Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh giá sách giáo khoa phải theo quy luật thị trường

Minh Đức| 18/03/2019 06:38

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Xuân Thành, Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam về nguyên tắc xây dựng, lý do điều chỉnh cũng như những vấn đề nảy sinh khi giá sách giáo khoa không tuân theo quy luật thị trường.


- Thưa ông, lý do nào để đơn vị đưa ra quyết định tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020?

- Từ năm 2011 đến nay, giá sách giáo khoa không thay đổi và luôn ở mức thấp hơn so với chi phí, giá thành xuất bản, phát hành sách giáo khoa và so với giá bán các sách khác. Đơn giá các chi phí gắn liền với tiền lương, tiền công như biên tập, thiết kế, chế bản được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ ổn định từ năm 2011 đến nay. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 so với năm 2011 đã tăng gần 3,1 lần, mức lương cơ sở tăng 1,8 lần. Bên cạnh đó, giá giấy in hằng năm đều tăng, trong đó riêng giấy để in sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã tăng so với năm trước trên 20%. Giá điện bán lẻ bình quân từ năm 2011 đến nay cũng đã tăng gần 41%...

Bởi giữ ổn định giá như vậy nên hiện nay giá sách giáo khoa thấp hơn nhiều so với giá các loại sách có cùng quy cách. Khảo sát thực tế cho thấy, có những cuốn giá bìa cao hơn từ 3 lần đến 8 lần so với sách giáo khoa. Ví dụ, cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 (tập 2) đơn giá 49 đồng/trang, trong khi cuốn Những bài làm văn mẫu lớp 9 (tập 2) của một nhà xuất bản khác có đơn giá 146 đồng/trang, cao hơn 3 lần. Hay cuốn Hóa học 8, đơn giá là 60 đồng/trang, còn cuốn Hướng dẫn ôn tập và kiểm tra hóa học 10 (tập 1) của một nhà xuất bản khác có đơn giá là 479 đồng/trang, cao hơn 8 lần.

Để tạo sự ổn định và thuận lợi cho phụ huynh, học sinh, gần mười năm qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải bù lỗ từ những nguồn thu khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, các nguồn thu khác không còn đủ để bù lỗ và nhà xuất bản đứng trước nguy cơ mất dần nguồn vốn nhà nước. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá bán sách giáo khoa năm học 2019-2020 trở thành vấn đề cấp thiết để từng bước đưa giá sách giáo khoa tuân theo đúng quy luật thị trường.

- Bán sách giáo khoa dưới giá thành với số lượng lớn, vậy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được Nhà nước trợ giá, bù lỗ không, thưa ông?

- Số tiền lỗ của bán sách giáo khoa không được Nhà nước bù, cũng như không được trợ giá, nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên hơn 60 năm qua luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng sách giáo khoa cho học sinh trên mọi miền đất nước.

- Sách bán dưới giá thành là đi ngược với quy luật của thị trường, nhưng đây là hàng hóa đặc biệt nên không thể hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường mà cần có sự điều tiết của Nhà nước, phải không thưa ông?

- Đúng như vậy. Giá sách giáo khoa không do đơn vị sản xuất là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam quyết định mà phải được đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đơn vị quản lý nhà xuất bản là Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý. Việc điều chỉnh giá sách giáo khoa vừa rồi cũng vậy. Chủ trương và phương án điều chỉnh giá cũng đã được Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia thông qua và nhà xuất bản cũng đã hoàn thành việc kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài chính theo quy định.

- Dẫu việc điều chỉnh giá sách giáo khoa là hợp lý và hợp pháp như ông vừa chia sẻ, tuy nhiên, nó được quyết định vào thời điểm chỉ còn một năm nữa sẽ triển khai chương trình và sách giáo khoa mới nên dư luận cho rằng việc này không hợp thời. Ông nghĩ sao về điều này?

- Như tôi đã nói ở trên, việc điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đang là vấn đề cấp thiết. Ước tính, nếu giá sách giáo khoa không được điều chỉnh kịp thời, đơn vị sẽ lỗ khoảng 170 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác của nhà xuất bản không thể đủ nguồn để bù cho khoản lỗ này dù đơn vị đã cố gắng hết sức. Điều này dẫn đến việc đơn vị không chỉ không hoàn thành nghĩa vụ ngân sách mà cả vấn đề bảo toàn vốn nhà nước tại nhà xuất bản cũng rất khó khăn.

- Về nguyên tắc, khi gánh nặng được chia nhỏ thì nó không còn là gánh nặng nữa. Mỗi gia đình chia sẻ sự khó khăn này bằng cách trả thêm một khoản nhỏ cho việc mua sách giáo khoa cho con thì Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng giảm được gánh nặng đang mang. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, thêm vài chục nghìn cho sách giáo khoa cũng trở thành gánh nặng. Theo ông, làm thế nào để hài hòa điều đó?

- Một trong những nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là mục tiêu của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là không để học sinh nào bị thiếu sách khi bước vào năm học mới. Để đạt được mục tiêu này, tôi cho rằng không phải bằng cách không tăng giá sách giáo khoa khi mà phần lớn thu nhập của các gia đình đều có thể chi trả. Thu nhập bình quân của Việt Nam năm 2011 là 1.300 USD, năm 2018 con số này đã trên 2.500 USD. Khi xây dựng phương án giá sách giáo khoa, nhà xuất bản chỉ điều chỉnh giá với mức tăng bình quân 16,9%, gần đủ để bù đắp chi phí. Nhà xuất bản vẫn tiếp tục dùng một phần nguồn thu khác để bù lỗ cho sách giáo khoa.

Để không học sinh nào thiếu sách, hằng năm, nhà xuất bản đã dành nguồn kinh phí khá lớn để tặng sách giáo khoa cho học sinh là con các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chi phí vận chuyển sách giáo khoa đến vùng sâu, vùng xa... Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển tủ sách dùng chung…

- Vậy những diễn biến của việc điều chỉnh giá có ảnh hưởng thế nào đến việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học 2019-2020, thưa ông?

- Theo kế hoạch, ngày 1-4-2019, nhà xuất bản sẽ bắt đầu chuyển sách về địa phương phục vụ năm học 2019-2020. Do trước đó đã có sự chấp thuận về chủ trương, đơn vị đã hoàn thành việc kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài chính theo quy định và đã in sách theo giá mới. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tạm dừng điều chỉnh giá, đơn vị phải sửa lại giá trên sách đã in. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng thời gian in ấn, hoàn thiện sản phẩm, tăng chi phí về nhân công và các chi phí khác. Với khối lượng công việc này, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về tiến độ để có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh giá sách giáo khoa phải theo quy luật thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.