Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn thực phẩm “bẩn” bằng thanh tra chuyên ngành

Thu Trang| 21/01/2019 09:58

(HNM) - Từ tháng 7-2019, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn...

Đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố.


- Ông nhận xét gì về “bức tranh” an toàn thực phẩm của Thủ đô sau khi triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở?

- Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong bốn nội dung trọng tâm của kế hoạch tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm hằng năm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và Hà Nội là một trong hai thành phố lớn được chỉ định triển khai thí điểm thực hiện tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Sau hơn 3 năm triển khai, thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở đã giúp công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô chuyển biến tích cực. Nhờ đó, nhiều cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý kịp thời, tại những địa bàn được cho là “điểm nóng” đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

- Việc mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn sẽ mang lại điều gì, thưa ông?

- Tình hình an toàn thực phẩm ngày càng có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ thành phố đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm cả nước cũng như ở Hà Nội hiện nay quá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đặc biệt, ở tuyến xã, phường, sự vào cuộc của các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm còn chưa quyết liệt.

Vì vậy, việc mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 100% quận, huyện, xã, phường sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát, quản lý, thanh tra ngay tại địa phương, có sức răn đe mạnh hơn, góp phần ngăn chặn thực phẩm “bẩn” lưu thông trên thị trường.

- Khi được “phủ sóng” tại khắp các quận, huyện, công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?

- Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn như: Hạn chế về nhân lực, thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm phụ trách tại từng địa phương, nhất là tuyến xã, phường do đội ngũ này vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Thêm vào đó, nhiều người được giao nhiệm vụ nhưng còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, nhất là cán bộ ở cấp xã, phường. Mặt khác, còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế quận, huyện, trạm y tế xã, phường nên hiệu quả không cao. Chưa kể, nhiều đơn vị, cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ, ngách, không có địa điểm cố định... cũng gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra. Đây sẽ là những khó khăn khi thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai tại 100% xã, phường.

- Theo ông, việc trao quyền và tăng cường sự có mặt của lực lượng thanh tra này có dẫn tới lạm quyền, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không?

- Việc triển khai mở rộng thí điểm lần này đã được lên kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo. Sở Y tế Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy trình chặt chẽ, giao quyền, giao nhiệm vụ và kế hoạch thanh tra, đồng thời giám sát việc thực hiện của UBND các quận, huyện, thị xã. Khi kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành phải có biên bản, báo cáo kết quả kiểm tra cụ thể. Khi đi thanh tra, kể cả thanh tra độc lập (một người) cũng phải có quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường. Bên cạnh đó, thành phố cũng lập các tổ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thường xuyên việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tổ công tác tổ chức kiểm tra, giao ban tại các quận, huyện theo quý để kịp thời hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong triển khai công việc.

- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc triển khai như thế nào, thưa ông?

- Theo kế hoạch, việc triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 1-2019 đến ngày 9-7-2019) là công tác chuẩn bị. Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 05/KH-UBND triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho cán bộ thực hiện. Tiếp đến, tổ chức đào tạo chứng chỉ (gồm cả chứng chỉ lấy mẫu xét nghiệm), bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho cán bộ được giao nhiệm vụ tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, giai đoạn 2 (từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020) sẽ chính thức triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặn thực phẩm “bẩn” bằng thanh tra chuyên ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.