Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các địa bàn

Thống Nhất| 01/09/2019 06:59

(HNM) - Năm học 2019-2020, một trong những mục tiêu, cũng là nhiệm vụ cơ bản của Hà Nội là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các địa bàn. Đây là thách thức không nhỏ bởi quy mô hệ thống giáo dục của thành phố Hà Nội lớn, điều kiện kinh tế, xã hội có sự chênh lệch khá rõ giữa các địa phương. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Khẳng định vị thế, quyết tâm khắc phục tồn tại

- Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành 14 chỉ tiêu thi đua. Ông có thể điểm lại những kết quả tiêu biểu?

- Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng giáo dục. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng với 2.713 trường, 1.983.435 học sinh, tăng 70 trường và 90.687 học sinh so với năm học 2017-2018. Đáng chú ý, việc xây dựng trường công lập đạt chuẩn bằng 150% kế hoạch, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội lên 66,7%.

Chất lượng giáo dục của Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét và toàn diện. Cấp học mầm non duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi; 94,74% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, là cơ sở vững chắc để Hà Nội thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020-2021.

Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Hà Nội đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 với 4 môn thi, thay cho phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển đã thực hiện từ nhiều năm qua. Kỳ thi không chỉ đạt mục tiêu đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh, mà còn giải quyết cơ bản những bất cập trong dạy và học. Ở cấp học phổ thông, học sinh Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng, với 134 giải quốc gia, trong đó có 11 giải Nhất; hơn 300 giải và huy chương quốc tế.

Đây cũng là năm học đầu tiên Hà Nội triển khai Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học, thu hút gần 88% số học sinh tham gia, trong đó nhiều quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ hơn 90%. Việc tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) tiếp tục nhận được sự ủng hộ của phụ huynh.  

- Theo ông, đâu là điểm nhấn của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong năm học vừa qua?

- Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong năm qua là, 100% số học sinh tham gia đội tuyển quốc gia dự các kỳ Olympic quốc tế như toán học, vật lý, hóa học... đều đoạt giải. Một học sinh đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành kỳ thi Olympic Hóa học và một học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Đây là thành tích đáng tự hào, bởi môn thiên văn học và vật lý thiên văn không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận nội dung này.

Một điểm nhấn khác là chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội tiếp tục được củng cố và nâng cao. Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Hà Nội có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước (166 bài); số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên) chiếm tỷ lệ 11,6%; gần 80% số học sinh có tổng điểm 3 bài thi theo các khối thi đại học đạt từ 15 điểm trở lên…

- Tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thể hiện quyết tâm khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Vậy những tồn tại đó là gì?

- Cũng như một số thành phố lớn, Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ khi dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến thiếu trường, lớp cục bộ tại một số địa phương. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song đây đó vẫn còn tình trạng số học sinh/lớp vượt quy định của điều lệ trường học. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh vi phạm đạo đức. Ở một số nơi, công tác quản lý điều hành, chỉ đạo dạy học chưa được thực hiện nghiêm, nên còn để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục học sinh, khiến phụ huynh chưa yên tâm. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo ngành đã trực tiếp nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường có giải pháp cụ thể, quyết tâm khắc phục căn bản những vấn đề còn tồn tại để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho nhân dân.

Ưu tiên nguồn lực cho địa bàn khó khăn

- Năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những phần việc nào được xác định là trọng tâm, thưa ông?

- Với quy mô lên đến 2 triệu học sinh, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp và trang thiết bị dạy học để bảo đảm chỗ học cho học sinh là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Toàn thành phố đã thành lập và xây mới 77 trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 15 trường trung học cơ sở, 7 trường trung học phổ thông; cải tạo 427 trường học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học được sửa chữa. Việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học, trong đó ưu tiên các điều kiện tốt nhất với lớp 1 - lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2019-2020 cũng là năm học Hà Nội tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 70% số trường công lập đạt chuẩn, trong đó ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các trường ở địa bàn còn khó khăn.

- Một trong những yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong năm học mới là thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Vậy, giải pháp nào để thực hiện yêu cầu này, thưa ông?

- Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn là mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kiên trì triển khai. Với quan điểm tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên vùng khó khăn, một số dự án lớn đã được thực hiện, như: Xây mới hơn 5.000 phòng học cho các trường ở 15 quận, huyện, thị xã; hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học của 14 xã miền núi…

Được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường có sự khởi sắc rõ nét, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp. Đơn cử, trong số 70 trường trung học phổ thông có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, bên cạnh những trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện một số trường ở các huyện ngoại thành: Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất… Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và sự kỳ vọng của người dân, những chuyển biến này cần được thể hiện rõ hơn, thông qua kêu gọi các nguồn lực đầu tư và tiếp tục dành ưu tiên cho khu vực còn khó khăn.

- Để nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, theo ông đội ngũ nhà giáo Thủ đô phải đáp ứng những điều kiện nào?

- Nhà giáo không chỉ dạy học sinh kiến thức, kỹ năng mà còn truyền cho học sinh niềm tin, giáo dục học sinh nhân cách. Vì thế, bên cạnh yếu tố chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ, yêu cầu quan trọng với đội ngũ nhà giáo Thủ đô là phải quan tâm xây dựng hình ảnh và vị thế nhà trường bằng chính nhân cách, đạo đức của mình. Mỗi nhà giáo cần thực hiện tốt vai trò nêu gương, tạo sức mạnh lan tỏa tới toàn đội ngũ để cùng nhau cống hiến, xây dựng tập thể vững mạnh. Vị thế của nhà trường có được nâng cao, tạo được uy tín, niềm tin với phụ huynh học sinh hay không chính là nhờ vai trò của đội ngũ nhà giáo. 

Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm kỷ cương, quy định của ngành; quyết tâm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, gây bức xúc cho phụ huynh, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và nhà giáo. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, quy định của ngành, đặc biệt quan tâm đến các trường ngoài công lập, các nhóm trẻ độc lập, tư thục, nhằm bảo đảm sự đồng đều về mọi mặt ở các nhà trường. 

- Mục tiêu và tinh thần quyết tâm khắc phục những tồn tại đã rõ. Trước thềm năm học mới, ông có chia sẻ gì với giáo viên, học sinh Thủ đô?

- Chất lượng giáo dục chỉ có được, khi có kỷ cương nghiêm, nền nếp tốt. Bởi vậy, năm học 2019-2020, cùng với việc thực hiện nghiêm túc chủ đề năm 2019 của thành phố là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, chú trọng nâng chất lượng giáo dục theo hướng thực chất; tăng cường xây dựng nền nếp, kỷ cương; tạo bước chuyển mạnh về ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các địa bàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.