Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thủy sinh ngoại lai gây hại: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Bạch Thanh| 25/05/2019 07:42

(HNM) - Những năm qua, một số loài thủy sinh ngoại lai gây hại xâm nhập vào Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, mất cân bằng sinh thái như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ... và mới đây là tôm hùm đất (tôm càng đỏ).

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp thì tôm hùm đất thuộc nhóm 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Thanh Lâm


- Ông có thể cho biết về mức độ nguy hại của các loài thủy sinh ngoại lai?

- Không chỉ riêng tôm hùm đất mà một số loài sinh vật ngoại lai gây hại khác như: Ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, rùa tai đỏ, hải ly Nam Mỹ… đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh sách cấm sản xuất kinh doanh tại Việt Nam vì vô cùng nguy hiểm. Khi bị phát tán ra môi trường, chúng sẽ đe dọa phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và có thể coi đó là một đại họa.

Trước đây, nhận thấy tính “trội” của con ốc bươu vàng trong vấn đề sinh sản nên nhiều người đã nhập về Việt Nam để nuôi. Thế nhưng, khi loài ốc này “lọt” ra tự nhiên thì nhiều người mới phát hoảng về tác hại của nó. Sự sinh trưởng quá nhanh của chúng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của cả nước, bởi ốc bươu vàng hoành hành ở khắp các cánh đồng trồng lúa trên mọi miền. Hơn 30 năm qua, đã có rất nhiều hội thảo khoa học, nghiên cứu tìm giải pháp tiêu diệt ốc bươu vàng, nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả. Thậm chí, loài này còn phá hoại mùa màng với diễn biến phức tạp hơn trong nhiều năm trở lại đây. Vì rất khó kiểm soát sự phát triển của ốc bươu vàng nên những năm qua, các địa phương chỉ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả, chứ chưa ai khẳng định sẽ tuyệt diệt được sinh vật này. Ngoài ốc bươu vàng, còn có các loài thủy sinh ngoại lai nguy hiểm khác đã gây hại diện rộng cho môi trường nước ta như rùa tai đỏ, cá dọn bể...

Còn với tôm hùm đất, chúng thuộc nhóm 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới. Đây là thủy sinh ngoại lai có thể gây hại nghiêm trọng hơn cả ốc bươu vàng nếu chúng tràn ra, sinh sôi nảy nở trong môi trường. Nếu không kiểm soát tốt, rất có thể thiên nhiên và ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ phải gánh thêm một "đại họa" thủy sinh ngoại lai mang tên tôm hùm đất. Bởi khi vào môi trường tự nhiên, chúng sẽ cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả loại búp cây non, ăn cả các loài tôm, cá nhỏ. Nguy hại nhất, loài tôm này còn là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là vi rút gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm.

- Thưa ông, đâu là lỗ hổng dẫn tới tình trạng thủy sinh ngoại lai gây hại vẫn tràn vào Việt Nam dù cơ quan chức năng cảnh báo và đưa vào danh sách cấm nuôi, kinh doanh, sử dụng...?

- Hiện nay, công tác quản lý kiểm soát của cơ quan chức năng chưa tốt, còn lúng túng, lỏng lẻo, trong khi tác hại của các loài thủy sinh ngoại lai đã được khoa học chứng minh, có thể đe dọa sự tồn tại của các loài bản địa, làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa sự bền vững của môi trường và đẩy các loài khác đến sự diệt vong. Một khó khăn nữa chính là việc truy bắt các đối tượng buôn bán, vận chuyển các loài thủy sinh ngoại lai nguy hại. Thời gian qua, cơ quan chức năng chủ yếu mới bắt giữ người vận chuyển thuê, nhưng lại gặp khó khăn trong xác định chủ thực sự buôn bán các loài thủy sinh ngoại lai, nên việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính và tiêu hủy tang vật, mà chưa thể xử lý hình sự. Ngoài ra, việc buôn bán dưới hình thức "chợ mạng" trên internet, khiến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và phối hợp giữa các lực lượng chức năng gặp khó khăn so với các phương thức kinh doanh truyền thống khác...

- Vậy theo ông, để ngăn chặn các loài thủy sinh ngoại lai gây hại, cần có biện pháp gì?

- Theo tôi, giải pháp cần thiết lúc này là tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe. Chiều 18-5 vừa qua, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phát hiện vụ vận chuyển, nhập lậu trái phép 75kg tôm hùm đất được cất giấu trong các thùng đồ chơi, nhưng đối tượng bị bắt chỉ bị phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng - đó là con số quá ít ỏi. Do đó, khi phát hiện các trường hợp buôn lậu thủy sinh ngoại lai gây hại, cần xử lý nghiêm theo quy định, trong đó Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định: “Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của các loài này với môi trường; tuyên truyền để các nhà hàng, quán ăn không sử dụng tôm hùm đất cũng như các loài thủy sinh ngoại lai gây hại khác nằm trong danh sách cấm đã được quy định. Để ngăn chặn được mối nguy hại của các loài thủy sinh ngoại lai gây hại, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành liên quan. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi nhập lậu qua biên giới; kiểm soát tại các chợ để sớm phát hiện, xử lý theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm soát, cô lập và diệt trừ thủy sinh ngoại lai gây hại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thủy sinh ngoại lai gây hại: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.