Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Khơi dậy tiềm năng, tự tin hướng tới tương lai”

Ngân Vũ| 22/08/2019 10:26

(HNMCT) - Với chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, thành phố Hà Nội đã xây dựng và trình UNESCO xem xét Hồ sơ ứng cử vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Hànộimới Cuối tuần đã phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong về mục đích, ý nghĩa của phần việc này cũng như những gì Hà Nội cần phải thực hiện trong thời gian tới nhằm phát huy tiềm năng văn hóa, khả năng sáng tạo để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, tự tin hướng tới tương lai.

- Thưa ông, thành phố Hà Nội đã trình hồ sơ ứng cử vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”. Hiện nay, đối với nhiều người, khái niệm “Thành phố sáng tạo” còn là điều mới mẻ. Vậy thì có thể hiểu như thế nào về khái niệm này và danh hiệu Thành phố sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với Thủ đô Hà Nội của chúng ta?

- “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO” (gọi tắt là Mạng lưới) được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố cùng đưa sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững.

Thành phố sáng tạo mang đặc điểm chung là có đầy đủ điều kiện phát huy các yếu tố về cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị, các ngành công nghiệp văn hóa, là nơi thể hiện sức hấp dẫn về văn hóa thông qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa mang tính định kỳ... Thành phố sáng tạo, nhìn chung, là nơi có cơ chế thích hợp để thúc đẩy mọi nguồn lực sáng tạo, đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho cư dân.

Hà Nội không chỉ có bề dày ngàn năm văn hiến mà còn được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; đặc biệt, năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” - thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này.

Với tiềm năng, lợi thế ấy, khi gia nhập Mạng lưới, Hà Nội có thêm điều kiện định vị thương hiệu mới, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô, phát huy sức mạnh văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu, hợp tác và chia sẻ hiểu biết về những nhóm văn hóa khác nhau trên thế giới, là thời cơ để khơi dậy tiềm năng, nội lực sáng tạo cũng như đẩy mạnh thu hút ngoại lực sáng tạo, tạo nên thế và lực mới để sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước, Thủ đô thực sự cất cánh lên tầm cao mới, hòa chung với nhịp đập của thời đại.

- Xây dựng Hồ sơ ứng cử vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO” một cách thuyết phục chắc chắn không phải việc dễ dàng. Các bên liên quan đã thực hiện phần việc này như thế nào?

- Hồ sơ do UBND thành phố Hà Nội thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam biên soạn, có sự tư vấn và hỗ trợ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà ngoại giao, nhà thiết kế sáng tạo trong nước và quốc tế cũng như cơ quan, tổ chức khác.

Thành thực mà nói, có rất nhiều việc đã được thực hiện trong thời gian qua. Giữa tháng 11-2018, sau buổi làm việc với đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có báo cáo gửi lãnh đạo thành phố, trong đó có nêu nhận định rằng:

“Hà Nội xây dựng Thành phố sáng tạo không chỉ là cơ hội mà chính là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn quá trình hội nhập và phát triển hiện nay”. Sau đó, theo định hướng của Thành ủy, kế hoạch của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ trì, thực hiện các nội dung công việc nhằm phục vụ việc xây dựng hồ sơ.

Nói thì ngắn gọn nhưng trong thực tế số đầu việc được triển khai rất nhiều, bao gồm thu thập tài liệu, tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, tổ chức hội thảo quốc tế phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ; xây dựng website riêng cho hồ sơ Hà Nội - Thành phố sáng tạo...

Tư liệu trong hồ sơ được xây dựng còn dựa trên kết quả nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia đưa ra tại hơn hai mươi hội thảo quy mô lớn về các nhóm chủ đề như: Sức mạnh mềm văn hóa, Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0, Phát triển công nghiệp văn hóa...

Sau khi có ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài, tổ công tác đã chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ trước khi UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt, trình UNESCO đúng hạn đề ra là trước ngày 30-6-2019.

- Ông đánh giá như thế nào về hồ sơ đã gửi đi?

- Theo tôi, hồ sơ đã được xây dựng với các thông tin, minh chứng đầy đủ, toàn diện và nổi bật về tầm nhìn, thông điệp, chính sách cũng như dự án cam kết sẽ thực hiện trong thời gian tới của Hà Nội khi được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Cần biết rằng việc thiết kế hồ sơ có sự tham gia của các bên liên quan trong các lĩnh vực sáng tạo từ nhà nước đến khối tư nhân, viện nghiên cứu và xã hội nghề nghiệp, các nhà sáng tạo, chuyên gia và các nhà thực hành - đúng như yêu cầu về quy trình chuẩn bị hồ sơ ứng cử của UNESCO.

- Hồ sơ đó có gì đáng lưu ý, thưa ông?

- Hiểu một cách đơn giản là chúng ta làm rõ 15 nhóm vấn đề mà UNESCO nêu ra đối với một thành phố đăng ký ứng cử thành viên Mạng lưới, từ tên thành phố, cán bộ điều phối chính đến các vấn đề như thành phần tham gia, chiến lược và chính sách phát triển toàn cầu, khả năng đóng góp để thực hiện mục tiêu của Mạng lưới...

Chẳng hạn, ở mục “Lĩnh vực sáng tạo”, UNESCO đưa ra 7 lĩnh vực như: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học... và ta chỉ được chọn một. Chúng ta đã chọn lĩnh vực “thiết kế sáng tạo” trên cơ sở căn cứ vào thực tế, tiềm năng và xu thế phát triển chứ không phải chọn một cách đại khái.

Bằng cách đó, Hà Nội đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào vị trí trung tâm của sự phát triển bền vững, với tầm nhìn rộng để trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

- Chúng ta đã chọn thiết kế sáng tạo là khâu đột phá, ở vị trí trung tâm. Tại sao lại là lĩnh vực đó chứ không phải là một lĩnh vực nào khác mà Hà Nội cũng có tiềm năng, sáng tạo như lĩnh vực thiết kế?

- Đây là câu hỏi rất thực tế và cũng là vấn đề có rất nhiều ý kiến quan tâm, đã được thành phố cân nhắc rất kỹ khi đưa ra quyết định lựa chọn lĩnh vực “thiết kế sáng tạo”. Như đã nói, việc xây dựng Thành phố sáng tạo là đòi hỏi thực tiễn, do đó, với mọi phần việc liên quan, chúng ta phải căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển, chỉ đơn cử việc theo xu thế chung của thế giới hiện nay, phần lớn thành phố của các nước đều lựa chọn xây dựng Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế làm trọng tâm để phát triển bền vững đất nước như Seoul (Hàn Quốc), Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán (Trung Quốc), Dubai (Tiểu vương quốc Ả rập), Berlin (LB Đức), Bandung (Indonesia)... với cách tiếp cận “thiết kế sáng tạo” có tính bao trùm các lĩnh vực khác như: Thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, phim, âm nhạc, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống và văn học...

Hà Nội đã chọn “thiết kế sáng tạo” là lĩnh vực có tính đột phá, nhưng cần hiểu rằng “thiết kế sáng tạo” không chỉ liên quan tới mẫu trang phục mới hay một chương trình nghệ thuật cụ thể mà có nội hàm rộng lớn.

Trong văn bản ứng cử gửi UNESCO, tôi nhớ bộ phận biên soạn đã chỉ ra rằng: Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc nhiều lớp lịch sử đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên và con người. Thiết kế sáng tạo cũng là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai...

Hà Nội là thành phố có cơ cấu dân số “vàng” (51,7% dân số trẻ), có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, là nơi tập trung đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đông đảo, đó chính là thế mạnh riêng có. Chúng ta tự hào, trân trọng giá trị truyền thống nhưng cũng cần hướng mạnh về tương lai, sử dụng sức mạnh mềm văn hóa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cụ thể để vượt qua thách thức, tự tin hướng tới tương lai.

- Để xây dựng Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần tìm cách vượt qua khó khăn hiện hữu như là về cơ chế hỗ trợ vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, phát triển công nghiệp văn hóa... Hẳn là chúng ta có cơ sở để thực hiện điều đó, thưa ông?

- Thứ nhất, việc Hà Nội xây dựng hồ sơ ứng cử thành viên Mạng lưới phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.

Thứ hai, trong thời gian qua, ai cũng có thể nhận thấy rằng thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người mà tiêu biểu là Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Đề án, Kế hoạch “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030”...

Phát triển văn hóa và xây dựng con người, xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực sáng tạo đó là cơ sở mang tính nền tảng để xây dựng thành công Thành phố sáng tạo.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cho Kế hoạch “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030” nhằm tiếp tục cải cách thể chế, tập trung xây dựng hạ tầng và nền tảng thiết kế sáng tạo, chăm lo giáo dục và khuyến khích đam mê thiết kế sáng tạo, nâng cao vai trò của nhà thiết kế sáng tạo, hỗ trợ xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, không gian sáng tạo...

Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ thực hiện các công trình nghệ thuật chất lượng cao, tiếp tục phát huy hiệu quả sáng kiến Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển không gian và môi trường cho hoạt động thiết kế sáng tạo...

Nhìn chung, chúng ta cần có chương trình dài hơi, trong đó, sự hỗ trợ của Nhà nước về không gian sáng tạo và thực hiện dự án trọng điểm, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút tài năng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực là điều cần được ưu tiên thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO” được thành lập vào năm 2004, đến nay đã có sự tham gia của 180 thành phố với 7 lĩnh vực lựa chọn: Nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, âm nhạc và các ngành nghệ thuật truyền thông. Tại khu vực ASEAN có 6 thành phố tham gia mạng lưới nhưng hiện chưa có thủ đô nào trong khu vực tham gia mạng lưới này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khơi dậy tiềm năng, tự tin hướng tới tương lai”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.