Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa phi vật thể

Minh An| 18/04/2018 07:12

(HNM) - Đầu tháng 4-2018, tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ “Về miền đất Tổ Hùng Vương” bắt đầu được UBND tỉnh Phú Thọ khai thác. Đáng chú ý, sản phẩm du lịch “Hát xoan làng cổ” được đưa vào trong hành trình tour mới này...


Trong buổi giới thiệu về tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ “Về miền đất Tổ Hùng Vương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San khẳng định, sự ra đời của tour du lịch không chỉ có ý nghĩa về du lịch mà còn góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đây là cách làm thiết thực để gìn giữ và phát triển một “đặc sản” văn hóa của Phú Thọ, nhất là khi hát xoan vẫn trong diện “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” theo công nhận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trong hơn 6 năm qua, kể từ khi hát xoan được xếp vào diện trên, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, bảo vệ khẩn cấp di sản này, từ việc xây dựng các câu lạc bộ hát xoan, đưa hát xoan vào chương trình chính khóa và ngoại khóa của các cấp học đến việc tổ chức tập huấn kỹ năng trình diễn cho các hạt nhân hát xoan...

Việc đưa hát xoan là một phần trong tour Hà Nội - Phú Thọ cũng là cách để đưa di sản văn hóa phi vật thể này đến với đông đảo người dân, tạo động lực, tiếp lửa đam mê cho những người đang nỗ lực gìn giữ hát xoan tại Phú Thọ. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng các nghệ nhân, trùm phường, trưởng phường sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền dạy cũng như nâng cao kỹ năng thực hành để trình diễn cho du khách, qua đó du khách có thể trải nghiệm một cách ý nghĩa nhất đối với di sản hát xoan tại các di tích gốc”.

Câu chuyện gìn giữ, bảo tồn hát xoan ở Phú Thọ thông qua các tour du lịch sẽ giúp nhiều người tin rằng du lịch hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể khác. Ngay ở Hà Nội, cũng vẫn còn không ít di sản văn hóa phi vật thể, nhất là võ thuật cổ truyền rất cần được bảo tồn. Những môn phái mang đặc thù của người Việt Nam như Nhất Nam, Thiên Môn Đạo từng khiến nhiều người yêu thích bởi những nét riêng, nhưng hiện đang thiếu những nguồn lực để có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu có những tour du lịch từ tỉnh, thành phố khác đến Hà Nội hoặc ngay trong lòng Hà Nội dành cho du khách, trong đó có những màn trình diễn tuyệt kỹ của những môn võ cổ truyền thuần Việt thì đó cũng là cách gìn giữ hữu hiệu những sản phẩm văn hóa phi vật thể được trao truyền. Sư phụ môn phái Thiên Môn Đạo Nguyễn Khắc Phấn đã rất hồ hởi cho rằng: "Được biểu diễn phục vụ du khách sẽ là cơ hội tuyệt vời để môn phái mà cha ông đã dày công duy trì được bảo tồn bền vững và có thể phát triển rộng khắp, thậm chí không chỉ ở Việt Nam...”.

Đúng là có nhiều phương pháp, hình thức để giữ gìn, phát triển và tăng tính lan tỏa của các di sản văn hóa phi vật thể thông qua các sản phẩm du lịch. Điều quan trọng vẫn là phải có người đủ tâm huyết để xây dựng, cụ thể hóa các ý tưởng mà thôi.

Tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ “Về miền đất Tổ Hùng Vương” được xây dựng trên cơ sở kết nối các điểm du lịch: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương - Làng cổ Hùng Lô - Miếu Lãi Lèn, trong đó du khách sẽ được hòa mình vào các điệu hát xoan ở làng cổ Hùng Lô hoặc miếu Lãi Lèn. Sản phẩm du lịch “Hát xoan làng cổ” được tổ chức định kỳ tại đình Hùng Lô vào 14h - 16h hằng ngày và tại miếu Lãi Lèn vào 14h - 16h thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 (từ mùng 5 đến 10 tháng Ba âm lịch), chương trình “Hát xoan làng cổ” sẽ được các nghệ nhân biểu diễn hằng ngày từ 8h đến 16h tại 2 địa điểm trên để phục vụ đồng bào và du khách.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa phi vật thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.