Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát dưới 4%

Hồng Sơn| 10/06/2018 07:16

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng cao trong thời gian qua đang đặt ra yêu cầu phải kiềm chế mức tăng để đạt mục tiêu cả năm dưới 4% như đã đề ra.

Ông Nguyễn Bích Lâm.


Nguyên nhân đẩy CPI tăng

- Ông nhận xét thế nào về diễn biến CPI từ đầu năm đến nay?

Giá cả thị trường trong 5 tháng đầu năm nay biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng 1, tháng 2 và giảm trong tháng 3 đã phản ánh đúng quy luật tiêu dùng hằng năm. So với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 0,51%, tháng 2 tăng 0,73%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 tăng 0,08% và tháng 5 tăng 0,55%. Tháng 5 là tháng có tốc độ tăng CPI cao nhất trong 6 năm trở lại đây (từ năm 2012). Như vậy, 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.

Tính chung, đến tháng 5-2018 diễn biến CPI đã tiềm ẩn một số nguy cơ gây áp lực lên mặt bằng giá như: Giá thịt lợn, giá xăng dầu, gas, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình… tăng.

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về hiện tượng CPI tăng cao vừa qua?

- CPI tháng 5-2018 tăng 0,55% do các nguyên nhân chủ yếu sau: Trước hết, giá thịt lợn tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ đã ngừng nuôi lợn. Hiện nay, nguồn cung thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do việc nhập nguyên liệu thô tăng làm giá thịt lợn tăng 5,85% so với tháng trước; từ đó góp phần làm tăng CPI chung 0,25%.

Tiếp theo, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao. Đặc biệt, giá xăng dầu điều chỉnh tăng hai đợt (vào ngày 8-5 và ngày 23-5), tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít, nên bình quân tháng 5-2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đã làm tăng CPI chung 0,16%.

Trong khi đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,29% chủ yếu ở mặt hàng xi măng, với mức tăng trung bình khoảng 10.000 đồng/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu mua sắm các thiết bị làm mát cũng tăng cao; đồng thời nhu cầu dùng điện và nước tăng, khiến giá điện và nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,95% và 0,52%. Từ ngày 1-5-2018, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg, tăng 2,85% so với tháng 4-2017.

- Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đối với CPI?

- Biến động giá nhiên liệu ảnh hưởng tới CPI và chi phí hoạt động sản xuất, vì vậy biến động giá nhiên liệu sẽ tác động rất mạnh tới CPI.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng khá mạnh, bình quân 5 tháng đầu năm 2018 giá dầu Brent ở mức 74,35USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,62USD/thùng của bình quân cùng kỳ năm 2017. Trong nước, giá xăng dầu tính đến hết tháng 5-2018 được điều chỉnh tăng 6 lần, giảm 1 lần. Tổng cộng, nếu so với tháng 12-2017 thì xăng A95 tăng 2.280 đồng/lít, tương ứng tăng 11,48%; dầu diezel tăng 2.580 đồng/lít, tương ứng tăng 16,69%; dầu hỏa tăng 2.280 đồng/lít, tương ứng tăng 20,75%; xăng E5 tăng 1.730 đồng/lít, tương ứng tăng 9,3%. Tổng hợp lại, giá xăng dầu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 12,05% so với cùng kỳ và góp phần tăng CPI chung khoảng 0,5%.

- CPI chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu thế giới. Vậy, theo ông việc dự báo diễn biến giá dầu nên được nghiên cứu, dựa trên cơ sở và phương pháp nào để có được kịch bản chính xác; từ đó có căn cứ xác định chỉ tiêu CPI cho mỗi năm kế hoạch?

- Giá xăng dầu thế giới ảnh hưởng từ các yếu tố như nguồn cung của các nước OPEC, lượng dự trữ của Mỹ, tình hình chính trị tại khu vực Trung Đông, điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Do đó việc dự báo được chính xác giá xăng, dầu thế giới là rất khó, tùy tình hình cụ thể để đưa ra các mức dự báo trên cơ sở tham khảo dự báo của các tổ chức quốc tế. Từ đó, đưa ra các kịch bản dự báo giá xăng, dầu thế giới và trong nước ngay từ đầu năm để xây dựng các kịch bản CPI.

Sau mỗi tháng, Tổng cục Thống kê đều cập nhật các kịch bản này để tham mưu kịp thời với Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Điều này giúp Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát đạt kế hoạch Quốc hội đề ra.

- Theo ông, giá dầu có còn là ẩn số hoặc có khả năng tăng/giảm mạnh trong các tháng cuối năm không? Vì sao?

- Giá xăng, dầu thế giới trong 5 tháng đầu năm nay đã vượt mức dự báo của Bộ Công Thương. Cụ thể, tính đến ngày 21-5-2018 giá xăng thành phẩm ở mức 77,4 USD/thùng, tức tăng 20,6% so cùng kỳ năm 2017 do mức cầu tiêu thụ của thế giới tăng. Các nước OPEC dự kiến không tăng sản lượng khai thác cùng với các biến động của chính trị thế giới và các yếu tố này tiếp tục là ẩn số gây áp lực lên giá xăng, dầu và tác động đến CPI từ nay đến cuối năm 2018. Nếu giá nhập khẩu xăng thành phẩm năm 2018 là khoảng 85 USD/thùng (tăng 31% so với năm 2017) khi đó giá xăng, dầu trong nước có thể tăng khoảng 25% và sẽ tác động vào CPI chung với mức tăng thêm khoảng 1,34%.

Chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành

- Ông nhận xét thế nào về công tác điều hành, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian qua?

- Theo tôi, trong những năm gần đây công tác điều hành, kiểm soát lạm phát của các cơ quan quản lý rất thành công. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá. Công tác dự báo được tăng cường, khá sát với biến động của từng tháng.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực và chủ động trong triển khai công tác quản lý, điều hành giá, phối hợp kịp thời giữa các cơ quan như Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để đề xuất với Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu phù hợp từng giai đoạn.

Trong năm 2016 và năm 2017, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được thực hiện đồng thời với việc điều chỉnh một số mặt hàng chiến lược quan trọng như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiệm cận với giá thị trường.

- Đã qua gần nửa đầu năm và CPI tăng khá cao, vậy theo ông khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát CPI tăng dưới 4% liệu có đạt yêu cầu?

- Với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong từng tháng, từ nay đến cuối năm 2018, tôi tin mục tiêu CPI bình quân năm 2018 ở mức tăng dưới 4% trong năm nay vẫn có thể đạt được.

- Ông có thể nêu một số dư địa nhằm tập trung khai thác để kìm hãm đà tăng CPI cũng như những giải pháp căn cơ trong hoạt động điều hành vĩ mô bảo đảm kiềm chế tốc độ tăng CPI?

- Tôi cho rằng, để giữ được CPI bình quân năm 2018 tăng dưới 4% cần tập trung áp dụng những giải pháp căn bản trong điều hành như:

Bộ Y tế sớm ban hành văn bản thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC (ngày 29-10-2015) về điều chỉnh định mức tiêu hao vật tư, theo đó giá một số dịch vụ y tế sẽ giảm góp phần giảm CPI; tiếp tục triển khai và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc y tế quốc gia và đàm phán giá thuốc y tế để kéo giá thuốc giảm trong năm 2018.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas...) có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào cuối năm để hạn chế tăng giá. Trong đó, quan trọng là bảo đảm quan hệ cung - cầu hàng hóa thường xuyên, có phương án vận chuyển và phân phối hợp lý trên diện rộng nhằm làm tốt công tác quản lý giá, tránh sự khan hàng cục bộ cũng như kết hợp bảo vệ người tiêu dùng; góp phần bình ổn thị trường tiêu dùng.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu quốc tế và sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng này để hạn chế mức tăng, tránh gây áp lực đến CPI nói chung.

Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục rà soát các dự án BOT theo nguyên tắc cắt giảm phí và không tăng thời gian thu phí để có thể điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT, từ đó giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp vận tải.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động các phương án hấp thụ luồng tiền từ việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, cũng như có giải pháp ứng phó với việc FED sẽ còn 3 lần tăng lãi suất cơ bản trong năm 2018 để điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng từ 1,8% đến 2%.

Cơ quan chức năng cũng cần chủ động tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm soát thông tin trên mạng, để hạn chế những thông tin không đúng, gây tâm lý tiêu cực với người tiêu dùng...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát dưới 4%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.