Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tải, tăng giá!

Thùy An| 03/05/2018 06:42

(HNM) - Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày khiến các điểm du lịch, vui chơi ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác rất đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.


Người ken người...

Thời tiết tại Hà Nội khá thuận lợi trong dịp nghỉ lễ nên nhiều điểm vui chơi thu hút nhiều du khách. Đông nhất vẫn là Công viên Thủ Lệ, nơi trẻ em có thể tìm hiểu về các loài động vật và tham gia nhiều trò chơi phù hợp lứa tuổi. Nhiều gia đình tại Hà Nội và các địa phương khác đã tới đây khiến có ngày công viên đón tới gần 10 nghìn người, bãi gửi xe máy thường xuyên quá tải.

Bãi biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đông nghẹt người trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Nam Khánh


Công viên nước Hồ Tây cũng được nhiều người lựa chọn, nhất là trong 2 ngày cuối dịp nghỉ lễ do thời tiết chuyển sang nắng nóng. Chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính cũng có khoảng 10 nghìn lượt người tới đây dịp này.

Ở nhiều điểm tham quan, vui chơi khác tại Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Phố bích họa Phùng Hưng, Công viên Cầu Giấy, Thiên đường Bảo Sơn, Vườn quốc gia Ba Vì… cũng thu hút đông đảo người dân.

Riêng Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trong ngày 30-4, 1-5 đã thu hút hàng nghìn lượt người đến thư giãn, vui chơi.

Nhiều điểm đến tại các tỉnh, thành phố khác cũng nườm nượp khách. Tại TP Hồ Chí Minh, Thảo Cầm Viên là địa chỉ hút khách nhất.

Đà Nẵng cũng là điểm đến của nhiều du khách nhờ Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2018. Thống kê từ trang web đặt phòng trực tuyến Agoda cho thấy, lượng khách đặt phòng tại Đà Nẵng đứng đầu trong các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay ước đạt 342.992 lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Còn Sa Pa (Lào Cai) thu hút khoảng 60.000 người trong dịp nghỉ lễ này. Điều này khiến nhiều điểm dịch vụ du lịch của Sa Pa, trong đó có Nhà ga Sa Pa - điểm khởi hành cáp treo lên đỉnh Fansipan đã lâm vào tình trạng ùn ứ khách cục bộ.

Một điểm du lịch khác cũng thu hút khách là đảo Cát Bà (Hải Phòng). Cây cầu Tân Vũ đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian di chuyển tới Cát Bà đã khiến lượng khách tới đây tăng đột biến. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài nhiều giờ trên đường di chuyển ra bến phà Gót để tiếp tục hành trình tới trung tâm Cát Bà. Ban Quản lý bến phà Gót đã huy động cả 9 phà nhưng phải mất rất nhiều thời gian để giải tỏa tình trạng ùn ứ, do các phà không thể đón khách cùng lúc. Ước tính, có khoảng 80.000 lượt khách tới Cát Bà, tăng hơn 30% so với kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm 2017.

Còn theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, lượng khách đến Nha Trang khoảng 135.000 lượt, tăng hơn 107%. Bình Thuận với những địa điểm nổi tiếng như biển Phan Thiết, Mũi Né đón hơn 57.200 lượt khách lưu trú, tăng 2,14% so dịp lễ năm 2017.

Ở Thanh Hóa, những điểm đến như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) cũng được nhiều du khách lựa chọn. Ông Đặng Trường Minh, cán bộ phụ trách du lịch huyện Hoằng Hóa cho hay, Khu du lịch biển Hải Tiến thu hút khoảng 80.000 lượt khách trong dịp nghỉ lễ; tuy nhiên ở đây cũng xảy ra hiện tượng mất vệ sinh trên bãi biển nhưng đã được giải quyết kịp thời...

Không thể tránh chuyện tăng giá, ùn ứ?

Ngoài việc ùn ứ tại nhiều điểm vui chơi, lượng khách đông đảo đã khiến nhiều điểm đến lặp lại hiện tượng “cháy” phòng và tăng giá.

Tại Quảng Ninh, nếu trước dịp Lễ hội Carnaval Hạ Long 2018 vẫn còn phòng với mức giá như ngày thường thì từ đầu dịp nghỉ lễ, giá phòng đã bị đẩy lên gấp đôi mà vẫn "cháy". Còn tại Cát Bà (Hải Phòng), nhiều khách sạn cũng có giá thuê phòng từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/phòng, cao gấp đôi ngày thường.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút rất đông du khách đến tham quan dịp nghỉ lễ. Ảnh: Hữu Tiệp


Tại Đà Nẵng, so với mức giá công bố, nhiều khách sạn đều phụ thu thêm từ 10-30% trong ngày 30-4, ngày khai mạc Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018. Mức giá phụ thu gồm chi phí mua vé xem pháo hoa trên tầng thượng, chi phí ăn uống. Trung bình, mức giá của khách sạn 2-3 sao tăng lên 1,2-1,5 triệu đồng/đêm/phòng; khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng 5 sao có mức giá từ 5,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/phòng/đêm...

Một trong những nguyên nhân là nhiều công ty lữ hành đã đặt phòng cho các tour của mình từ cách đây 3-4 tháng nên các khách sạn đã hầu như kín phòng. Theo ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour, trong dịp nghỉ lễ này, công ty có khoảng 10.000 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa. Nhờ đặt phòng trước nên công ty không bị động về phòng ở cho khách.

“Chúng tôi đã thông báo khách cần nhẫn nại xếp hàng khi gặp tình trạng ùn ứ tại các điểm tham quan hay chấp nhận tắm biển trong tình cảnh quá đông người. Vì thế, khách ở tour của công ty không phàn nàn khi gặp tình trạng quá tải”, ông Lê Công Năng nói.

Việc tăng giá dịch vụ, giá thuê phòng đã trở thành quen thuộc trong những mùa du lịch gần đây. Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, lập kế hoạch sớm về di chuyển để tránh ùn tắc giao thông, thuê phòng sớm hoặc tham gia vào các tour của các công ty lữ hành có uy tín sẽ giúp du khách tiết kiệm được nhiều chi phí về di chuyển, giá phòng ở trong kỳ nghỉ. Còn việc các điểm du lịch bị quá tải trong mỗi kỳ nghỉ là thực tế mà du khách phải chấp nhận trong khi chờ đợi sự đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất tại các điểm đến.

Khách du lịch tới Hà Nội tăng gần 10%
Theo Sở Du lịch Hà Nội, ước tính tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đạt 317.699 lượt người, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017; tổng thu ước đạt 904 tỷ đồng, tăng 8%. Lượng khách du lịch đến các điểm tham quan đều tăng cao, tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 17.400 lượt khách, tăng 5%; Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón 6.822 lượt khách (trong đó có 1.672 lượt khách quốc tế) với mức thu phí đạt 140,1 triệu đồng, tăng 34%; đền Ngọc Sơn đón 14.000 lượt khách tham quan có thu phí...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá tải, tăng giá!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.