nhiều người chưa biết đến sức mạnh của sự tử tế. Vì thế, sức mạnh của sự tử tế phải là cuốn cẩm nang mới cho những ai muốn dẫn đầu.

Để chia sẻ bí quyết kinh doanh thành công, Linda Kaplan Thaler đã cho ra đời cuốn sách Sức mạnh của sự tử tế. Trong quyển sách này, bằng những kinh nghiệm của chính mình, và câu chuyện của những người khác, những doanh nghiệp khác, bà giải thích lý do vì sao những người tử tế không chỉ sống lâu hơn, sống khỏe hơn mà còn thành công hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Có thể thấy, những dẫn chứng về sự tử tế mà cuốn sách chỉ ra chẳng có gì khó khăn hay xa lạ, đó là một nụ cười, một lời khen, một ánh nhìn thông cảm, nhường ghế cho người già, xách đồ hộ phụ nữ, thân thiện với trẻ con. Tất cả những thứ đó, đơn giản vậy thôi, nhưng khi đã thực hiện được, nó sẽ nuôi dưỡng sự tử tế lớn lên trong tâm hồn bạn, và mang đến những thành quả không ngờ.

Trong số những gì được ghi lại trong cuốn sách, đáng chú ý có câu chuyện về sự ra đời của chiếc kem ốc quế. Theo Linda Kaplan Thaler, sự xuất hiện của cây kem này là nhờ lòng tử tế của chủ nhân nó. Năm 1904, tại một hội chợ quốc tế, Ernet Hamwi mang bán một thứ bánh xốp rất mỏng của xứ Ba Tư, nhưng rất ế ẩm. Còn người bên cạnh bán kem khách đến đông nườm nượp. Nếu là người khác, có thể Ernet Hamwi sẽ mặc kệ, hoặc mong người bán kem gặp chuyện xui xẻo. Tuy nhiên, ông chủ quầy bánh lại không ngần ngại giúp họ gói kem, thậm chí lấy cả những chiếc bánh của mình quấn lại, đổ kem vào. Và thế là cây kem ốc quế đầu tiên trên thế giới ra đời. Công việc kinh doanh của Ernet Hamwi vì thế cũng phất lên. Như vậy, sự tử tế vô cùng có ích trong giao tiếp và cả trong kinh doanh.

Theo các nhà làm giáo dục, để đánh thức sự tử tế, việc chú trọng dạy dỗ trẻ đạo lý làm người mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết. Trẻ em sẽ là công dân tương lai của mỗi quốc gia, của thế giới, là những nhân vật làm nên lịch sử. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế để mang lại sức mạnh cho cộng đồng và sự phát triển vững chắc dựa trên nền tảng của đạo lý, nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sự tử tế không trở thành điều xa xỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.