Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải bảo đảm các yếu tố cần - tiện - lợi

Tuấn Lương| 22/08/2019 18:43

(HNMO) - Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc nghiên cứu nhân rộng mô hình thẻ vé điện tử trên toàn mạng cũng như lý do thành phố tạm dừng thí điểm thẻ vé trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

- Xin ông cho biết, tại sao thành phố tạm dừng thí điểm thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa?

- Ông Nguyễn Công Nhật: Dự án thẻ vé điện tử được liên danh Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai thí điểm trên tuyến buýt nhanh kể từ tháng 10-2018. Đến nay, sau 10 tháng thí điểm, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép dừng lại để đánh giá về hiệu quả trước khi nhân rộng trên toàn mạng lưới xe buýt của Thủ đô.

Mục tiêu của dự án là nhằm khẳng định về mặt công nghệ, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được. Vé điện tử tạo ra sự đi lại văn minh cho hành khách nhưng đồng thời phải giúp các cơ quan quản lý nhà nước thống kê, phân tích chính xác dữ liệu về chuyến đi. Ngoài ra, việc làm này còn giúp tạo thói quen đi lại cho hành khách chuyển đổi từ vé giấy sang thẻ vé điện tử. Với các mục tiêu như vậy, có thể khẳng định, việc thí điểm đã thành công.

Ở tất cả các nước trên thế giới, dữ liệu số về chuyến đi là rất quan trọng, giúp cơ quan quản lý nhà nước hoạch định nhu cầu nào cần đáp ứng hoặc thay đổi. Trước đây, Hà Nội đã triển khai thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt song chỉ có tuyến BRT là đi được đến đích. Đặc biệt, mô hình thẻ vé điện tử BRT vừa thí điểm đã được xây dựng dựa trên khung tiêu chuẩn chung về thẻ vé của thành phố Hà Nội để sau này có thể liên thông trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt...).

Nhân rộng thẻ vé điện tử trên toàn mạng xe buýt.

- Như ông vừa đánh giá, lần thí điểm này bước đầu đã thành công, vậy bao giờ sẽ nhân rộng trên toàn mạng?

- Ông Nguyễn Công Nhật: Từ thí điểm đến nhân rộng là một bước tiến lớn hơn rất nhiều. Thay đổi thói quen trong một phạm vi nhỏ (chỉ 1 tuyến buýt BRT) sang cả một hệ thống với hơn 100 tuyến buýt đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để giải quyết các thách thức. BRT khác với xe buýt thường, khách hàng mua vé trước, vào nhà chờ rồi lên xe. Thời gian khách phải chờ đợi ở nhà chờ được giảm thiểu. Nhưng với xe buýt thường thì khác. Tần suất xe buýt lớn, điều kiện mặt đường hạn hẹp không cho phép xe buýt dừng đỗ lâu, lưu lượng hành khách trong giờ cao điểm trên một xe rất lớn.

Thông thường, mỗi xe buýt dừng đỗ ở nhà chờ, điểm dừng khoảng 1 phút rưỡi, nếu công nghệ không bảo đảm thì có thể mất tới 5 phút, dẫn tới các xe buýt bị ùn ứ, thời gian di chuyển của hành khách bị ảnh hưởng. Điều này phải được giải quyết bằng công nghệ phù hợp và giải pháp đưa ra cần bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của hạ tầng, thói quen đi lại của hành khách.

Có thể thấy hiện nay, khi cửa xe buýt được mở là hàng chục hành khách cùng lên xe một lúc. Nhưng khi sử dụng thẻ vé điện tử, bắt buộc hành khách phải có thói quen xếp hàng. Đây có thể xem là một trở ngại đối với việc nhân rộng trên toàn mạng lưới. Ngay cả với tuyến buýt nhanh BRT, cũng phải mất 1-2 tháng để hành khách hình thành thói quen này. Hiện chúng tôi đang chờ quyết định của thành phố với các cơ chế, chính sách phù hợp để có thể nghiên cứu phát triển trên toàn mạng.

- Nhưng khi nhân rộng, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chứ không chỉ riêng liên danh Transerco-Viettel, thưa ông?

- Ông Nguyễn Công Nhật: Đúng vậy! Đây là một dự án dịch vụ công nên việc đấu thầu là đương nhiên. Dù là liên danh hay bất cứ doanh nghiệp nào tham gia cũng phải xác định đấu thầu nhằm bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch, tạo động lực cho các doanh nghiệp thay đổi công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm hiệu quả tốt nhất cho Nhà nước.

- Ngoài yếu tố công nghệ, phải làm sao để thẻ vé điện tử hấp dẫn hành khách hơn, thưa ông?

- Ông Nguyễn Công Nhật: Tôi cho rằng để đa số hành khách sử dụng thẻ vé điện tử thì phải song hành với thói quen hạn chế dùng tiền mặt của người dân. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì song song vé giấy và vé điện tử để những người ít đi xe buýt vẫn có thể sử dụng dịch vụ.

Để có thêm nhiều người chọn thẻ vé thì phải có chính sách kích cầu để hành khách thấy có lợi khi sử dụng thẻ vé điện tử, như mua thẻ thì được giảm giá vé... Phải làm sao để thẻ vé điện tử không phải là một công cụ mang tính cưỡng bức, mà nó là một thói quen gắn với lợi ích của hành khách, bảo đảm các yếu tố cần - tiện - lợi. Nếu phát triển được thẻ vé điện tử thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bài toán quy hoạch, trên cơ sở dữ liệu các chuyến đi, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh sát với cung cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả của hệ thống xe buýt.

-Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải bảo đảm các yếu tố cần - tiện - lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.