Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

Vân Nga| 14/10/2019 08:20

(HNM) - 9 tháng năm 2019, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhất là từ nay đến cuối năm. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Kiểm tra hành lý của khách nhập cảnh có dấu hiệu nghi vấn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Minh Quyết

- Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông có thể cho biết những kết quả cụ thể?

- Tính đến hết quý III-2019, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 750 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trong đó có 16 vụ ma túy; 34 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cục Hải quan thành phố đã khởi tố 1 vụ hành khách mang 150 triệu won (khoảng 3 tỷ đồng), chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 3 vụ, thu nộp ngân sách 51,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục Hải quan thành phố Hà Nội còn thực hiện 2 chuyên án: “Kiểm soát buôn lậu và vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã” và “Đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép xì gà thuộc địa bàn quản lý”. Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ hơn 141kg sừng tê giác, hơn 16kg ngà voi; 10.375 điếu xì gà.

- Để đạt được kết quả trên, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã triển khai những biện pháp gì để kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu?

- Ngay từ đầu năm 2019, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chủ động nắm diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm, xây dựng kế hoạch, phương án kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã củng cố lực lượng thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại theo hướng tập trung, rõ trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng, hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát tại các cảng, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Cục cũng chủ động phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường,... kiểm tra, xử lý các trường hợp tiêu thụ nội địa trái phép hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, đặc biệt là các nguyên phụ liệu nhập khẩu theo loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu.

- Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Hải quan thành phố Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì từ nay đến cuối năm?

- Hiện nay, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Vì vậy, thời gian tới, Cục Hải quan thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 4550/CT-TCHQ, ngày 2-8-2018 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, tiền chất trong địa bàn hoạt động hải quan. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ, xử lý, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành dịp cuối năm...

Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại trên toàn tuyến. Đặc biệt, tuyến đường hàng không là tuyến trọng điểm buôn lậu. Vì vậy, các chi cục hải quan như: Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chuyển phát nhanh, Bắc Hà Nội, Gia Thụy… chú trọng tới công tác chống buôn lậu, nhất là các mặt hàng là hóa chất, ma túy, các loại tân dược có tính chất gây nghiện, vũ khí, chất nổ, vật liệu nổ, hàng giả, hàng có thuế suất cao...

Từ nay đến cuối năm 2019, Cục Hải quan thành phố Hà Nội sẽ tập trung đội hình toàn tuyến, chủ động phòng ngừa và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục triển khai thực hiện 3 chuyên đề: Kiểm soát có trọng điểm đối với hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; giám sát kiểm soát đối với hàng nhập khẩu, chuyển khẩu về các kho ngoại quan; và kiểm soát tiền chất xuất nhập khẩu trái phép qua địa bàn. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.