Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện khát khao đổi mới, phục vụ nhân dân tốt hơn

Võ Lâm| 21/03/2019 06:43

(HNM) - Xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” với chất lượng và tính khả thi cao không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là khát khao, nhiệt huyết đổi mới nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án đã dành cho Báo Hànộimới những chia sẻ trước khi dự thảo Đề án được trình Bộ Chính trị.


- Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”?

- Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đánh dấu một bước tiến của quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án khẩn trương trong hơn một năm qua. Việc Hà Nội xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” là một nhiệm vụ chính trị được Bộ Chính trị giao thực hiện tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 khi Bộ Chính trị đã “đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”. Việc báo cáo Bộ Chính trị cho thấy thành phố đã rất nỗ lực hoàn thành dự thảo Đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, đánh giá chất lượng, cũng như cho ý kiến chỉ đạo các bước tiếp theo.

- Thành phố đã chuẩn bị những gì để việc báo cáo Bộ Chính trị có kết quả tốt, thưa đồng chí?

- Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, trực tiếp là Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” do đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban, việc xây dựng Đề án đã diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao của thành phố; sự giúp đỡ nhiệt tình, phối hợp hiệu quả của các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố, bạn bè quốc tế... Một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành, bảo đảm Đề án được xây dựng đúng tinh thần khoa học, đổi mới, vừa giàu tính thực tiễn vừa bảo đảm cơ sở lý luận, đúng hiến pháp, pháp luật.

Dự thảo Đề án được xây dựng trên cơ sở 8 chuyên đề nghiên cứu; kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kết quả thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kinh nghiệm thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; kinh nghiệm quốc tế về quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; được hoàn chỉnh nhiều lần nhờ sự góp ý của hàng nghìn ý kiến từ trung ương tới cơ sở.

Có thể khẳng định, dự thảo Đề án mà thành phố sắp trình Bộ Chính trị là thành quả trí tuệ của rất nhiều con người, thể hiện tâm huyết, khát vọng đổi mới không chỉ của riêng thành phố Hà Nội mà của cả trung ương, các tỉnh, thành phố cả nước.

Đề án đã đề xuất các phương án cụ thể nhằm thực hiện mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và một cấp hành chính tại phường ở khu vực đô thị và mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và cấp xã) ở khu vực nông thôn gắn với các giải pháp củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Những đổi mới gắn với Đề án là toàn diện, có tính khả thi cao, phù hợp tiến trình thực hiện đổi mới hệ thống chính trị mà trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

- Như vậy, việc thực hiện Đề án sẽ liên quan đến cả hệ thống chính trị ở cả khu vực đô thị và nông thôn, từ thành phố đến cơ sở. Đề án có bao gồm những tính toán về tác động, cũng như nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện không, thưa đồng chí?


- Đây là vấn đề cơ bản, là mối quan tâm hàng đầu, là cơ sở bảo đảm tính khả thi của Đề án. Vì thế, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề liên quan, đề ra các giải pháp bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cần thiết, giải quyết những vấn đề đặt ra để Đề án khi được thông qua sẽ được triển khai thực hiện thuận lợi, có hiệu quả.

- Sự cần thiết của Đề án đã được khẳng định, có ý kiến cho rằng đây là xu thế tất yếu. Là người trực tiếp tham gia soạn thảo Đề án từ những bước đi đầu tiên, đồng chí có thể khái quát gì về điều này?

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhiều nghị quyết đã được ban hành và thực hiện hiệu quả, từng bước đáp ứng những yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn đã bước đầu có sự phân biệt, nhưng chưa rõ nét. Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước.

Là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng mô hình quản lý hiện hành của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị rất thấp. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa trung ương và thành phố còn nhiều bất cập; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước, không tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh...

Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... nêu trên đòi hỏi cần sớm có một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô. Nhu cầu đổi mới mô hình quản lý của chính quyền đô thị là rõ ràng, nhưng để áp dụng chính thức, chúng ta cần triển khai nghiêm túc việc thí điểm. Đó là lý do để ra đời Đề án.

- Sau hội nghị báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, lộ trình tiếp theo của quá trình xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” là gì, thưa đồng chí?


- Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, trong năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện Đề án để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, bao gồm thí điểm về cơ chế, chính sách ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội. Nếu được Quốc hội thông qua, trên cơ sở chỉ đạo của trung ương và Chính phủ, thành phố Hà Nội sẽ bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết. Đây là điều chúng ta mong muốn, chờ đợi cũng như đặt kỳ vọng để tạo ra sự đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, phục vụ nhân dân tốt hơn.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện khát khao đổi mới, phục vụ nhân dân tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.