Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến nền hành chính không giấy tờ

Hà Phong| 24/03/2019 06:29

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc hình thành nền hành chính không giấy tờ là cơ sở quan trọng để xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.


Minh bạch để hạn chế tiêu cực, tham nhũng

- Thưa Bộ trưởng, các văn bản giấy đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân và doanh nghiệp nên dễ phát sinh tiêu cực, "tham nhũng vặt". Thời gian qua, Chính phủ đã làm những gì để loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy?

- Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ có nghị quyết đầu tiên tập trung về xây dựng chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…

Tiếp đó, ngày 12-7-2018, Thủ tướng ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa, chính thức khai trương ngày 12-3-2019, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ. Một nền điều hành không giấy tờ dần được hình thành như thế.

- Với việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, chúng ta được những lợi ích cụ thể gì?

- Hiện, Trục liên thông văn bản quốc gia là nơi gửi - nhận văn bản của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhưng đến quý IV-2019 sẽ được phát triển thành một nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Với việc công bố Cổng dịch vụ công quốc gia vào quý IV-2019, các cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, dịch vụ công sẽ được tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng này.

Bình thường, việc gửi một văn bản từ trung ương xuống địa phương mất tới 2 ngày, thì nay chúng ta đưa Trục liên thông văn bản quốc gia vào hoạt động, việc gửi - nhận chỉ vài giây. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không thể nói không nhận được văn bản vì nó lưu vết nhận lúc nào trên dữ liệu điện tử. Các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh không cần ngồi ở phòng mà đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc.

- Có những minh chứng cụ thể bằng những con số về lợi ích khi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia chưa, thưa Bộ trưởng?

- Theo tính toán, riêng tiền photo, tiền giấy, mực, scan… đã tiết kiệm được 154,3 tỷ đồng. Tiền bưu chính, gửi văn bản hỏa tốc, chuyển phát nhanh… tiết kiệm khoảng 575,2 tỷ đồng. Chi phí về thời gian, tiết kiệm lao động tính sơ bộ khoảng 576 tỷ đồng. Còn nhiều cái khác không thể tính được. Đơn cử nếu như văn bản bị “ngâm” trong ngăn kéo của một nhân viên hành chính, hoặc bị thất lạc, không dễ truy cứu.

Sau này, với nền hành chính không giấy tờ, các tổ chức, cá nhân có thể “giám sát” lại cơ quan công quyền, nắm được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của mình đến đâu. Thủ tục hành chính được rút ngắn. Lòng tin của dân và môi trường đầu tư cũng được cải thiện rất nhiều.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chấp nhận cán bộ 0.4

- Để hình thành một nền hành chính không giấy tờ, cần rất nhiều bước triển khai và sự chung tay của bộ, ngành, địa phương. Đến nay, các đơn vị đã vào cuộc như thế nào, thưa Bộ trưởng?


- Các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm, dù mức độ khác nhau. Đến nay, 95/95 cơ quan ở trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Việc quan trọng hiện nay là phải tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống. Bên trên phải hoàn toàn không ký tay nữa, nếu nay gửi điện tử, mai ký tay thì không được. Như Văn phòng Chính phủ giờ không ký “tươi” nữa, lãnh đạo không ký thì cấp dưới đương nhiên phải sử dụng hình thức điện tử. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, không thể chấp nhận cán bộ 0.4.

- Là cơ quan có trách nhiệm truyền đạt rất nhiều thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã đổi mới cách làm việc, hướng đến mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Riêng với Văn phòng Chính phủ đã sắp xếp bài bản để triển khai văn phòng không giấy tờ với tinh thần tiên phong. Hiện, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phục vụ cho khoảng 700 cán bộ tham gia vào hệ thống; tính từ năm 2018 đến nay xử lý gần 12,6 nghìn văn bản đến và gần 34 nghìn văn bản phát hành; hệ thống còn cung cấp các công cụ hữu ích giúp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ có thể theo dõi, đôn đốc thực hiện công việc.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các bước cần thiết để đến ngày 30-6-2019 xây dựng, đưa hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-cabinet) vào khai thác. Chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là sẽ kết nối với các thành viên Chính phủ.

Trước đây, Chính phủ họp 3 ngày, tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin giảm thời gian họp chỉ còn 1 ngày, vì nội dung văn bản đã được xử lý trên mạng, khi đồng thuận rồi đưa ra Chính phủ biểu quyết thông qua; tới đây sẽ ấn nút bằng vân tay.

Thậm chí, một văn bản được đem ra lấy ý kiến các bộ, bộ nào chậm trễ hoặc không trả lời cũng sẽ bị chỉ đích danh. Như vậy tạo ra minh bạch, công khai, rõ ràng, mọi người đều có thể giám sát được.

- Có thể hiểu Trục liên thông văn bản quốc gia chỉ là một bước khởi đầu, xa hơn là mục tiêu chính phủ điện tử, số hóa. Song, tình trạng độc quyền thông tin kho dữ liệu số vẫn còn, cho thấy các bộ, ngành chưa sẵn sàng chia sẻ?

- Đây chính là điểm nghẽn. Hiện ở một tỉnh thôi cũng có tình trạng mỗi sở, ngành, đơn vị, có một phần mềm riêng biệt, không kết nối được với nhau. Hay nhìn tổng thể, mới có cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, về đăng ký doanh nghiệp, nhưng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai chưa xong, chưa đồng bộ.

Cái này sẽ được khắc phục, bắt đầu từ việc hoàn thiện khung kiến trúc chính phủ điện tử (phiên bản 2.0) trình Thủ tướng ban hành, đồng thời cần một kiến trúc tổng thể chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025. Như vậy, việc xây dựng, chia sẻ thông tin sẽ dựa trên một khung chung, tổng thể, vừa ăn khớp nhau, vừa tránh trùng lặp, lãng phí, đầu tư công nghệ thông tin dàn trải.

Theo kế hoạch, quý II-2019 sẽ có Trung tâm tích hợp dữ liệu của quốc gia, không phải của riêng bộ, ngành nào; tất cả dữ liệu quốc gia bắt buộc phải tích hợp, chia sẻ vào đó và do Thủ tướng quản lý “chìa khóa”. Chia sẻ dữ liệu nào, Thủ tướng là người quyết định. Không còn “kho ông, kho tôi” thành dữ liệu riêng, độc quyền.

- Thực tế nhiều cán bộ vẫn ngại từ bỏ cách làm truyền thống vì sợ mất quyền lợi. Cần làm gì để rút ngắn khoảng cách nói không đi đôi với làm, nhất là ở cấp cơ sở, thưa Bộ trưởng?

- Quá trình làm việc với UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi nhận thấy, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc. Hà Nội cũng có những bước phát triển rất ấn tượng.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, mong muốn của người dân rất nhiều. Trong khi đó, nhiều nơi, cán bộ của chúng ta vẫn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ quyền lợi của riêng mình. Hệ thống chưa kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về cán bộ văn thư, quản lý liên thông…

Vì thế, Việt Nam vẫn là quốc gia “đi chậm” trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Giờ muốn làm được phải ban hành thể chế và quy định rất cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, Bộ Nội vụ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về quy trình ký số theo Thông tư số 01/2019/TT-BNV….

Ngoài ra, vai trò nêu gương và sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp rất quan trọng. Lãnh đạo phải đi tiên phong. Lãnh đạo mà ký giấy, làm sao khuyến khích việc trình, giải quyết văn bản, thủ tục điện tử. Trong khi đó, một bộ hồ sơ điện tử được tạo ra, sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và công chức thực thi công vụ, giảm “cơ hội” vòi vĩnh, “tham nhũng vặt”.

- Ngược lại, làm thế nào để người dân tin vào chính phủ điện tử?

- Thủ tướng đã chỉ đạo: Những dịch vụ gì cần cho người dân, doanh nghiệp thì phải làm trước. Nghĩa là phải tiện ích về vận hành, kết nối, dễ làm, chi phí rẻ... Những thủ tục ấy phải đúng cái mà chúng ta mong đợi là nhanh, cắt giảm phiền hà, tiêu cực. Đấy là mong muốn của Thủ tướng.

Nhưng việc này cần cả quá trình. Ngay cả vấn đề hạ tầng, cơ sở dữ liệu chúng ta chưa có hoặc chưa đầy đủ, chưa được sàng lọc và chuẩn hóa. Chúng ta phải làm từng bước nhưng phải mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Chúng ta vốn là nước đi sau, nếu không vươn lên, không bắt nhịp sẽ bị tụt lại phía sau.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến nền hành chính không giấy tờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.