Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạch Dinh - hồn xưa dấu cũ

Bài và ảnh: Hà Thành| 12/06/2021 15:56

(HNMCT) - Dinh Bảo Đại (hay Bạch Dinh) ở Vũng Tàu là một trong nhiều dinh thự của vua Bảo Đại trên khắp cả nước. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử gắn liền với hai vị vua triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Mặt tiền của Bạch Dinh.

Từ dinh Toàn quyền đến dinh Bảo Đại

Bạch Dinh nguyên là pháo đài Phước Thắng, nằm trên Núi Lớn (Vũng Tàu), do vua Minh Mạng xây dựng năm 1839 để khống chế cửa biển Cần Giờ. Tại đây, năm 1859, quân dân Vũng Tàu từ pháo đài Phước Thắng đã nổ súng vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định bằng đường biển. Cuộc chiến đấu tuy thất bại nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, pháo đài Phước Thắng bị thực dân Pháp san phẳng. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương khi đó là Paul Doumer đã cho xây dựng dinh thự tại đây làm nơi nghỉ dưỡng và đặt tên là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là bà Blanche Richel Doumer. Do công trình có màu sơn bên ngoài trắng nên còn được gọi là Bạch Dinh.

Tuy nhiên, Paul Doumer chưa kịp sử dụng dinh thự này đã phải về nước. Người kế nhiệm - Paul Beau, là người đầu tiên sử dụng. Sau đó, nơi này trở thành dinh thự nghỉ dưỡng của các đời Toàn quyền Đông Dương. Năm 1934, Bạch Dinh được nhượng lại làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Từ đó, dinh còn có tên là dinh Bảo Đại - Vũng Tàu... Sau năm 1975, dinh không được sử dụng vào mục đích cụ thể nào trước khi chính thức trở thành một địa điểm du lịch như ngày nay.

Bạch Dinh nằm ở sườn núi, hướng ra biển Vũng Tàu, cao 27m so với mực nước biển và nằm trong khuôn viên rộng 6ha. Công trình có lối kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX, mang phong cách đặc trưng với những vòm cửa kiểu Roman. Hệ thống cửa gồm 2 lớp: Trong kính, ngoài chớp, phù hợp với khí hậu bản địa của Việt Nam.

Có hai lối lên công trình, một lối đi bộ từ chân núi, dưới những tán bông sứ cổ thụ với 146 bậc. Một lối vòng theo sườn núi cho xe lên ở phía sau. Công trình có 3 tầng, gồm một tầng hầm và hai tầng nổi. Tầng hầm có nhà bếp, kho và các phòng phụ trợ. Tầng 1 là phòng khánh tiết, phòng ăn, phòng làm việc. Tầng 2 là các phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung.

Hiện tại, ở tầng 1, ngoài phòng khánh tiết được phục dựng theo nguyên bản, các phòng khác được sử dụng làm phòng trưng bày như một bảo tàng. Nội dung trưng bày là các cổ vật được trục vớt từ con tàu đắm ở Hòn Cau (Côn Đảo). Tại phòng khánh tiết vẫn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật cổ như song bình Bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ Hoàng gia có niên đại Khải Định (năm 1921), cặp ngà voi châu Phi, bộ tam đa ngũ thái Phúc - Lộc - Thọ...

Nhà bia đặt tấm bia đá khắc bài thơ “Sầu tây bể cấp” của vua Thành Thái.

Vị vua đầy tinh thần dân tộc

Trước khi trở thành dinh thự của vua Bảo Đại, Bạch Dinh còn gắn liền với vị vua thứ 10 của triều Nguyễn: Vua Thành Thái. Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879 - 1954), lên ngôi ngày 2-1-1889 (Kỷ Sửu). Vì là vị vua yêu nước, có tinh thần chống Pháp nên năm 1907, thực dân Pháp buộc ông thoái vị và đưa đi an trí (một hình thức giam lỏng) ở Vũng Tàu. Thời gian đầu ông ở Bạch Dinh.

Năm 1915, ông rời đến trường Bà Phước. Năm 1916, ông cùng con trai là cựu hoàng Duy Tân bị đưa đi đày ở đảo Réunion (thuộc địa của Pháp ở châu Phi). Dù được sống đàng hoàng trong khung cảnh hữu tình tại Bạch Dinh nhưng vua Thành Thái luôn mang tâm trạng buồn thương, đau đáu về vận mệnh dân tộc. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Sầu tây bể cấp” do chính ông viết.

Trong những năm tháng sống tại Vũng Tàu, vua Thành Thái được nhân dân địa phương rất kính trọng. Vì thế, họ gọi Bạch Dinh là dinh Ông Thượng. Bài thơ “Sầu tây bể cấp” của ông sau này được khắc lên tấm bia đá đặt phía sau Bạch Dinh để tưởng nhớ một vị vua đầy chí khí và tinh thần dân tộc.

Anh Khoa Tuấn Anh, một người dân Vũng Tàu cho biết: “Bạch Dinh là một trong những điểm tham quan thú vị nhất ở thành phố. Tôi thường đưa bạn bè nơi xa đến đây tham quan. Công trình đã hơn 100 năm nhưng vẫn vô cùng tráng lệ, cuốn hút”. Còn chị Lê Thu Trang, khách du lịch từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là một di tích lịch sử tuyệt vời. Tôi mong rằng, công trình sẽ được bảo quản thật tốt để giữ gìn những giá trị hiện hữu”.

Hiện, Bạch Dinh được sử dụng vừa như một điểm di tích, vừa như một bảo tàng. Với kiến trúc đặc sắc và những dấu ấn lịch sử, Bạch Dinh đã được công nhận là Di tích kiến trúc và danh thắng quốc gia năm 1992.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạch Dinh - hồn xưa dấu cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.