Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô Hà Nội: “Đầu tàu” liên kết vùng

Thanh Hiền| 30/10/2019 07:28

(HNM) - Với vai trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như liên kết vùng, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua việc kết nối đã giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

Sản phẩm nước mắm Phú Quốc được giới thiệu tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

- Bà có thể cho biết vai trò của Hà Nội trong hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố cả nước?

- Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Đây là hoạt động đồng hành thiết thực với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 28 hoạt động giao thương kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm (trong đó có 18 tuần lễ trái cây, nông sản); ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ. Qua đó, đã có hơn 500 sản phẩm mới được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối trên địa bàn thành phố và toàn quốc.

Nổi bật phải kể đến loạt chương trình kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau… giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, khai thác thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản đặc sản về Thủ đô, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, Sở Công Thương còn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng tem điện tử thông minh - QR code cho 250 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và hệ thống phân phối tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc), Big C thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan), chợ đầu mối Rungis (Pháp)...

- Trong quá trình triển khai, hoạt động kết nối cung - cầu chắc hẳn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, thưa bà?

- Các địa phương còn ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, nên khi cần các doanh nghiệp khó có thể gom được lượng hàng lớn, với chất lượng bảo đảm, ổn định. Đa phần doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản, đặc sản tại các tỉnh, thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên các doanh nghiệp cung ứng, phân phối còn gặp nhiều vướng mắc khi thỏa thuận về điều kiện giao nhận hàng hóa, điều khoản thanh toán...

Bên cạnh đó, các hộ nông dân vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống, nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng... Trong khi đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt cung - cầu trên thị trường nhằm thông tin tới doanh nghiệp chưa kịp thời, khiến xảy ra tình trạng cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

- Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì để khắc phục các vấn đề bất cập đó, thưa bà?

- Nhận thức rõ vai trò là trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa với các địa phương trong vùng. Để phát huy hơn nữa liên kết ở lĩnh vực này, ở chiều ngược lại, các địa phương cần tạo nên các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi sản xuất khi cung cấp cho Thủ đô.

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp nhằm khai thác hàng hóa thế mạnh, đặc sản các vùng, miền tiêu thụ tại Hà Nội. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận, nhằm nâng cao chất lượng hàng nông - thủy sản. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định hướng nội dung tuyên truyền cho sản phẩm nông sản để cung cấp tới các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện hơn...

Đối với các doanh nghiệp phân phối ở Hà Nội, Sở Công Thương đề nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ… để sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh, thành phố được vào các kênh phân phối của đơn vị mình và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước. Trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều thuận lợi, hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” các địa phương cần đồng hành, tăng cường hợp tác, tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ, cùng phát triển.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội: “Đầu tàu” liên kết vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.