Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cơ hội làm mới hình ảnh Hà Nội

Thu Vũ| 13/10/2018 08:19

Hà Nội cổ kính. Hà Nội năng động và đang chuyển mình mạnh mẽ. Đấy là những điều mà Hà Nội đang hướng tới trong việc quảng bá hình ảnh...


Giải bài toán sản phẩm du lịch chất lượng cao

Trong tổng kết 10 năm phát triển (2008-2018) của du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã nhìn nhận: “Tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch Thủ đô đã có nhiều khởi sắc nhưng kết quả đạt được còn chưa cao, đóng góp vào tổng thu nhập nội địa của thành phố còn chưa tương xứng. Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, chưa được đầu tư đúng mức để khai thác được tiềm năng, thế mạnh”.

Việc thiếu những loại hình hoạt động du lịch mới, phát triển theo chuỗi sự kiện đồng bộ, những sản phẩm có thể gắn với thương hiệu Thủ đô... là thực trạng từ lâu nay khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành rất khó giữ du khách lưu lại Hà Nội lâu hơn 2-3 đêm.

Để cải thiện, thành phố đã có những bước đột phá mới, mà trước hết là trong cách quảng bá du lịch; điển hình là việc triển khai Chương trình hợp tác truyền thông quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN từ năm 2017 đến nay và hiện đang chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác 2019-2021. Nhờ cách làm này, hình ảnh của Hà Nội đã đến với nhiều người, nhiều nơi trên thế giới; góp phần tạo ra sự tăng trưởng du lịch khá nhanh.

Cũng còn những cách quảng bá khác có thể gây ấn tượng mạnh như tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có khả năng gây tiếng vang, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách, người xem như trường hợp Đà Nẵng thực hiện thành công với “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”. Lễ hội này đã trở thành thương hiệu lớn, giúp Đà Nẵng được mặc định là “Thành phố pháo hoa”, là điểm nhấn của Đà Nẵng trong mỗi mùa du lịch. Trong hai tháng diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018, đã có tới 1,581 triệu lượt khách tới Đà Nẵng, tăng 25,54% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là sản phẩm mang nặng dấu ấn xã hội hóa khi doanh nghiệp lo kinh phí tổ chức, thành phố tạo điều kiện về chủ trương, địa điểm tổ chức. Cái lợi từ việc này thì cả Đà Nẵng được hưởng, đặc biệt những mảng việc liên quan đến du lịch.

Còn Hà Nội cũng có những động thái, bước đi mạnh mẽ để tạo nên một vài điểm nhấn văn hóa, thể thao, du lịch thực sự trong năm, khiến người dân trên địa bàn phải háo hức chờ đợi, khách từ nước ngoài, tỉnh ngoài phải “bỏ công bỏ của” tìm đến. Những lễ hội như văn hóa quốc tế tại khu vực Hồ Gươm, lễ hội bơi thuyền truyền thống tại hồ Tây đã bắt đầu tạo nên thói quen du lịch Hà Nội vào dịp diễn ra các lễ hội này. Nhưng thực tế, Hà Nội vẫn cần những sự kiện "ra tấm, ra món" nữa để khách trong và ngoài nước đều nhớ đến Hà Nội không chỉ bởi vẻ cổ kính.

Giải đua xe F1 - thêm một gợi mở

Thông tin Hà Nội có thể là địa điểm đăng cai giải đua xe công thức 1 (F1) vào năm 2020 đã thực sự gây chú ý trong nhiều tháng qua. Một giải đấu là thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới, từng khiến không ít người Việt Nam phải chi cả nghìn, thậm chí chục nghìn USD ra nước ngoài, gần nhất cũng là Singapore, Trung Quốc để xem các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu đua xe F1 thế giới. Vì thế, nếu giải đấu được tổ chức tại Hà Nội thì đó là cơ hội tốt để đưa hình ảnh Hà Nội lan tỏa rộng rãi hơn và đương nhiên là sẽ thu hút nhiều du khách hơn.

Đây không phải là lý thuyết suông nếu nhìn vào những thống kê, nhận định của tờ The National về trường hợp thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đăng cai giải đua xe F1. Theo đó, năm 2016, Ban tổ chức giải đua xe F1 ở Abu Dhabi đã bán được hơn 60.000 vé xem, mỗi vé trị giá từ 600 USD cho 2 ngày vào cửa xem các tay đua, tới 5.400 USD cho trọn vẹn 3 ngày của sự kiện bao gồm các buổi hòa nhạc hay các sự kiện bên lề.

Tờ báo này cũng nhận định, hiện diện quốc tế và độ nổi tiếng của Abu Dhabi đã được nâng cao kể từ khi thành phố này công bố đứng ra tổ chức một vòng đua F1. "Có một hiệu ứng xuất hiện khi tham gia vào một môn thể thao có nhận diện toàn cầu như giải đua xe F1. Rất khó để vạch rõ cán cân giữa lợi ích kinh tế và chi phí đầu tư. Tuy nhiên, dưới dạng một công cụ tiếp thị, vòng đua sẽ khiến thế giới đổ dồn sự chú ý về thành phố của bạn", ông Donal Kilalwa, Tổng giám đốc Công ty tiếp thị thể thao - Promoseven Sport Marketing tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) nhận định.

Trong khi đó, ông Rashid Aboobacker, chuyên gia từ tập đoàn chuyên về tiếp thị, thương hiệu TRI Consulting cho hay: "Sự kiện F1 thu hút hàng chục nghìn du khách tới Abu Dhabi mỗi năm. Tuy nhiên, quan trọng hơn, sự kiện giúp thành phố định vị vững chắc trên bản đồ du lịch quốc tế bên cạnh nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khác và sẽ tiếp tục đóng vai trò là một công cụ tiếp thị hiệu quả. Tỷ lệ lấp kín phòng khách sạn vào tháng 11-2015, khi vòng đua diễn ra, đã lên tới 83% so với mức 75,4% trung bình cả năm".

Gần với Việt Nam hơn, theo thống kê của Hội đồng Du lịch Singapore (STB), giai đoạn 2008-2015, cuộc đua F1 thu hút 350.000 khách quốc tế, mang về 150 triệu USD mỗi năm.

Còn với Hà Nội?

Mới chỉ xuất hiện thông tin có thể được đăng cai một vòng đấu của giải F1 thôi, cũng giúp cái tên Hà Nội thời gian qua xuất hiện nhiều hơn trên các mặt báo quốc tế.

Nếu thành công trong việc đăng cai giải F1, lợi ích trước hết là đã quảng bá sâu rộng hình ảnh của đất nước ra thế giới, đưa Hà Nội và Việt Nam vào bản đồ thế giới về các sự kiện thể thao lớn. Theo tính toán của Ban tổ chức, mỗi cuộc đua xe F1 được truyền hình trực tiếp ở các kênh nổi tiếng ở hơn 20 quốc gia với khoảng 600 triệu người xem cùng khoảng 1,4 tỷ người tiếp cận giải đấu thông qua các hình thức khác. Như thế, sự lan tỏa hình ảnh của nơi đăng cai là thực sự đáng kể.

Ngoài ra, việc đăng cai giải đua xe F1 này cũng hứa hẹn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhiều người Việt Nam có xu hướng đi du lịch nước ngoài kết hợp xem đua xe F1 sẽ có thể chọn Hà Nội để xem đua xe F1 thay vì ra nước ngoài. Trong khi đó, các ngành dịch vụ chất lượng cao đi theo giải đua và cho ngành Du lịch (hàng hóa, sản phẩm lưu niệm, gia dụng và các loại hình dịch vụ ăn uống, ẩm thực, giải trí... ) sẽ được gia tăng, phát triển và nâng cao tính chuyên nghiệp... Tất cả góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch. Quá trình triển khai các công việc chuẩn bị và tổ chức giải đua cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Ngoài ra, các mục tiêu giao lưu, quảng bá, phát triển văn hóa, các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực như tài chính, du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại... thêm nhiều cơ hội phát triển. Ngay cả ngành công nghiệp ô tô nội địa cũng có cơ hội, động lực phát triển khi sự kiện đua xe F1 diễn ra tại Việt Nam.

Lợi ích nhiều mặt khi được đăng cai một giải đua xe công thức 1 đã rõ. Nhưng bước triển khai tiếp theo như thế nào để có thể xuất hiện một giải đua xe F1 tại Hà Nội cũng đang được quan tâm. Đáng chú ý là Chính phủ đã đồng ý với chủ trương để UBND TP Hà Nội tiếp cận nhà tổ chức sự kiện, đồng thời khẳng định việc tổ chức sẽ theo hình thức xã hội hóa toàn bộ, không dùng ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn... Các doanh nghiệp bỏ ra chi phí sẽ có phương án thu phí hoàn lại. Còn thẩm quyền cho phép tổ chức các giải thể thao quốc tế, như giải F1 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố theo Luật Thể dục Thể thao sửa đổi năm 2018. Thông tin ban đầu cho thấy, các bộ, ngành cũng ủng hộ việc Hà Nội tạo ra nét mới thông qua tổ chức đua xe F1. Khảo sát bước đầu ở địa bàn dân cư khu vực dự kiến diễn ra cuộc đua, nếu được Ban tổ chức giải đua chấp nhận, thì nhân dân đều bày tỏ sự đồng thuận cao.

Như thế, đã có những thuận lợi nhất định để một giải đua xe F1 có thể diễn ra tại Việt Nam trong những năm tới, có thể là vào năm 2020. Tính hiện thực của sự kiện cũng trở nên rõ nét hơn khi có một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tài trợ kinh phí theo đúng chủ trương xã hội hóa toàn bộ hoạt động này như Chính phủ chỉ đạo.

Thực tế, có nhiều cách để tiếp thị, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy sự phát triển của một thành phố. Việc đăng cai một thương hiệu lớn trong làng thể thao thế giới như giải đua xe F1 với sự đồng hành của doanh nghiệp để bảo đảm không sử dụng ngân sách là một hướng đi. Số tiền để doanh nghiệp chi ra nhằm đăng cai giải đấu này dù là lớn so với mặt bằng nền kinh tế Việt Nam nhưng lại mang đến những lợi ích thiết thực cho thành phố và quan trọng là không ảnh hưởng đến ngân sách, không ảnh hưởng đến các mục tiêu an sinh xã hội.

Thế nên, vấn đề đăng cai giải đua xe F1 không hẳn ở việc chi ra bao nhiêu mà là mang lại được những gì cho chính Hà Nội, người Hà Nội và doanh nghiệp đồng hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cơ hội làm mới hình ảnh Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.