Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến về thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở

HNMO| 19/11/2019 13:21

(HNMO) - 14h hôm nay (19-11), tại trụ sở Báo Hànộimới, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở của thành phố Hà Nội".

16:16 19/11/2019

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm trực tuyến, ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, sau hơn 2 giờ diễn ra hết sức sôi nổi với hàng chục ý kiến hỏi đáp và phát biểu từ lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường..., tọa đàm đã giúp độc giả và các khách mời hình dung được bức tranh khá tổng thể về lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường, thị trấn hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Tọa đàm này một lần nữa cho thấy, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ luôn nóng. Mặc dù thời gian qua, đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác thanh tra, quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập... 

Các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh chung.

Tọa đàm có sự tham gia của hơn 10 cơ quan báo, đài của trung ương và Hà Nội. Các đơn vị này sẽ cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn; đồng thời góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương, quan tâm đến lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường, thị trấn cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm. 

“Hy vọng rằng, trong thời gian tới, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường, thị trấn sẽ không ngừng lớn mạnh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn để làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình”, ông Lê Hoàng Anh nói.

16:15 19/11/2019

Đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành

Không chỉ khó khăn về nguồn nhân lực, cán bộ thanh tra chủ yếu là kiêm nhiệm, nên không có trình độ chuyên môn và cũng khó dành thời gian cho công tác thanh tra, bởi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Vậy, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo ATTP của thành phố, ngành Y tế sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? Và có nên thành lập bộ phận thanh tra chuyên ngành ATTP chuyên trách từ cấp thành phố đến các xã, phường, thị trấn? - Độc giả Lê Bá Khiêm (lekhiem@gmail.com).

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội:

Việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP là rất cần thiết, đặc biệt là tuyến quận/huyện/thị xã. Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP theo quy định do Trường cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ cấp.

Cùng với đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các tuyến, đặc biệt là tuyến xã, phường.

 Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm của thành phố xin ý kiến góp ý của Thanh tra Bộ Y tế, các Sở Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện “Tài liệu hướng dẫn thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn”. Đây là tài liệu cầm tay chỉ việc cho các đoàn thanh tra, góp phần hỗ trợ cho lực lượng thanh tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 

Ngoài ra, đường dây liên hệ sẽ được thiết lập để các đơn vị, từ quận, huyện, thị xã, xã, phường trao đổi khi gặp khó khăn trong quá trình thanh tra.

Về việc có nên thành lập bộ phận thanh tra chuyên ngành ATTP chuyên trách từ cấp thành phố đến các xã, phường, thị trấn hay không, sau 12 tháng tổ chức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành, sẽ rà soát, đánh giá, những việc hiệu quả sẽ được nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND xem xét quyết định vấn đề này.

16:04 19/11/2019

Cấp quận, huyện khó làm thì xã, phường còn khó hơn

“Sau 1 năm thực hiện thí điểm và hơn 4 tháng triển khai trên địa bàn toàn thành phố, việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm gặp khó khăn, vướng mắc gì?” - Độc giả Nguyễn Liên Hương (huyện Thanh Trì Hà Nội).

Đại diện UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín:

Tôi hoàn toàn đồng ý với những chia sẻ của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương vừa trả lời bạn đọc tại tọa đàm. Đó là việc xử lý vi phạm ATTP cấp xã không tránh khỏi tâm lý “họ hàng, làng xóm”. Cấp quận, huyện đã khó làm thì xã, phường còn khó hơn. 

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi xác định việc xử lý vi phạm không phải là cái đích chúng ta hướng đến mà mục đích chính là tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đối với lĩnh vực ATTP. Nếu người sản xuất ban đầu thấu hiểu điều đó thì chắc chắn mọi người tiêu dùng sẽ được thụ hưởng sản phẩm an toàn. 

Trong quá trình thanh tra tại các xã, với các lỗi không thể khắc phục được, chúng tôi vẫn kiên quyết xử phạt. 

16:03 19/11/2019

Cần phân khu vực thanh tra khác nhau

“Hà Nội được xem là một trong những địa phương triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến cơ sở một cách bài bản và nghiêm túc, song vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Vậy, Hà Nội cần làm gì để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó?” - Độc giả Hoàng Thị Thuận (47 Đội Cấn, Ba Đình).

TS Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):

Mặc dù triển khai tích cực, bài bản nhưng mô hình triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành tại các quận, huyện, phường, xã vẫn gặp khó khăn do hệ thống quy phạm pháp luật. Mục tiêu của mô hình thí điểm là xem xét việc triển khai có hữu hiệu trong quản lý ATTP hay không để áp dụng mở rộng và sẽ áp dụng những ưu điểm nào.

TS Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Về công tác đào tạo thanh tra ATTP, ông Tuấn cho rằng, việc đào tạo thanh tra chuyên ngành từ trước đến nay là đào tạo cán bộ ATTP thêm kiến thức về thanh tra và quản lý nhà nước nên nặng về nghiệp vụ thanh tra. Việc đào tạo sâu về chuyên ngành trong hoạt động thanh tra là điều cần xem xét thực hiện.

Hiện nay, các ban, ngành Hà Nội đã nhận thức về vấn đề này nên đã tổ chức bồi dưỡng 23 lớp cho cán bộ chuyên ngành. Đây là kinh nghiệm cần nhân rộng cho các tỉnh khác.

Về các khó khăn gặp phải trong quá trình thanh tra, ông Tuấn cho biết, nguồn nhân lực hiện nay không có cán bộ chuyên trách trong ATTP mà vẫn đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Thời gian tới, các ngành sẽ đánh giá lại việc sử dụng cán bộ như vậy có đáp ứng được đủ nhu cầu địa phương hay không? Nếu cho rằng, cán bộ kiêm nhiệm chưa đủ thì sẽ có kiến nghị, đề xuất đào tạo cán bộ chuyên trách.

Về chuyên môn nghiệp vụ, hiện nay, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đã thí điểm thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Cục ATTP  đề xuất dùng cán bộ đã thực hiện thí điểm trước đây tham gia vào đoàn thanh tra kiểu mẫu của các quận, huyện còn lại. 

Bên canh đó, ông Tuấn đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp. Cục ATTP cũng đề xuất cần thực hiện thanh tra ở các khu vực khác nhau: Ở nội thành tập trung thanh tra thức ăn đường phố, còn ở ngoại thành quan tâm vấn đề liên quan đến nông nghiệp.

Về việc thanh tra chồng chéo, ông Đỗ Hữu Tuấn đề xuất, mỗi cơ sở chỉ thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm. Trong trường hợp vi phạm thì đề xuất thanh tra đột xuất. Ngoài ra, việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đề xuất xem xét, sửa đổi lại để phù hợp với tình hình thực tế.

15:48 19/11/2019

Nâng cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn

Về việc xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm ATTP, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế bổ sung: Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để bảo đảm ATTP. Việc đưa ra các tiêu chí đánh giá khen thưởng, thi đua cũng như tiêu chí trong việc xử phạt góp phần nâng cao nhận thức và sự chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc khen thưởng và xử phạt, theo ông Trần Văn Chung, cần nâng cao công tác tuyên truyền, cùng với đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ATTP. 

“Tôi mong rằng sau đợt thanh tra thí điểm về ATTP, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã phường đều triển khai công tác bảo đảm ATTP tích cực và hiệu quả”, ông Chung nói.

15:43 19/11/2019

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là nội dung quan trọng

Là địa phương triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm từ năm 2016, trong quá trình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, khi phát hiện sai phạm, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được tiến hành như thế nào? - Độc giả Trần Quang Minh (huyện Đông Anh).

Ông Vương Hồng Phong, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh:

Bốn tháng triển khai thí điểm, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP của huyện và xã, thị trấn đã tổ chức thanh tra 160 cơ sở, phát hiện 72 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền gần 100 triệu đồng; các vi phạm đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Ông Vương Hồng Phong, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một nội dung quan trọng trong quá trình thanh, kiểm tra ATTP tại các cơ sở thực phẩm. Tùy từng cơ sở và loại thực phẩm, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, chúng tôi yêu cầu các cơ sở xuất trình các loại hồ sơ, tài liệu sau:

Hợp đồng của cơ sở với đơn vị cung cấp thực phẩm; Hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở cung cấp thực phẩm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Cam kết bảo đảm ATTP, Giấy khám sức khỏe của chủ và nhân viên, xác nhận kiến thức của chủ và nhân viên theo quy định; Giấy xác nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc bản tự công bố chất lượng sản phẩm; Hồ sơ và các sổ sách giấy tờ liên quan đến sản phẩm: Xét nghiệm định kỳ nước sản xuất, xét nghiệm định kỳ chất lượng sản phẩm, hóa đơn chứng từ mua bán, sổ giao nhận thực phẩm, sổ kiểm thực ba bước. Nếu là bếp ăn tập thể trường học, cơ sở chế biến suất ăn, nhà hàng thì đối chiếu với thực đơn hằng ngày.

Trường hợp cơ sở cung cấp chỉ là đơn vị kinh doanh chứ không phải tự sản xuất, đơn vị cung cấp phải đi mua thực phẩm của cơ sở khác (liên kết) về kinh doanh thì phải có đầy đủ hồ sơ con của các đơn vị sản xuất tương tự như hồ sơ của đơn vị kinh doanh. Trong quá trình thanh kiểm tra, khi cần xác minh làm rõ nguồn gốc các  sản phẩm thực phẩm, chúng tôi thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: Chính quyền cơ sở, trao đổi trực tiếp hoặc tổ chức kiểm tra, xác minh các cơ sở liên quan để kiểm chứng và làm rõ các thông tin.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua việc kiểm soát chặt chẽ chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nhà hàng… cũng rất quan trọng, nhất là khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

15:40 19/11/2019

Tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán

“Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh, công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại địa phương cần được triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả?” - Độc giả Lê Thị Mai Lan (quận Cầu Giấy).

Ông Đặng Văn Được, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội:

Vào cuối năm, bà con đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đặc biệt là trong một số nhóm ngành hàng như rượu bia, bánh kẹo, mứt, đường, sữa, rau củ quả, thịt lợn, gia súc, gia cầm… 

Hiện nay, ngành Công Thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành lập 4 đội liên ngành, tăng cường kiểm tra từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, yêu cầu cơ sở  xã, phường, thị trấn, quận, huyện tập trung thanh kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, bánh mứt kẹo, rau củ quả; đặc biệt lưu ý các nhà hàng ăn uống, các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, cơ quan doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tại các chợ dân sinh, trong các dịp lễ hội… là những nơi có nguy cơ cao xảy ra mất ATTP.

15:39 19/11/2019

Có trường hợp xã làm tốt hơn huyện

Với phương châm không “đút chân gầm bàn”, phải đi kiểm tra thực tế, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương khi triển khai thanh tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp quận, huyện đi kiểm tra ít nhất một lần/tháng; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đi kiểm tra một lần/tuần. Ngoài ra, mỗi tháng, các quận, huyện, thị xã phải tổ chức giao ban, đánh giá công tác triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ đó rút kinh nghiệm triển khai tốt hơn. Vậy các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo này của thành phố chưa? 

Ông Trần Anh Hiếu (trái), Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Ông Trần Anh Hiếu, Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội:

Việc kiểm tra giám sát tại 7 huyện, trong quá trình thực hiện, quá trình kiểm tra giám sát, thì thấy các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, theo ông Hiếu vẫn cần có sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để việc giám sát bám sát thực tế thanh kiểm tra. Bên cạnh đó, việc đào tạo thanh tra cần phải chuyên sâu hơn ở từng lĩnh vực. 

“Có trường hợp xã làm tốt hơn huyện, phường làm tốt hơn quận, đó là vì vấn đề con người. Có những người tự trang bị kiến thức về thanh kiểm tra nên thực hiện tốt”, ông Hiếu nói. 

Theo ông Hiếu, việc giám sát, thanh tra cần phải thực hiện sâu, sát hơn nữa ở các địa phương cấp cơ sở.

15:24 19/11/2019

Giải pháp kiểm soát nguy cơ

Thực tế việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thời gian qua cho thấy, công tác thanh tra mới chỉ tập trung vào lĩnh vực y tế, chủ yếu thanh tra thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Trong khi đó, cái “gốc” của vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm chính việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp. - Độc giả Trần Hồng Minh (Thanh Xuân).

Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

Công tác quản lý chất lượng ATTP là một chuỗi các hoạt động quản lý nhà nước bao gồm từ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật) tới các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, giết mổ, sơ chế, chế biến và cung ứng thực phẩm tới tay người tiêu dùng.

Chính vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu nhiều giải pháp quản lý được xuyên suốt quá trình sản xuất thực phẩm từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. 

Việc quản lý an toàn thực phẩm trên nguyên tắc quản lý nguy cơ, tập trung nguồn lực, các giải pháp kiểm soát nguy cơ trọng yếu ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trồng trọt như rau, quả, chè…; dư lượng kháng sinh, thuốc thú y trên sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản; phụ gia, hóa chất trên sản phẩm chế biến… Nếu không kiểm soát tốt các mối nguy này tại các khâu sản xuất thì việc kiểm soát nguy cơ tại các khâu sau cũng không có ý nghĩa. 

15:22 19/11/2019

Phải thanh tra 50% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh 

“Trên thực tế, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên diện hẹp tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường từ năm 2016 đã cho thấy, việc xử lý vi phạm tại cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh do quen biết, tình làng nghĩa xóm của lực lượng thanh tra cấp xã, phường trước những vi phạm về an toàn thực phẩm?” - Độc giả Phí Minh Long (tổ 16, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội:

Đây là điểm mà trong báo cáo đánh giá hằng năm về ATTP đã được nêu lên để các xã, phường phải thực hiện đúng thẩm quyền.

Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm do cấp xã quản lý thường là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hằng ngày rất thấp, chủ cơ sở thường là người quen, có tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng.

Qua thí điểm thanh tra chuyên ngành đợt 1, việc xử phạt của các xã rất thấp. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, Kế hoạch thanh tra đợt này là giao tất cả các quận, huyện, xã, phường thanh tra 50% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm; ban hành quy định, trong một năm xã phạt tối thiểu 3 triệu, phường phạt tối thiểu 5 triệu...

Đến nay, sau 4 tháng triển khai, tổng số cơ sở xã, phường xử phạt là gần 400 cơ sở/1.800 cơ sở được thanh tra, cao hơn nhiều so với trước, cho thấy tình trạng nể nang né tránh đã dần từng bước được khắc phục

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến về thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.