Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng lộ trình nâng lương tối thiểu lên mức đủ sống

Minh Ngọc| 06/03/2019 08:00

(HNM) - Kết quả nghiên cứu về đời sống của một bộ phận người lao động tại Việt Nam vừa công bố cho thấy: Người lao động nhận được mức lương chưa đủ sống dẫn tới nhiều hệ luỵ.

Hiện đang có sự khác biệt trong cách tính nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.


- Theo bà, thế nào là tiền lương đủ sống?

- Theo định nghĩa của Sàn lương châu Á và Liên minh Lương đủ sống toàn cầu, lương đủ sống là mức lương thấp nhất trả cho một người, làm trong giờ làm việc theo tiêu chuẩn (ở Việt Nam hiện nay là 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần). Mức lương này đủ để người lao động trang trải những chi phí cơ bản, cần thiết cho họ và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai…

Thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn cùng Oxfam tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn ngẫu nhiên hàng trăm lao động có độ tuổi trung bình là 33, đang làm việc ở nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau. Đa số người được hỏi cho biết, tiền lương nhận được còn cách khá xa so với định nghĩa nêu trên. Thậm chí, một số người thường xuyên phải vay nợ để trang trải cho những sinh hoạt thiết yếu, không có dư để tiết kiệm, đề phòng ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro...

Nhiều lao động ngành may mặc đang nhận mức lương chưa thỏa đáng.


- Kết quả nghiên cứu khẳng định, người lao động nhận được mức lương chưa đủ sống dẫn đến nhiều hệ lụy. Bà có thể cho biết rõ hơn về việc này?


- Lương chưa đủ sống khiến người lao động phải làm thêm giờ, hoàn thành càng nhiều sản phẩm càng tốt. Dành quá nhiều thời gian để làm việc, người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động... Cụ thể, gần 70% công nhân may được khảo sát phản ánh, họ bị mắc các chứng bệnh như đau đầu, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ; hơn 50% số người không đủ tiền chi phí khám, chữa bệnh… Đối với doanh nghiệp, khi người lao động nhận được mức lương thấp, họ không hứng thú làm việc hoặc phải làm việc mất quá nhiều sức lực sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp...

Trên bình diện chung, người lao động nhận được mức lương không đủ sống tác động đến nhiều mặt. Dễ dàng nhận thấy nhất đó là sức lao động bị ảnh hưởng; con cái của họ thiếu các điều kiện để phát triển toàn diện sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Cùng với đó, thị trường lao động phát triển không ổn định, thiếu bền vững…

- Vậy, các bên liên quan cần làm gì để mức lương đáp ứng được mức sống của người lao động?

- Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, người lao động nhận được mức lương thấp hơn mức sống có liên quan đến các thông lệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và rào cản về quy định tiền lương trong nước. Ví dụ như may mặc là ngành đầu tư sinh lợi lớn, nên có nhiều doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực này. Đi vào hoạt động, một số nhãn hàng thời trang đã tìm cách nào đó để tối đa hóa lợi nhuận, lợi tức. Trong khi đó, nhiều quốc gia khu vực châu Á xác lập mức lương tối thiểu thấp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, không ngoại trừ nguồn đầu tư vào ngành may mặc. Để “chiều lòng” những nhãn hàng lớn, nhiều doanh nghiệp may mặc yêu cầu công nhân của họ làm việc nhiều giờ với mức lương thấp.

Do đó, giải pháp để người lao động có cuộc sống tốt hơn từ lương phải mang tính toàn cầu, liên quan đến tất cả các bên. Khách hàng và nhãn hàng quốc tế phải cam kết có trách nhiệm về trả lương đủ sống; thực hiện và giám sát tiền lương đủ sống trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cần minh bạch về đơn hàng, đơn giá tiền lương và định mức lao động; đồng thời làm việc với khách hàng, nhãn hàng, công đoàn, công nhân… về lương đủ sống cho người lao động. Các tổ chức công đoàn cần thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương; nâng cao năng lực giám sát về việc thực thi pháp luật lao động, quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, nhãn hàng. Ở cấp vĩ mô, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện nay lên mức lương đủ sống; minh bạch trong cách tính lương tối thiểu; tiến hành hợp tác toàn cầu về trả lương đủ sống; vinh danh các doanh nghiệp vì người lao động…

- Nhà nước đang giảm dần sự can thiệp vào cách tính thang, bảng lương của doanh nghiệp. Việc trả lương theo giờ cũng đã được đề xuất. Dưới góc độ nghiên cứu, bà thấy hướng đi này phù hợp không?

- Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp là hướng đi đúng, nhưng cần có lộ trình thực hiện. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, tiếng nói của công đoàn cơ sở chưa mạnh, kết quả thương lượng tập thể chưa cao, mà pháp luật trao quyền cho doanh nghiệp, nên công đoàn và người lao động thương lượng về mức lương sẽ khó đạt hiệu quả cao.

Về việc trả lương theo giờ, tôi thấy đây là cách trả lương phổ biến, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, có thể áp dụng ở nước ta. Tuy nhiên, dù trả lương theo hình thức nào thì đích đến vẫn là mức lương bảo đảm mức sống cho người lao động. Mong rằng, các bên liên quan phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trong quá trình trả lương đủ sống, tạo điều kiện cho người lao động, gia đình họ cũng như doanh nghiệp và xã hội phát triển cân bằng, toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lộ trình nâng lương tối thiểu lên mức đủ sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.