Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Xuân Lộc| 02/11/2019 07:29

(HNM) - Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa vào dịp cuối năm tăng cao cũng là cơ hội để thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngay tại thời điểm này, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường kiểm soát, quản lý chặt an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường.

Xử phạt 5.819 cơ sở vi phạm

Hà Nội hiện có gần 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nước ngoài.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Ngoài ra, Công an thành phố đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Không chỉ vậy, thành phố cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, tuyến thành phố lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%)...

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố đánh giá, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã được các ngành, các quận, huyện, thị xã quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định còn thấp; các quy định của pháp luật chưa được triển khai thực hiện triệt để. Bên cạnh đó còn tồn tại một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…

Ông Trần Văn Chung lo ngại, theo thông lệ, cứ "đến hẹn lại lên", vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm mới được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung... Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Để tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2019, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm. Mặt khác, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đồng thời thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thành phố cũng sẽ tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong kế hoạch tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh. Từ đó để người dân dễ dàng truy xuất và tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.