Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bịt “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, tăng kiểm soát quyền lực

Quốc Bình| 04/08/2019 06:45

(HNM) - Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đề ra nhiệm vụ quan trọng là phải “ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ”. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh việc ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang.

Không dễ nhận diện, phát hiện

- Từ kết quả nghiên cứu của mình, xin đồng chí cho biết những vấn đề cơ bản để nhận diện tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay?

- Tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có đặc thù. Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”...

Tham nhũng trong công tác cán bộ, cái lợi người ta nhận được suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất. Rất khó để bắt quả tang và kết tội như tham nhũng kinh tế. Dù vậy, về bản chất, những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ không dễ nhận diện. Một số dạng tham nhũng trong công tác cán bộ là: Chạy chức, chạy quyền; lạm quyền; lạm dụng quyền hạn, chức vụ; cố ý làm trái...

- “Chạy” có lẽ là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ. Đồng chí có thể cho biết những hình thức “chạy” phổ biến hiện nay là gì?

- Đúng vậy, “chạy” là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ. “Chạy” gắn liền với nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong công tác cán bộ, dẫn đến tình trạng “mua quan, bán chức”. Trong các khâu của công tác cán bộ đều có hiện tượng “chạy”, như: Chạy quy hoạch, chạy đi học, chạy luân chuyển; chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, chạy bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; chạy nhận xét, đánh giá; chạy nâng ngạch, nâng lương; chạy bằng cấp; chạy huân chương...

“Chạy” dường như đã thành luật ngầm ai cũng biết nhưng ngại nói ra. Đối tượng trực tiếp của các hành vi tham nhũng này bao gồm “người được chạy”, “người chạy” và các “đối tác” liên quan. “Người được chạy” là thủ trưởng trực tiếp có thẩm quyền quyết định các khâu của công tác cán bộ; là tập thể cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo có thẩm quyền quyết định công tác cán bộ; là cá nhân hoặc cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là người ở các vị trí then chốt nắm thông tin về nhân sự. “Người chạy” cũng vì mục đích vụ lợi cho bản thân, có thể là hành vi cá nhân hoặc hành vi tập thể kiểu “chạy theo dây”.

- Tác hại của chạy chức, chạy quyền với những biểu hiện đa chiều như trên hiện ở mức nào, thưa đồng chí?

- Tác hại của tham nhũng trong công tác cán bộ nói chung và nạn “chạy” chức, “chạy” quyền vô cùng lớn, làm băng hoại toàn bộ hệ thống, làm hỏng đội ngũ cán bộ. Nạn “chạy” góp phần làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, thăng tiến bằng “chạy” và cũng làm xuất hiện một bộ phận cán bộ không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần.

Muốn được bố trí, bổ nhiệm vào chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí, bổ nhiệm thì phải “chạy”. Nhưng tệ hại là cái “lệ” này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, rất nghiêm túc cũng phải “chạy” mới yên tâm.

Từ những cán bộ “chạy” để có quyền lực, còn dẫn đến hệ lụy tệ hại là làm vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định đúng đắn trong công tác cán bộ của Đảng; gây nhức nhối dư luận; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm mất niềm tin của nhân dân và của chính đội ngũ cán bộ, gây hậu họa khôn lường cả trước mắt và lâu dài.

Bịt kín các “lỗ hổng”

- Chúng ta đã làm rõ được biểu hiện, xác định được đối tượng, vậy có những giải pháp nào để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ?

- Để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ cần giải pháp tổng thể. Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới, bịt kín những “lỗ hổng” trong các quy định về công tác cán bộ; kế đến là giải pháp về kiểm soát quyền lực.

- Giải pháp kiểm soát quyền lực đã được đề cập rất nhiều thời gian gần đây, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa triển khai một cách cụ thể. Vậy kiểm soát quyền lực nên thực hiện theo hướng nào?

- Theo tôi, phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều. Đó là kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội.

Đó còn là kiểm soát của tổ chức kết hợp với thúc đẩy tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội.

Một giải pháp rất cần thiết nữa để kiểm soát quyền lực là phải đổi mới cơ quan kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng. Vấn đề ở đây là thiết lập cơ quan kiểm tra, thanh tra đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, độc lập tương đối với cấp ủy, cơ quan hành chính.

Ủy ban Kiểm tra của Đảng cần do đại hội Đảng bầu ra; cơ quan thanh tra cần chuyển thành Thanh tra Nhà nước trực thuộc Quốc hội, Hội đồng nhân dân để có tính độc lập và phát huy được vai trò kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan hành chính.

- Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả, những nỗ lực của Trung ương và các địa phương thời gian qua nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng trong công tác cán bộ?

- Tôi cho rằng, Trung ương và nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ bước đầu có hiệu quả tích cực. Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó ngoài các giải pháp tuyên truyền, giáo dục; những giải pháp quan trọng, mấu chốt như kiểm tra, giám sát, hoàn thiện thể chế, bịt kín những “lỗ hổng” về quy định, quy trình công tác cán bộ đã được đẩy mạnh thực hiện. Nổi bật là quy định chặt chẽ về công tác quy hoạch cán bộ với 4 bước và mỗi năm chỉ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch 1 lần.

Trước kia, cán bộ nếu quy hoạch lần đầu không được thì có thể được đưa vào quy hoạch bằng cách xem xét, bổ sung. Khi đó chỉ có mấy người trong thường trực cấp ủy với nhau, nay thì không còn chuyện đó. Hai là việc triển khai thực hiện quy trình 5 bước trong bổ nhiệm cán bộ đã giúp bảo đảm chặt chẽ, công khai, phát huy dân chủ, ngăn chặn hiệu quả việc bổ nhiệm sai, để lọt những cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.

Dưới sự chỉ đạo và quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trung ương đã thực hiện hiệu quả giải pháp kiểm tra, giám sát. Kết quả xử lý trên 60 cán bộ cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp thời gian qua đã có sức mạnh răn đe, giáo dục rất lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Ở các địa phương, như thành phố Hà Nội, tôi từng quan sát và nghiên cứu, trao đổi về cách thực hiện công tác cán bộ nhất là khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính và gần đây là thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tổ chức...

Cách làm hay của Hà Nội là quy định rất rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn và công bố công khai, xét từng trường hợp bảo đảm công bằng, dân chủ. Chính vì thế Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ khổng lồ khi hợp nhất mà không xảy ra đơn thư khiếu kiện. Phải làm nghiêm túc, có tâm và công bằng mới được như vậy.

Thành phố Hà Nội cũng sắp xếp cán bộ dôi dư, tinh giản biên chế, giảm hàng trăm vị trí trưởng, phó đơn vị nhưng cũng không xảy ra điều tiếng gì. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao Hà Nội trong công tác luân chuyển cán bộ, với cách làm bài bản, nghiêm túc, đưa hàng trăm cán bộ xuống cơ sở để rèn luyện. Trong môi trường đó, ai có tố chất đều bộc lộ và được ghi nhận, cất nhắc, ai không thể hiện được thì cũng không nói được gì.

- Vậy nhân tố quyết định thành công trong phòng, chống tham nhũng đối với công tác cán bộ là gì, thưa đồng chí?

- Theo tôi, nhân tố có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh chống tham nhũng là quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu thể hiện ở sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhất là điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng trong công tác cán bộ.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bịt “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, tăng kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.