Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải gắn với phát triển du lịch

Thanh Thủy| 08/10/2017 06:27

(HNM) - Sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc lâu đời, song những ngôi làng cổ trên địa bàn Hà Nội đang phải đối mặt với vô vàn thách thức: Cơ sở hạ tầng xuống cấp; không gian sinh hoạt chật chội, thiếu tiện ích; môi trường sống ô nhiễm... Làng cổ thực sự cần những giải pháp hữu hiệu hơn,

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) thu hút đông khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Bá Hoạt



Thách thức tăng theo tuổi làng

Nằm cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 20km về phía Tây, Làng cổ Cự Đà (Thanh Oai) nổi danh với nghề làm tương, làm miến lâu đời, những công trình kiến trúc kiểu Pháp cùng phong cách sinh hoạt, quản lý hành chính theo “lối” phố đầu tiên và duy nhất trên cả nước. Đây còn là nơi sở hữu hệ thống đình, đền, chùa có giá trị văn hóa, lịch sử đồ sộ, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng. Tuy nhiên, sau bao thăng trầm lịch sử, Cự Đà cũng không tránh khỏi những thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ.

Dễ nhận thấy nhất hiện nay là tình trạng những ngôi nhà cổ ở Cự Đà đang xuống cấp trầm trọng, dần bị thay thế bởi các công trình cao tầng hiện đại; những lối gạch nghiêng lép vế trước phong trào bê tông hóa đường làng; không gian sinh sống chật chội, nhiều bất tiện... Tất cả tạo thành áp lực lớn trong việc dung hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ với bảo đảm lợi ích của người dân. Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà cho biết: Cả làng còn khoảng 60 ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc cổ. Do nhu cầu có thêm diện tích sinh hoạt, nhiều hộ đã cơi nới, gia cố cột, kèo…, khiến không gian xưa bị phá vỡ. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền thôn chỉ có cách duy nhất là vận động người dân, nhưng cũng rất khó.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức giống như làng Cự Đà, làng Cựu (Phú Xuyên), thủ phủ một thời của những ngôi biệt thự pha trộn hài hòa kiến trúc Đông - Tây, còn phải đối mặt với tình trạng hàng chục ngôi nhà trở nên hoang phế do chủ hộ rời làng ra phố. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng thôn Cựu cho hay: Cả làng chỉ còn khoảng 54 ngôi nhà cổ, nhưng non nửa số đó không có người ở lâu ngày, trở nên mục nát, ẩm mốc. Những ngôi nhà có người ở lại gặp phải các vấn đề về điều kiện sinh hoạt tù túng, thiếu tiện nghi…, muốn sửa chữa nhưng còn nghèo và nếu có tiền cũng không tìm được thợ giỏi để bảo tồn nguyên vẹn thiết kế...

TS.KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện việc kiểm kê nhà cổ, điều tra dân số, nhân khẩu, cấp đất giãn dân và quy hoạch bảo vệ làng cổ. Cùng với đó, cần có sáng kiến khai thác du lịch mang lại lợi ích cho dân để họ ý thức giá trị tài sản của mình, có phương án chủ động bảo vệ gìn giữ.



Thu hút sự tham gia của người dân

Những khó khăn, thách thức như ở làng Cựu, làng Cự Đà hiện nay cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều làng cổ khác trên địa bàn Hà Nội như: Làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), làng Bát Tràng (Gia Lâm), làng Cổ Loa (Đông Anh)... Ngay đối với ngôi làng cổ nổi tiếng, duy nhất của Hà Nội đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, được quan tâm, đầu tư dài hạn như Làng cổ Đường Lâm, những khó khăn, thách thức như vậy cũng khó tránh khỏi. Không ít người dân ở các làng cổ có cùng suy nghĩ: Làng cổ là di sản “sống” nên việc bảo tồn, phát huy giá trị không thể tách rời với việc bảo đảm lợi ích người dân sinh sống trong đó.

“Vẻ đẹp rêu phong, cổ kính của làng cổ thì ai đến thăm cũng trầm trồ, nhưng ít người biết được những bức bối phát sinh, hiện hữu hằng ngày ở nơi đây. Do vậy, hiện chúng tôi chưa có đầu tư gì cụ thể cho phát triển du lịch. Chúng tôi mong chính quyền sớm có chính sách hỗ trợ, cũng như có phương án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống” - ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng thôn Cựu nói.

Làng cổ với giá trị tiêu biểu về mặt cấu trúc quy hoạch không gian, cảnh quan, công trình kiến trúc độc đáo... cùng vốn văn hóa phi vật thể phong phú, như: Lối sống cộng đồng, quan hệ dòng họ, hoạt động lễ hội, truyền thuyết, văn hóa ẩm thực... có nguy cơ đứt gãy, tan biến, nếu không sớm được sự quan tâm, đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, là đòi hỏi về sự hài hòa trong việc bảo tồn di sản văn hóa, lối sống truyền thống, hiện đại với phát triển du lịch. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bảo tồn cần phục vụ phát triển và ngược lại, phát triển không phải bằng mọi giá mà hy sinh bảo tồn. Cần nhìn nhận rõ hơn vai trò của cộng đồng, chú trọng khai thác thế mạnh của di sản theo hướng lấy du lịch là mũi nhọn.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững gợi ý: Chính quyền các địa phương có thể xây dựng các trung tâm thông tin du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, vận động người dân tham gia vào việc duy trì cuộc sống nông thôn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống... để tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm du lịch khác nhau, dựa trên những giá trị đặc trưng của mình. Chẳng hạn như Làng cổ Đường Lâm hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch đặc biệt về mùa lúa chín với các hoạt động tham quan, thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng, tổ chức đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, thi làm hình nộm rơm... Hay tour du lịch chủ đề “Đêm trăng ở Đường Lâm” với lửa trại, thả đèn đom đóm, ăn đồ nướng, ngắm trăng sao..., vừa khuyến khích người dân cùng tham gia làm du lịch, tăng thêm thu nhập, vừa giúp giữ gìn nét văn hoá truyền thống cho làng cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải gắn với phát triển du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.