Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vươn tới Giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”

Mai Hà| 23/04/2019 07:13

(HNM) - Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2019 (26-4) là “Vươn tới Giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đã đưa ra một cái nhìn cận cảnh trong lĩnh vực thể thao, từ góc độ các hoạt động sở hữu trí tuệ.

Một hội thảo về “Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số” do Cục Bản quyền tác giả (COV) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội.


- Mỗi năm, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có một chủ đề mang ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội, ông có thể nói gì về chủ đề năm nay?

- Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Vươn tới Giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”, đề cao việc khai thác tài sản trí tuệ trong thể thao cũng như các lĩnh vực hoạt động khác tại Việt Nam và trên thế giới. Thông điệp này khẳng định, đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan…

- Ông có thể nói rõ hơn lợi ích từ các sáng chế, giải pháp cải tiến, việc bảo hộ quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao đối với người sử dụng và doanh nghiệp?


- Các sáng chế, giải pháp cải tiến dụng cụ thể thao sẽ mang lại sự tiện lợi, an toàn hơn cho người sử dụng, giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tập luyện, thi đấu, có thể đem lại thành tích cao hơn… Đó có thể là các sáng chế giúp người sử dụng tập luyện ngay tại nhà mà không phải ra ngoài, hay các giải pháp hữu ích liên quan đến phương tiện bảo vệ, bảo đảm an toàn cho cơ thể, hạn chế chấn thương... và rất nhiều sáng chế khác, nhằm đáp ứng nhu cầu thể dục, thể thao của mọi người.

Đối với các doanh nghiệp, vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra giá trị kinh tế là rất rõ ràng. Việc thương mại hóa các giải pháp được bảo hộ độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích giúp cho họ thu được lợi nhuận cao hơn. Các doanh nghiệp có thể thu lợi từ việc bán các máy móc, dụng cụ được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, các khoản thu từ quảng cáo, chương trình phát sóng các sự kiện thể thao trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, youtube… Ngoài ra, các đội bóng, vận động viên cũng có thể ký các hợp đồng quảng cáo khi mang trên mình nhãn hiệu thể thao của các hãng.

- Thế nhưng, tỷ lệ đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao ở nước ta còn khá khiêm tốn, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Đúng là tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng liên quan đến thể thao còn thấp, nhất là trong lĩnh vực sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ mới phần nào quan tâm đến việc gắn kết giữa nghiên cứu phát triển và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu đó, chứ chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ. Các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thể thao cũng chỉ mới tập trung vào nhãn hiệu là chính.

Hiện tại, có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao, nhưng số sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây mới chỉ có 12 và kiểu dáng công nghiệp là 83 của 14 doanh nghiệp đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Để tỷ lệ đăng ký sở hữu trí tuệ này tăng lên, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang tiến hành nhiều biện pháp. Trước tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động thực thi chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó là tạo ra các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong việc đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng có liên quan đến thể thao.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ có những hỗ trợ gì cho lĩnh vực thể thao trong việc đăng ký sáng chế so với các lĩnh vực khác, thưa ông?

- Trên thực tế, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao những năm qua không nhiều. Mặc dù Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể cho thể thao, song đã có khá nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nói chung cho tất cả các lĩnh vực liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016, trong đó có hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí để đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích hay hỗ trợ kinh phí để áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ của người Việt Nam vào thực tiễn.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tạo ra mạng lưới IPHub, là mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm thông tin sáng chế, đăng ký sáng chế và thương mại hóa các sáng chế đã được bảo hộ trên phạm vi cả nước. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang triển khai xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử theo chuẩn quốc tế có tên gọi là WIPO-IPAS, dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2021. Hệ thống sẽ góp phần nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, để có thể tích hợp dữ liệu sở hữu công nghiệp với các hệ thống dữ liệu quốc tế, thuận lợi cho việc trao đổi thông tin. Song song với đó, Cục cũng đang hoàn thiện hệ thống nộp đơn điện tử cấp độ 4, nâng cấp hệ thống tra cứu phục vụ thẩm định đơn sở hữu công nghiệp để tăng cường năng lực xử lý đơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vươn tới Giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.