Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Tiền mất tật mang'' vì thuốc Đông y kém chất lượng

An Hà| 01/01/2021 18:00

(HNMCT) - Các bài thuốc Đông y từ xa xưa đã được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, việc dùng các bài thuốc với liều lượng như thế nào cần phải được thực hiện theo sự chỉ định của các y bác sĩ chứ không phải theo nội dung quảng cáo tràn lan trên mạng.

Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng thuốc Đông y.

Đông y... trộn tân dược

Lâu nay, rất nhiều người nghĩ thuốc Đông y an toàn, không có tác dụng phụ nên vô tư sử dụng theo “lời mách” của người quen hay theo thông tin quảng cáo trên mạng. Nhưng thực tế, không ít người đã phải nhập viện vì lạm dụng thuốc Đông y.

Cho rằng mặt to tròn, mí mắt sưng là do tăng cân, ngủ nhiều nên chị L.K.C. (Hà Nội) không nghĩ tới nguyên nhân từ việc uống thuốc Đông y để trị chứng đau khớp trong nửa năm qua. Chỉ khi đến khi nghe bác sĩ kết luận mình bị suy tuyến thượng thận thứ phát do corticoid thì chị mới bàng hoàng. Theo Tiến sĩ Phạm Thúy Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh của chị L.K.C có thể do dùng thuốc Đông y có trộn corticoid.

Một trường hợp khác là bà N.T.H (72 tuổi, ở Hải Dương) có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm. Vài năm gần đây bà có thêm biểu hiện đau khớp gối hai bên và cột sống nên đã tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên để uống hằng ngày. Kết quả, khi nhập viện, bà được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid.

Có nhiều người mua thuốc trị tiểu đường theo thông tin truyền tai hoặc quảng cáo trên YouTube, Facebook. Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng nặng do sử dụng thảo dược có chứa Fenformin - một loại thuốc tây trị tiểu đường đã bị cấm lưu hành quốc tế từ hơn 50 năm qua do có ảnh hưởng tới não, tim, gây nguy cơ tử vong cao. Nhiều người dân vì tin dùng các sản phẩm Đông y được quảng cáo rầm rộ mà không theo phác đồ của bác sĩ, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tìm hiểu kỹ trước khi dùng thuốc

Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc Đông y kém chất lượng, có trộn một số chất cấm. Theo các chuyên gia y tế, lợi dụng tâm lý thích sử dụng thuốc y học cổ truyền vì dễ uống, lành tính, ít tác dụng phụ, nhiều cơ sở sản xuất đã trộn thêm các loại tân dược để tăng hiệu quả tức thời, lờ đi những tác dụng phụ gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.

Tiến sĩ Phạm Thúy Hường cho biết, việc chỉ định corticoid trong điều trị bệnh cần hết sức thận trọng, đặc biệt là với các bệnh nội khoa mạn tính như viêm đa khớp, đau thần kinh... Phải coi corticoid là lựa chọn cuối cùng và không phải bệnh lý khớp nào cũng sử dụng corticoid như nhau. Với bệnh nhân dùng corticoid kéo dài thì từ quá trình sử dụng thuốc đến khi ngừng thuốc là một lộ trình cần được theo dõi nghiêm ngặt; việc dùng corticoid kéo dài và ngừng thuốc đột ngột có thể gây suy tuyến thượng thận cấp và đó là điều rất nguy hiểm.

Với thông tin quảng cáo “nổ” về thuốc Đông y có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường, bác sĩ Trần Văn Đồng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khẳng định: Bệnh tiểu đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp thay đổi chế độ ăn, vận động thì hoàn toàn có thể “sống chung” với bệnh một cách khỏe mạnh. Thực tế, đã có những bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc theo đơn mà bác sĩ kê, mua thuốc Đông y chưa được kiểm chứng, sau một thời gian, khi khám lại, nhiều người có chỉ số đường huyết tăng rất cao, thậm chí xuất hiện biến chứng. “Chúng tôi thấy tiếc khi có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, thận, phải lọc máu cấp cứu. Một số trường hợp tử vong vì đến viện muộn”, bác sĩ Đồng kể lại.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền khuyến cáo: Người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào. Hiện một số Sở Y tế đã đăng tải danh sách cơ sở y tế, phòng khám y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động lên website, người dân có thể kiểm tra thông tin từ đó. Mọi người khi đi khám nên tìm những cơ sở hợp pháp “công khai chứng chỉ hành nghề, phạm vi chuyên môn và có biển hiệu rõ ràng”. Với thông tin trên mạng, người dân phải cẩn trọng kiểm tra lại bởi nhiều thông tin hoàn toàn là giả mạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Tiền mất tật mang'' vì thuốc Đông y kém chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.