Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm du lịch

Thùy An| 06/10/2019 07:33

(HNM) - Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực: Lượng khách quốc tế trong tháng 8 và tháng 9-2019 đều vượt mức 1,5 triệu lượt người, tăng hạng trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới... Để giữ vững những thành quả đó, trước mắt, vẫn cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt của ngành Du lịch. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những vấn đề này.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.           Ảnh: Hồng Hạnh

Nỗ lực từ nhiều phía

- Thưa ông,  tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp trong năm 2019, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,5 triệu lượt người. Ông nhìn nhận thế nào về tín hiệu mừng cho du lịch Việt Nam này?

- Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng ta chỉ có tháng 1 và tháng 2 đạt mức 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, mức hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đạt được trong tháng 8 và tháng 9-2019 là con số tích cực cho du lịch nước ta, sau nhiều tháng có dấu hiệu chững lại. Tổng cục Du lịch cho rằng, sự dao động về lượng khách trong những tháng qua là bình thường, theo mùa vụ. Chưa kể, chu kỳ tăng cao đã tiệm cận con số giới hạn trong khoảng năm 2017 và năm 2018, nên khó đòi hỏi tăng đột biến về khách trong năm nay.

- Theo ông, nguyên nhân chính giúp lượng khách tăng trong thời gian qua là gì?

- Ngoài yếu tố mùa vụ, cũng phải nhấn mạnh rằng: Cùng với các chương trình xúc tiến quảng bá của Tổng cục Du lịch phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch, các địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, hàng không với những chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến quảng bá đã tạo ra hiệu ứng tăng trưởng về khách.

Rõ ràng, hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ nét hơn, thông tin về du lịch Việt Nam đến gần với các thị trường hơn. Trong khi đó, khả năng kết nối, độ mở, đón tiếp khách của các điểm đến, cơ sở hạ tầng du lịch cũng gia tăng đáng kể. Đó không hẳn là thành quả nỗ lực từ một vài tháng trước, mà tích tụ từ nhiều năm qua.

Cũng phải nói thêm rằng, trong giai đoạn vừa qua, sự đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch đã tăng đáng kể, kéo theo sự quảng bá mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Tiếng vang, sức hút du lịch Việt Nam ngày càng lan tỏa, thường xuyên hơn, rộng rãi hơn. Chính lượng khách đến từ Thái Lan đang tăng mạnh cũng từ hiệu ứng quảng bá này…

- Vậy, liệu chúng ta có thể hoàn thành chỉ tiêu đón từ 17,5 triệu đến 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 không, thưa ông?

- Trong 9 tháng của năm 2019, chúng ta mới đón được gần 12,9 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, những tháng cuối năm là mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, hơn nữa một số hãng hàng không cũng đã công bố mở thêm đường bay thẳng giữa Việt Nam với một số điểm đến ở châu Á, nên việc hoàn thành chỉ tiêu đón từ 17,5 triệu đến 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam là rất khả quan.

- Ngoài tín hiệu tốt về lượng khách quốc tế, du lịch Việt Nam cũng đón nhận tin vui, khi tăng hạng trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới. Ông có thể lý giải rõ hơn về việc tăng hạng này?

- Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch năm 2019 dựa trên các số liệu sơ cấp và thứ cấp của năm 2017 và năm 2018. Trong báo cáo năm 2017, du lịch Việt Nam xếp hạng 67/136, trong khi ở báo cáo năm 2019, chúng ta đứng vị trí 63/140. Nếu tính từ trên xuống, ta tăng 4 bậc; còn theo tổng số nền kinh tế tham gia của năm 2019, thì chúng ta tăng 8 bậc. Đáng chú ý, trong các chỉ số của bản báo cáo trên, Việt Nam nằm trong nhóm 35 quốc gia dẫn đầu sức cạnh tranh về giá, tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, tài nguyên tự nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cải thiện chỉ số bền vững về môi trường, y tế và vệ sinh, hạ tầng dịch vụ du lịch… Nhìn tổng thể, những thông tin trong bản báo cáo này khá tích cực, sát với bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam, phản ánh sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo ra xung lực cộng hưởng để các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư có điều kiện, môi trường kinh doanh tốt hơn cũng như tạo môi trường cho khách du lịch đến Việt Nam thoải mái, thuận lợi hơn.

- Việc tăng hạng có tác động thế nào đến du lịch Việt Nam, thưa ông?

- Việc tăng hạng giúp vị thế, hình ảnh của du lịch nước ta tỏa sáng hơn, tạo niềm tin cho khách quốc tế và khách du lịch cũng như nhà đầu tư. Theo đó, Việt Nam là nơi đáng đến cho nhà đầu tư, khách du lịch. Chỉ số này được đánh giá độc lập, khách quan, càng giúp Chính phủ, ngành Du lịch nhìn nhận chính xác mặt mạnh, mặt yếu để hoàn thiện hơn.

Chú trọng sản phẩm chất lượng cao, cải thiện hạ tầng và công nghệ

- Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục Du lịch có giải pháp gì để giữ được đà tăng trưởng khách quốc tế, thưa ông?

- Trung ương, địa phương, doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng, quảng bá sản phẩm ở mức cao nhất có thể. Để xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn, thời gian tới, sản phẩm du lịch phải được nâng cao chất lượng.

Mặt khác, quảng bá không chỉ mạnh ai người ấy làm, mà là cùng nhau làm. Đó là sự liên kết để tạo nên những sản phẩm quảng bá theo chuỗi giá trị của ngành Du lịch, như: Hàng không kết hợp với khách sạn, trung tâm giải trí; hàng không kết hợp với điểm đến, sân bay... Chúng tôi cũng nỗ lực để các doanh nghiệp vận chuyển liên kết với nhau bằng công nghệ, tạo ra những gói sản phẩm hấp dẫn nhất.

Ở đây, sự hấp dẫn không đơn giản là giảm giá mà phải tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị nhất, tương xứng với đồng tiền khách bỏ ra. Những gói sản phẩm mang tính kết nối này phải do các doanh nghiệp cùng ý thức và bắt tay nhau làm. Nếu làm tốt về khách sạn hay hàng không cũng chưa đủ, bởi còn các yếu tố khác chi phối, như ẩm thực, văn hóa vùng miền, nhà hát, bảo tàng, miệt vườn…

Thế nên, cần xâu chuỗi các khâu với nhau. Trước đây, chúng ta quan tâm đến cạnh tranh về giá, nhưng giờ đây phải cạnh tranh về chất lượng và tiện nghi, thể hiện ở độ thoải mái, hấp dẫn, thú vị của sản phẩm du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng định hướng về thị trường của du lịch Việt Nam trong những giai đoạn cụ thể. Trước mắt, tiếp tục tập trung vào thị trường Đông Bắc Á, gồm các nước, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ASEAN. Không chỉ là thị trường gần, mà đây còn là thị trường có sự kết nối về hàng không, đường bộ, đường biển, sự tương đồng về văn hóa, từ đó tạo ra những chương trình du lịch thuận lợi. Ngoài ra, còn có những khu vực rất tiềm năng, tạo cơ hội rất lớn cho du lịch Việt Nam, như các nước Tây Âu, Bắc Mỹ...

- Các địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp đóng vai trò thế nào trong việc thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thưa ông?

- Địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến. Sự đa dạng, khác biệt của sản phẩm du lịch sẽ được tạo nên từ nỗ lực xây dựng môi trường phát triển du lịch của địa phương.

Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang có sản phẩm du lịch sáng tạo là chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Các địa phương, hội nghề nghiệp về du lịch, doanh nghiệp cũng sẽ phải kết nối, ứng dụng công nghệ, tạo ra những trải nghiệm du lịch thông minh, có giá trị vượt trội cho sản phẩm du lịch.

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đề cập đến nhiệm vụ tăng lượng khách quốc tế, đồng thời với tăng chất lượng khách, bảo đảm tổng thu từ du lịch theo kế hoạch đề ra. Vậy, Tổng cục Du lịch có những giải pháp gì để thực hiện yêu cầu này?

- Chúng tôi định hướng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút thị trường khách chi trả cao. Họ yêu cầu rất cao về chất lượng, độ khác biệt, tính đa dạng, sáng tạo, chuyên biệt của sản phẩm. Vì vậy, phải đầu tư hơn nữa vào du lịch sáng tạo, vào công nghệ cũng như sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, du lịch văn hóa mang đậm bản sắc vùng, miền của Việt Nam để hút khách có khả năng chi trả cao.

Vấn đề nữa là, không phải cứ khách có khả năng chi trả cao đến Việt Nam là tổng thu du lịch tăng, mà phải có nhiều sản phẩm, trải nghiệm, dịch vụ để họ tiêu tiền. Đây là câu chuyện hai chiều. Cốt lõi của vấn đề vẫn là chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó cần tạo ra sản phẩm, mở ra nhiều hoạt động trong một ngày, nhất là hoạt động về khuya để khách lưu lại lâu hơn.

- Để nâng thứ hạng trên Bảng xếp hạng vào 2 năm tới, du lịch Việt Nam sẽ có những định hướng gì, thưa ông?

- Chúng ta đã có bước tiến, song vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa để cạnh tranh lâu dài, ổn định với các quốc gia khác. Thế mạnh của chúng ta là về du lịch văn hóa, an ninh, an toàn, sự thân thiện của người dân… phải tiếp tục được khai thác.

Thời gian tới, chúng ta tiếp tục ứng dụng công nghệ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng cấp thị thực nhập cảnh điện tử để thủ tục đi lại của khách thuận tiện, nhanh, thoải mái. Các điểm yếu về vệ sinh môi trường, hạ tầng dịch vụ du lịch… cũng cần được khắc phục sớm. Chính những điều đó tạo cơ sở để chúng ta không ngừng nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của mình.

Những nỗ lực của nhiều phía, sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng, Nhà nước cùng các chính sách, môi trường kinh doanh luôn được quan tâm, đầu tư..., tất cả sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, nâng cao sức hút của du lịch Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.