Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát an toàn thực phẩm dịp cuối năm: Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Bảo Hân| 16/11/2019 13:52

(HNNN) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm cũng là cơ hội để gian thương lợi dụng, tung thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” một cách hiệu quả, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, với một tinh thần kiên quyết, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Phát hiện nhiều vi phạm

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 17 đã phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Công an quận Ba Đình và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an Thành phố Hà Nội) tiến hành kiểm tra các xe ô tô đang vận chuyển hàng hóa trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm bánh kẹo các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đơn cử như kiểm tra ô tô biển kiểm soát 88C - 167.19, lực lượng chức năng phát hiện 15.220 sản phẩm kẹo các loại, kiểm tra xe ô tô 19C - 107.27 phát hiện 207.160 sản phẩm bánh kẹo các loại...

Trước đó Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường và Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba quốc lộ 2 giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 17C - 098.12 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã tiến hành dừng xe để kiểm tra và phát hiện trên xe có 15 tấn hàng hóa là thực phẩm và mỹ phẩm bao gồm bánh kẹo nhãn mác Hàn Quốc, Thái Lan, sữa chua uống đóng chai và mặt nạ đắp mặt các loại. Toàn bộ hàng hóa trên xe đều có tem nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không có chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng sản phẩm.

Lái xe khai nhận được chủ hàng thuê vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ. Qua đấu tranh khai thác, chủ hàng khai nhận toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi từ Trung Quốc với giá khoảng 600 triệu đồng, không có hóa đơn chứng từ, sau đó vận chuyển về Hà Nội hòng bán kiếm lời trong dịp cuối năm. Ngoài ra, trong Tháng cao điểm vệ sinh ATTP, lực lượng QLTT Hà Nội cũng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thịt lợn, nầm lợn vi phạm ATTP với số lượng lớn tại huyện Đông Anh và quận Tây Hồ...

Theo cơ quan chức năng của huyện Đông Anh, trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Đáng chú ý, huyện đã kiểm tra 2 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của ông Vương Văn Phóng (xã Uy Nỗ) và ông Nguyễn Văn Chung (xã Cổ Loa) đã phát hiện nhiều sai phạm như cơ sở còn thiếu giấy khám sức khỏe của người lao động, giấy xét nghiệm mẫu nước, hồ sơ nguồn gốc đầu vào, bảo hộ lao động... Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện ngay việc ký cam kết ATTP theo quy định và đề nghị các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cam kết.

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội đánh giá, cứ “đến hẹn lại lên”, vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng vi phạm ATTP chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp

Xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị...

Đã thành thông lệ, vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao khiến vi phạm ATTP cũng gia tăng. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là tình trạng vận chuyển, tiêu thụ mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc.

Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” hoành hành trong dịp cuối năm gây thiệt hại cho nền kinh tế và nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý thị trường của các cấp, ngành chức năng phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, với một tinh thần kiên quyết, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Bên cạnh đó, giải pháp tuyên truyền cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm ATTP, vì vậy các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền  bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các mức xử phạt vi phạm về ATTP mới được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung... Mục đích tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố Hà Nội cho biết, để tăng cường hiệu quả quản lý ATTP những tháng cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo Công tác ATTP thành phố sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác ATTP của các cấp, các ngành, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; đồng thời yêu cầu thông tin kịp thời về thực trạng ATTP; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cơ quan chức năng sẽ tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị...; đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn; khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.

Ban Chỉ đạo Công tác ATTP thành phố Hà Nội cho biết, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Công an Thành phố Hà Nội cũng đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Ban Chỉ đạo Công tác ATTP thành phố cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, cơ quan chức năng đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm dịp cuối năm: Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.