Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục: Còn nhiều bất cập

Hương Thủy (thực hiện)| 02/05/2019 14:55

(HNMO) - Thời gian gần đây, số trẻ bị xâm hại tình dục gia tăng. Tuy nhiên, thủ tục giám định pháp y cho những trẻ bị xâm hại tình dục hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Trung tâm Giám định pháp yHà Nội xung quanh vấn đề này.

Số vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng

- Xin bà cho biết tình hình giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua?

-Trung tâm Giám định pháp y Hà Nội được thành lập từ năm 2008 nhưng đến tháng 1-2017, Trung tâm mới tiến hành giám định pháp y tình dục, bởi thời điểm đó, Trung tâm mới có đủ nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện giám định pháp y trong lĩnh vực này.

Những năm qua, số trẻ bị xâm hại tình dục được giám định tại Hà Nội tăng lên. Nếu như năm 2017 là 98 ca thì năm 2018 là 122 ca. Từ đầu năm đến nay, gần 50 trẻ bị xâm hại tình dục đã được đưa đến Trung tâm làm giám định pháp y, trong đó, riêng 5 ngày nghỉ lễ vừa qua có 6 trường hợp bị hiếp dâm và dâm ô được đưa đến.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Hà Nội


Trong số các trường hợp trên, số trẻ dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 80%, trong đó 20% là trẻ dưới 6 tuổi.

Các trường hợp đều bị tổn thương. Tổn thương nặng nhất thường là ở những trẻ trên 6 tuổi bị hiếp dâm.

- Các nạn nhân thường được đưa đến giám định pháp y sớm hay muộn sau khi bị xâm hại, thưa bà?


- Trước đây, những trường hợp bị xâm hại tình dục thường được đưa đến giám định rất muộn, có trường hợp sau khi bị xâm hại vài tháng mới được đưa đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ người dân đã hiểu hơn việc cần cho trẻ đi giám định sớm nên gia đình đã đưa nạn nhân đến trình báo vụ việc với cơ quan điều tra sớm hơn, sau khi sự việc xảy ra 1-2 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp đưa đến sau 7-10 ngày. Muốn giám định pháp y có kết quả chính xác nhất, nạn nhân cần được đưa đến ngay sau khi bị hại.

- Việc đưa trẻ bị xâm hại đi giám định sớm là rất quan trọng để kết tội đối tượng phạm tội nhưng nhiều phụ huynh chưa biết phải đưa trẻ đến đâu để giám định. Bà có thể cho lời khuyên?


- Theo Luật Giám định tư pháp, khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần trình báo ngay với cơ quan điều tra. Sau đó, trong vòng 7 ngày, cơ quan điều tra sẽ quyết định có trưng cầu giám định pháp y về tình dục hay không. Nếu cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định pháp y, cơ quan điều tra sẽ cùng gia đình đưa trẻ đến Trung tâm Giám định pháp y hoặc Viện Giám định pháp y để làm giám định.

Hiện nay, mỗi tỉnh, thành phố đều có Trung tâm Giám định pháp y. Bên cạnh đó còn có Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Nhưng như tôi được biết, Viện Pháp y quân đội không làm giám định pháp y về tình dục ngoài dân sự.

Việc giám định pháp y tình dục chỉ được thực hiện tại những đơn vị trên. Tuy nhiên, khi trẻ bị xâm hại tình dục và được sơ cứu ban đầu tại cơ sở y tế thì cơ sở y tế đó có thể liên hệ với cơ quan điều tra hoặc trung tâm giám định pháp y để nhân viên đến lấy mẫu giám định trước khi xử lý cho nạn nhân nhằm tránh bị mất dấu vết sinh học. Số điện thoại của tôi là 0988 717 709. Khi cần giám định pháp y cho trẻ, cơ sở y tế hoặc cơ quan điều tra có thể liên hệ theo số này.

Cần thay đổi về quy trình giám định


- Như bà thông tin, trong vòng 7 ngày, cơ quan điều tra mới ra quyết định có trưng cầu giám định pháp y tình dục hay không. Theo bà, khoảng thời gian này liệu có quá lâu không?


- Đúng là quá lâu và đây là một trong những bất cập của quy trình thực hiện giám định pháp y về tình dục. Bởi 7 ngày là quá dài, trong khi với những trường hợp bị xâm hại tình dục, việc giám định càng sớm càng tốt nhằm tránh mất dấu vết.

Một bất cập nữa là cơ quan điều tra chỉ đơn thuần đưa nạn nhân đi giám định mà không đưa đối tượng phạm tội đi giám định, trong khi ở mỗi vụ xâm hại tình dục, 80-90% khả năng đối tượng phạm tội là người thân hoặc quen biết nạn nhân. Việc lấy mẫu đối với đối tượng cũng vô cùng quan trọng, bởi trong quá trình giám định, nếu không thu được dấu vết sinh học có ý nghĩa trên cơ thể nạn nhân thì cũng có thể thu được dấu vết sinh học của nạn nhân trên cơ thể của đối tượng. Luật cho phép cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định pháp y đối với cả đối tượng tình nghi phạm tội.

Ngoài ra, việc giám định còn gặp khó khăn nữa là tỷ lệ số vụ mà cơ quan điều tra trưng cầu giám định ADN với nạn nhân trong các vụ dâm ô rất ít, chủ yếu áp dụng đối với nạn nhân bị hiếp hâm, trong khi đó, kết quả ADN có ý nghĩa quan trọng trong việc kết tội đối tượng. Nếu không đưa ra được bằng chứng khách quan thì không thể kết tội đối tượng được. Có thể thời điểm đó, đối tượng nhận tội, nhưng khi ra tòa, việc đối tượng phản cung là điều không hiếm.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet


- Vậy, để việc giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục được thực hiện thuận tiện hơn, bà có đề xuất gì?

- Theo tôi, các cơ quan liên quan cần đưa ra quy trình chuẩn để thực hiện giám định pháp y. Cơ quan điều tra cần hiểu được tầm quan trọng của việc đưa nạn nhân đi giám định sớm. Khi tiếp nhận tố giác của gia đình nạn nhân, cần đưa nạn nhân đi giám định ngay; việc xử lý hiện trường, lấy lời khai... có thể làm song song hoặc thực hiện sau. Khi xác định được đối tượng tình nghi, phải đưa cả đối tượng đi giám định pháp y.

Cùng với đó, 100% vụ xâm hại tình dục cần có trưng cầu giám định ADN. Cơ quan điều tra không nên chỉ trưng cầu giám định ADN với trường hợp bị hiếp dâm.

Ngoài ra, cũng cần thay đổi quy định, cho phép gia đình có thể trực tiếp đưa con đi giám định pháp y tại trung tâm giám định pháp y, sau đó, trung tâm sẽ liên hệ với cơ quan điều tra để làm các thủ tục cần thiết sau, thay vì để gia đình nạn nhân trình báo cơ quan điều tra rồi chờ cơ quan điều tra ra quyết định, nạn nhân mới được đưa đi giám định như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần bổ sung bác sĩ nữ cho trung tâm giám định pháp y. Các nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là nữ. Nếu bác sĩ nam giám định, các cháu sẽ sợ hãi hơn. Hiện trung tâm giám định pháp y ở nhiều tỉnh chưa có hệ thống xét nghiệm ADN, các tỉnh phải đưa mẫu lên trung ương để xét nghiệm. Quá trình vận chuyển mẫu nếu không tốt sẽ không cho kết quả chuẩn xác. Vì vậy, việc tăng cường trang thiết bị cho trung tâm giám định pháp y là cần thiết.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục: Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.