Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực phát triển quan trọng

Nguyễn Mai| 10/04/2019 07:53

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chủ động hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ đó đã tranh thủ được sự hỗ trợ về vốn, thị trường, khoa học kỹ thuật... để ứng dụng vào sản xuất.

Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.


- Xin ông cho biết những hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội thời gian qua?

- Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chú trọng đến các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới... Từ năm 2007 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ với đối tác nước ngoài nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và các nước. Cụ thể, Hà Nội đã có bản ghi nhớ với Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản); Công ty Fresh Farm SDN BHD (Malaysia) trong sản xuất và tiêu thụ cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... Hà Nội cũng đã vận động, sử dụng và quản lý hiệu quả các viện trợ không hoàn lại và vốn vay nước ngoài cho phát triển nông nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội đã ký kết và thực hiện 18 dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

- Vậy hợp tác quốc tế đã mang lại kết quả gì cho nông nghiệp Thủ đô, thưa ông?


- Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện tốt nhất để quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất theo quy hoạch. Đến nay, toàn thành phố đã có 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; hơn 4.200 trang trại... Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều dự án, kỹ thuật canh tác mới, tiên tiến đã được chuyển giao đưa vào sản xuất; nhận thức của cán bộ và nhân dân các vùng triển khai thực hiện dự án có bước tiến rõ rệt. Nhờ đó, nhiều nông sản của Hà Nội còn xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Ví như, năm 2018, Hà Nội đã xuất khẩu 19 tấn nhãn chín muộn sang Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Trong đó, riêng vùng trồng nhãn chín muộn ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) xuất khẩu sang Hoa Kỳ 18 tấn, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản Hà Nội...

Trong chăn nuôi, Hà Nội đã thực hiện dự án bò sữa Việt - Bỉ. Qua đó, đã đưa ra quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa, thúc đẩy chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Cùng với đó, Hà Nội còn thực hiện dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội (Dự án được thực hiện giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Hà Lan). Qua đó, nhiều nông dân Hà Nội đã được tiếp cận với các giống lợn chất lượng cao, được hỗ trợ tổ chức liên kết chuỗi trong sản xuất...
Các chương trình hợp tác quốc tế đã đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành.

- Như ông trao đổi, ngoài tăng cường hợp tác quốc tế, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn tích cực hỗ trợ, chia sẻ với một số nước để phát triển sản xuất nông nghiệp?


- Đúng vậy, từ năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Luangprabang (Lào) phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các nhiệm vụ Hà Nội được giao hỗ trợ thủ đô Viêng Chăn đã hoàn thành như: Xây dựng quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đào tạo cán bộ quản lý cho Sở Lâm nghiệp Viêng Chăn. Đối với tỉnh Luangprabang, đã hỗ trợ địa phương này nhân giống cam Nậm Bạc, tuyển chọn được 30 giống cam có năng suất cao phục vụ sản xuất giống. Ngoài ra, Hà Nội còn hỗ trợ tỉnh Luangprabang quy trình sản xuất một số giống hoa, cây cảnh... giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thực hiện chương trình hợp tác với Mozambique trong trồng lúa nước. Từ năm 2011-2014, Hà Nội đã giúp Mozambique xây dựng mô hình trồng lúa quy mô 100ha. Kết quả, với giống lúa ngắn ngày năng suất đạt 6 tấn/ha; các giống lúa dài ngày đạt 4,1 tấn/ha. Hà Nội cũng giúp Mozambique xây dựng 3 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân các vùng trồng lúa của nước bạn.

- Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội làm gì để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp, thưa ông?

- Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là công cụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Hà Nội có nhiều cơ hội để thực hiện hợp tác quốc tế và đang triển khai một số chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Rau, củ, quả, chăn nuôi bò, lợn, thủy sản. Để tăng cường hội nhập, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố thực hiện hiệu quả quy hoạch nông nghiệp; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hà Nội cũng sẽ triển khai các giải pháp nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản như: Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, chế biến sâu trong sản xuất để có nông sản chất lượng phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực phát triển quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.