Theo dõi Báo Hànộimới trên

E-Cabinet - bước tiến mới trong thực hiện chính phủ điện tử

Hà Phong| 07/07/2019 06:54

(HNM) - Chính phủ đang quyết tâm xây dựng bộ máy hoạt động phi giấy tờ, giảm họp hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) mới khai trương cuối tháng 6 vừa qua là bước tiến mới trong thực hiện chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Hướng tới chính phủ không giấy tờ

- Hệ thống e-Cabinet chỉ có hơn 3 tháng để xây dựng, hoàn thiện. Làm sao để trong một thời gian ngắn như vậy có thể chuẩn bị cho bước cải cách rất quan trọng này, thưa Bộ trưởng?

- Đó là những nỗ lực rất lớn. Công tác chuẩn bị, khảo sát, học tập kinh nghiệm đã được thực hiện từ trước, sau đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đặt ra các yêu cầu của hệ thống và giao cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển hệ thống, đồng thời phối hợp chặt chẽ để giám sát, góp ý trong quá trình triển khai…

Sau 3 tháng làm việc khẩn trương, Văn phòng Chính phủ, Viettel, Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị liên quan, cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước đã hoàn thành hệ thống e-Cabinet với các chức năng đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Quy trình tạo, trình và phê duyệt phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ; quy trình chuẩn bị cuộc họp của Chính phủ; quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ và quy trình ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ.

Ý nghĩa của hệ thống e-Cabinet là tạo lập thông tin, kết nối, trao đổi với nhau. Trước khi vào phiên họp, các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến trước về các nội dung họp, khi vào phiên họp sẽ tập trung thảo luận các ý kiến còn khác nhau, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, minh bạch mọi thông tin trao đổi. Trong cuộc họp, các thành viên Chính phủ có thể xem và tra cứu tài liệu, cho ý kiến về các nội dung họp, đăng ký phát biểu và thực hiện biểu quyết có chữ ký số. Sau khi kết thúc phiên họp, Văn phòng Chính phủ dự thảo nghị quyết và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ ngay trên hệ thống thông qua các thiết bị di động, rút ngắn thời gian ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ.

Hệ thống e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ, điển hình là tự động cảnh báo, nhắc thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến… giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

- Trước đây, việc in, chụp, gửi nhận văn bản giấy rườm rà, gây tốn kém thời gian, kinh phí. Vậy cuộc họp sử dụng hệ thống e-Cabinet đã khắc phục được hết những điều này?

- Có chứ, thông qua hệ thống e-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm hơn rất nhiều nhưng vẫn hiệu quả. Tôi lấy ví dụ phiên họp Chính phủ đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng để cho ý kiến về dự thảo nghị quyết xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử, diễn ra ngay sau khi khai trương hệ thống e-Cabinet (ngày 24-6-2019) chỉ gói gọn trong 10 phút. Sau khi nhận được thông báo lịch họp từ hệ thống, các thành viên Chính phủ có thể xác nhận tham gia hoặc cử người tham gia thay. Toàn bộ hồ sơ đã được gửi đến các thành viên Chính phủ qua e-Cabinet.

Kết quả biểu quyết có 25 thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo nghị quyết, trong đó có 4 thành viên biểu quyết từ xa. Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng ký ban hành nghị quyết này. Chỉ hơn 1 phút sau, thủ tục hoàn thành, Thủ tướng dùng thiết bị di động ký phát hành nghị quyết trên nền điện tử ngay lập tức.

- Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đặt mục tiêu thời gian tới sẽ sử dụng hệ thống e-Cabinet thế nào để hoàn thiện bộ máy phi giấy tờ, ít họp hành?

- Với vai trò nêu gương, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hướng tới mục tiêu ứng dụng hệ thống e-Cabinet nhằm giảm thời gian các phiên họp Chính phủ với lộ trình rất gần. Cụ thể, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước; phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ nội dung bí mật Nhà nước. Khi đó, tại các buổi họp, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ chỉ bàn những vấn đề chưa thống nhất, hoặc dành thời gian để biểu quyết.

- Là cơ quan giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai hệ thống e-Cabinet tại Văn phòng Chính phủ ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Tôi yêu cầu Văn phòng Chính phủ càng phải sử dụng chuyên nghiệp hệ thống này. Làm tốt ở Văn phòng Chính phủ và các trợ lý, thư ký sẽ tạo ra sự lan tỏa, trợ giúp các thành viên Chính phủ trong xử lý văn bản. Vì vậy, bên cạnh rất nhiều buổi tập huấn, thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Văn phòng Chính phủ cũng liên tục tập huấn cho tất cả cán bộ, công chức để bảo đảm cán bộ ở đây phải thành thạo nhất khi sử dụng hệ thống e-Cabinet.

Chú trọng bảo mật, nhân rộng ra các bộ và địa phương

- Văn phòng Chính phủ không dùng tiền ngân sách để xây dựng chính phủ điện tử nhưng mọi việc vẫn trôi chảy và còn có được hạ tầng công nghệ tốt, bảo mật, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Được giao một số nhiệm vụ trong xây dựng chính phủ điện tử nhưng Văn phòng Chính phủ không làm chủ đầu tư, không lập dự án để xin tiền ngân sách mà thuê lại dịch vụ từ doanh nghiệp. Cách tiếp cận này là mới mẻ và Văn phòng Chính phủ cũng tham mưu cho Thủ tướng quyết liệt thực hiện cách làm này. Chúng ta đưa ra các đầu bài, yêu cầu, nhiệm vụ rồi lựa chọn những doanh nghiệp lớn có khả năng về công nghệ thông tin, hạ tầng, đội ngũ kỹ thuật cao, tiếp cận được nền tảng chính phủ điện tử của các nước tiên tiến và ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê trọn gói.

Trọn gói ở đây là doanh nghiệp phải xây dựng được thủ tục đầu tư theo quy định, bảo đảm thiết kế kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề bảo mật an toàn thông tin hệ thống dữ liệu. Điển hình là sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; bảo đảm an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; có hệ thống giám sát 24/24 giờ để phát hiện các hành vi bất thường, tấn công từ xa để cô lập các ảnh hưởng đến hệ thống. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.

- Chúng ta đã có trục liên thông gửi - nhận văn bản quốc gia, nay có hệ thống e-Cabinet và sắp tới có cả Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ trưởng có thể phác họa hoạt động của chính phủ điện tử sau khi áp dụng tất cả các dịch vụ này?

- Thủ tướng đã giao nhiệm vụ trong tháng 11-2019 sẽ quyết tâm khai trương hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên cơ sở trục gửi, nhận văn bản điện tử đã được khai trương tháng 3-2019, tới đây sẽ tích hợp nền tảng để kết nối chia sẻ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Dịch vụ công sẽ chạy trên nền tảng như vậy. Khi có Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ công bố toàn bộ thủ tục hành chính và tạo sự kết nối liên thông từ Trung ương đến địa phương.

Trước hết, chú trọng dịch vụ công mang tính phục vụ mà người dân, doanh nghiệp cần nhất, mà như Thủ tướng lưu ý là việc cấp đổi giấy phép lái xe. Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an có trách nhiệm kết nối dữ liệu, ai vi phạm ở đâu, đi xe biển số nào, bị tạm giữ hay tước giấy phép lái xe đều được lưu trên nền tảng điện tử. Gặp trường hợp bất khả kháng như hỏa hoạn, mất cắp, chỉ cần truy xuất hồ sơ là có thể nhanh chóng cấp lại.

Tới đây, Thủ tướng cũng sẽ tiếp tục giao Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiến hành đấu giá biển số xe qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Dần dần, chúng ta sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiến tới thực hiện nhiều dịch vụ qua cổng dịch vụ công này hơn nữa, như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Chúng ta làm đến nơi đến chốn, cách nhìn bao quát nhưng hành động bắt đầu từ cái nhỏ nhất, đem lại chất lượng, hiệu quả nhất để người dân, doanh nghiệp được hưởng.

- Như vậy, có thể hiểu mô hình phi giấy tờ tới đây sẽ được nhân rộng. Dường như nhiều người vẫn còn lo lắng, đặc biệt thói quen sử dụng văn bản cố hữu của nhiều bộ, ngành?

- Khách quan mà nói, thời gian qua, hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Chúng ta cũng làm được nhiều việc như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… qua internet. Một số bộ, ngành, địa phương đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ thông tin của chúng ta còn có mức độ. Nhiều người ngại thay đổi, điều này có thể ​liên quan cả đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận việc đó. Bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nếu chúng ta không hội nhập, không cải cách, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin, mà trước hết là xây dựng chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển, thậm chí tụt hậu”.

Theo kế hoạch, sau một thời gian hoạt động, hệ thống e-Cabinet sẽ được đánh giá toàn diện về hiệu quả, sau đó Văn phòng Chính phủ sẽ xin chủ trương của Thủ tướng để triển khai tại các bộ, ngành, địa phương. Quá trình triển khai, cần đề cao vai trò của người đứng đầu, vì trong mọi vấn đề, nếu có sự tích cực, quyết liệt từ người đứng đầu thì triển khai rất hiệu quả. Việc xây dựng chính phủ điện tử là triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, nếu ở đâu có một mắt xích không tròn trịa thì sẽ ách tắc toàn bộ cả quá trình.

Về phía người dân, doanh nghiệp cũng cần thay đổi thói quen mang hồ sơ giấy tờ đến trực tiếp. Vì nếu chỉ có thay đổi từ phía cán bộ thì cũng chưa thể có hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-Cabinet - bước tiến mới trong thực hiện chính phủ điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.