Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi trả tiền lương, thưởng Tết phải bảo đảm khách quan, minh bạch

Minh Ngọc| 20/01/2019 06:35

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp về chế độ lương, thưởng Tết năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp.


Lương, thưởng Tết đều tăng

- Năm 2018, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Ông có thể cho biết, điều đó tác động như thế nào đến chế độ tiền lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019?

- Qua khảo sát tại 25.565 doanh nghiệp sử dụng gần 4 triệu lao động trên phạm vi cả nước cho thấy, tiền lương năm 2018 và tiền thưởng nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của người lao động đều tăng so với năm trước.

Cụ thể, lương bình quân của lao động trong năm 2018 đạt gần 7,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,6% so với năm 2017. Trong đó, lao động làm việc tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhận được mức lương bình quân cao nhất, khoảng 9,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 18,5%. Khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước bảo đảm mức lương bình quân cho người lao động đạt gần 8,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,6%; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức lương bình quân hơn 7,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,4%. Đáng chú ý, lương bình quân ở khối doanh nghiệp tư nhân tăng 20,3%, giúp người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân nhận được lương bình quân hơn 6,8 triệu đồng/người/tháng (cao nhất từ trước đến nay).

Tiền thưởng dịp Tết cho người lao động cũng tăng đáng kể. Đến thời điểm này, đa số doanh nghiệp đã hoàn thành việc thưởng Tết Dương lịch, với mức thưởng bình quân hơn 1,4 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018.

Thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho người lao động bình quân bằng khoảng 1 tháng lương, tương ứng hơn 6,3 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm trước. Trong đó, khối công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thưởng gần 5,8 triệu đồng/người, tăng 15,2%; khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thưởng hơn 6,8 triệu đồng/người, tăng 9,8%. Lao động trong khối doanh nghiệp dân doanh nhận được mức thưởng hơn 6,4 triệu đồng/người, tăng 26,6%; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận được mức thưởng hơn 6,2 triệu đồng/người, tăng 9,7%.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khuyến khích, động viên người lao động bằng các hình thức khác như thưởng bằng sản phẩm, cổ phiếu, các chuyến du lịch...

- Thứ trưởng có thể cho biết chế độ lương, thưởng Tết Nguyên đán hằng năm được hình thành như thế nào?

- Theo Bộ luật Lao động hiện hành, lương là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Tiền thưởng là khoản tiền người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tiền thưởng được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp, do người sử dụng lao động ban hành.

Tiền lương của người lao động cao hay thấp phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc mà người lao động đảm nhận theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, đồng thời phụ thuộc vào kết quả lao động và mức độ đóng góp của người lao động. Về tiền thưởng, hầu hết doanh nghiệp đều có mức thưởng hằng năm cho người lao động. Mức thưởng đưa ra căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, các thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến nội dung này trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã quy định trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp thường chi thưởng vào dịp Tết, nên chúng ta quen gọi đó là thưởng Tết. Trong hệ thống pháp luật về lao động hiện hành không có chế độ thưởng Tết.

- Những năm vừa qua, các ngành, đơn vị, địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá như thế nào để đưa ra được mức lương, thưởng Tết phù hợp cho người lao động?


- Mặc dù pháp luật về lao động quy định tiền lương, tiền thưởng là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng nó là vấn đề quan trọng, được người lao động quan tâm. Do đó, vào quý III và IV hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật về lao động; hướng dẫn doanh nghiệp phối hợp với tổ chức Công đoàn cơ sở tiến hành rà soát quy chế trả lương, thưởng tại đơn vị mình. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các doanh nghiệp xây dựng phương án trả lương, thưởng; tổ chức chương trình, hoạt động hỗ trợ người lao động trong dịp Tết phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đối tượng lao động.

Sau khi tổng hợp tại địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố gửi báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhìn chung, chế độ lương, thưởng Tết được các ngành, đơn vị, địa phương khảo sát, đánh giá công khai, minh bạch, khách quan.

Tiếp tục cải cách chính sách tiền lương


- Hiện có những doanh nghiệp công bố thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có đơn vị chỉ thưởng một vài trăm nghìn đồng. Theo ông, các bên liên quan cần làm gì khi thấy chế độ tiền lương, thưởng Tết chưa hợp lý?

- Như đã trao đổi, các doanh nghiệp trả lương, chi thưởng vào dịp Tết cho người lao động dựa trên nhiều yếu tố. Do đó, không có gì khó hiểu khi chúng ta thấy có những doanh nghiệp trả lương, chi thưởng cho người lao động rất cao, song cũng có những đơn vị trả lương, chi thưởng khá thấp. Doanh nghiệp có mức thưởng cao thường tập trung ở những ngành, nghề có nhiều lợi thế phát triển như ngân hàng, tài chính, bất động sản và doanh nghiệp thưởng Tết thấp thường ở ngành gia công, chế biến… Trong doanh nghiệp, người lao động ở những vị trí khác nhau, đảm nhận những công việc khác nhau cũng có thể nhận được mức lương, thưởng khác nhau. Tất nhiên, mức lương thấp nhất vẫn phải bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Về tiền thưởng, dù đã rất cố gắng, cả nước vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp chưa thưởng Tết Dương lịch cho người lao động do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nếu thấy chế độ tiền lương, thưởng chưa thỏa đáng, người lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động cần rà soát lại các thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện đúng các thỏa thuận, thì người lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động cần gặp gỡ, trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động để có chế độ tiền lương, tiền thưởng hợp lý. Trường hợp người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng các thỏa thuận, các bên liên quan cũng nên bàn bạc, trao đổi, thương lượng để tìm giải pháp tháo gỡ.

- Những năm tới, cách thức trả tiền lương, thưởng cho người lao động sẽ thay đổi như thế nào thưa ông?

- Ngày 21-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết 27 đã xác định phải cải cách chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp từ năm 2021.

Theo tinh thần đó, tiền lương trong khu vực sản xuất, kinh doanh là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý chung theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường, điều tiết, hỗ trợ thị trường lao động phát triển và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Chính sách tiền lương tối thiểu sẽ hoàn thiện để có thể đáp ứng sự phát triển linh hoạt của thị trường lao động, nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu. Bên cạnh lương tối thiểu theo tháng, Nhà nước quy định lương tối thiểu theo giờ, nhằm bảo vệ tốt hơn lao động yếu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp và người lao động tăng cường thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng, thực hiện thang lương, bảng lương.

Thay vì đưa ra các nguyên tắc về tiền lương như hiện nay, Nhà nước giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện tập thể người lao động thương lượng, thỏa thuận xây dựng và áp dụng. Việc cải cách chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ theo hướng khoán quỹ tiền lương của người lao động; quy định tiền lương của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý, hiệu quả kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước. Ai thuê, ai bổ nhiệm thì người đó sẽ đánh giá và trả lương.

Khi chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp có nhiều thay đổi, tất yếu các hình thức thưởng vào dịp Tết cho người lao động cũng sẽ thay đổi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chi trả tiền lương, thưởng Tết phải bảo đảm khách quan, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.