Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai

Kim Nhuệ| 18/08/2019 06:52

(HNM) - Biến đổi khí hậu và những tác động của con người khiến thiên tai ngày càng cực đoan, gây tổn thất lớn về người và tài sản... Hệ lụy tiêu cực từ thiên tai sẽ ngày càng lớn nếu không thay đổi tư duy, cách ứng phó... Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai về những nội dung trên.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài.

Thời tiết ngày càng cực đoan

- Từ đầu năm đến nay trên phạm vi cả nước liên tiếp xảy ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Như vậy, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, cảnh báo mà đã hiện hữu. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Đúng vậy! Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ, tần suất thiên tai có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan, trái quy luật… Mặt khác, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều dòng sông lớn suy giảm nguồn nước, đi kèm những đợt nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng hạn hán trầm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn gây ra nhiều trận mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn khiến nhiều địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Kiên Giang… bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Ngoài ra, nếu nước biển dâng lên 1m, chưa kể lún sụt đất, sẽ có 39% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích thuộc các tỉnh miền Trung và 20% diện tích của thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập…

Cụ thể hơn, từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết dị thường: Nhiều đợt nắng nóng kéo dài gây ra cháy rừng, hạn hán; tình trạng xâm nhập mặn, xói lở bờ biển trầm trọng... Đặc biệt, những ngày đầu tháng 8 vừa qua, tại một số nơi của tỉnh Thanh Hóa, Kiên Giang xuất hiện nhiều trận mưa to, thiết lập các mốc kỷ lục, gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng… Thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu đang là yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của quốc gia.

- Mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra như thế nào, thưa ông?

- Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm hơn 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội... Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm hơn 60 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ do biến đổi khí hậu

- Theo ông, phải chăng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những thiệt hại nêu trên?

- Tôi cho rằng ngoài biến đổi khí hậu, những thiệt hại nêu trên còn do nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể, nhiều tuyến đê sông, đê biển và công trình dưới đê chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ, bão theo tiêu chuẩn thiết kế, nhất là đê, kè biển khu vực phía Nam. Nhiều hồ chứa bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý… Bên cạnh đó, nhiều địa phương có số đông dân cư còn giữ tập quán sinh sống tập trung dọc hai bên sông, suối, khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, tạo ra các nguy cơ cao rủi ro đến tính mạng và tài sản. Ngoài ra, tại nhiều địa phương hiện nay còn xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, thiếu kiểm soát… dẫn đến gia tăng rủi ro thiên tai…

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội thiếu lồng ghép với chương trình ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây tổn thất về người và tài sản. Ví dụ như tình hình ngập lụt nghiêm trọng tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong dịp đầu tháng 8 vừa qua... Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Tôi cho rằng ý kiến này là có cơ sở. Bởi thực tế, ngoài diễn biến bất thường của thời tiết thì công tác quản lý xây dựng, đô thị của huyện đảo Phú Quốc cũng bộc lộ yếu kém, dẫn đến tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình lấn suối, tôn nền gây cản trở dòng chảy. Trong khi đó, hệ thống thoát nước hiện hữu đã bị vô hiệu hóa trước sự phát triển của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... Nói gọn lại, sự kiện ngập lụt ở huyện đảo Phú Quốc trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua là lời cảnh báo, cảnh tỉnh về sự phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường…

- Không riêng Phú Quốc, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết tính phức tạp, khẩn cấp, tầm quan trọng và thực tế đã có những biểu hiện lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai khi phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng…?

- Đáng tiếc là tình trạng này đang diễn ra tại nhiều địa phương. Thực tế đó đã làm gia tăng nguy cơ, thậm chí xuất hiện những loại hình thiên tai mới. Điển hình như việc thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, xây dựng hồ chứa, khai thác cát dẫn đến suy giảm khả năng trữ nước, mất cân bằng bùn cát, hạ thấp đáy sông làm gia tăng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, nhiều địa phương phát triển các khu công nghiệp, đô thị tập trung trên những vùng đất thấp, trũng không bảo đảm khả năng tiêu thoát nước; hoặc tình trạng khai thác nước ngầm quá mức gây lún đất...

- Ông đánh giá như thế nào về hệ thống phòng, chống thiên tai hiện nay của Việt Nam, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập…?

- Được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhân dân tích cực đóng góp sức lực, đến nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồ sộ ở khắp các vùng miền của Tổ quốc. Tuy nhiên, trước tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hệ thống cơ sở hạ tầng này còn mong manh trước những trận siêu bão, mưa, lũ lớn…

Chuyển từ bị động sang chủ động

- Trước sức mạnh của thiên nhiên, sự chủ động ứng phó, phòng tránh của cộng đồng là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, thưa ông?

- Năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã quyết định chọn Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, điều này mang ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng ta phải làm sao nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai từ cộng đồng. Để làm được điều này, phải có thông tin để hỗ trợ cộng đồng và có các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục. Ngoài việc thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng về khả năng ứng phó thiên tai thì một việc rất quan trọng là phải xây dựng cho được đội xung kích ứng phó, khắc phục thiên tai tại cộng đồng. Năm nay, chúng ta sẽ tập trung vào nhiệm vụ này. Mặt khác, cần tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai là trẻ em, phải nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai cho đối tượng này…

- Được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và làm tốt công tác tuyên truyền kỹ năng ứng phó, những năm gần đây, thiệt hại trên biển đã giảm rất nhiều trước những cơn bão mạnh. Tuy nhiên, thiệt hại trên đất liền vẫn rất lớn, do vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ tập trung vào loại hình thiên tai nào, thưa ông?

- Căn cứ nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn và thực tế năng lực ứng phó, năm nay, chúng ta phải tập trung cao độ vào phòng, chống lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Đây là loại hình thiên tai đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trong những năm gần đây. Mặt khác, chúng ta cũng phải phòng, chống, ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Bởi trung bình mỗi năm, sạt lở bờ sông, bờ biển đã lấy đi khoảng 300ha đất. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể chủ quan với các loại hình thiên tai khác…

- Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội cần triển khai giải pháp gì để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra theo hướng chủ động, bền vững, thưa ông?

- Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó, mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra tại Hà Nội đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, theo tôi, ngoài giải pháp công trình, thành phố Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn giải pháp phi công trình.

Cụ thể, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân về thiên tai, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, như: Đê điều, bờ, bãi sông, công trình thủy lợi… Bên cạnh đó, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến đào tạo cho người dân kỹ năng ứng phó một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Nói cách khác, Hà Nội cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ: Giảm nhẹ thiên tai phải bắt đầu từ cộng đồng, với phương châm phòng là chính và chủ động ứng phó, trong đó nguồn lực chủ yếu là của nhân dân…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.