Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ những nút thắt, nâng tầm chiến lược trong phát triển vùng du lịch

Tuyết Minh| 31/12/2018 15:34

(HNMO) - Sáng 31-12, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Công ty Đối tác vàng đã tổ chức hội thảo “Tầm nhìn chiến lược trong phát triển các vùng du lịch”...

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Tầm nhìn chiến lược trong phát triển các vùng du lịch”.


Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; UBND tỉnh Khánh Hòa;Tổng cục Du lịch… cùng nhiều chuyên gia, đại diện một số doanh nghiệp của Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố lân cận.

Thời gian gần đây ngành du lịch đạt được nhiều thành quả tích cực, nhiều dự án quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Điều này làm tăng nội lực của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa. Sự phát triển của các doanh nghiệp cùng những địa bàn động lực, tạo ra tác động lan tỏa và định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam...

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, kết quả đó còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển chung, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, với nguồn lực dồi dào trong dân. Đại biểu nêu câu hỏi: Phải chăng các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam quá thấp và tính dự báo chưa tốt? Tầm nhìn chiến lược trong phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới nên như thế nào? Bao giờ du lịch Việt Nam tiến kịp du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore?…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - GS.TSKH Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược phát triển du lịch với quan điểm phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, tầm nhìn xa hơn, để vươn ra biển lớn, đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập, hiệu quả và bền vững, tương xứng với tiềm năng của đất nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Phải cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Có thể chế, chính sách đột phá, rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Phúc Đức cho rằng, khi thi hành Luật Du lịch 2017 cần có tầm nhìn khác so với trước ở mức độ, hướng tập trung, cụ thể về không gian, thời gian, đối tượng, môi trường phát triển du lịch; dựa trên 2 nội hàm: Phát triển du lịch phải tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác; đạt các chỉ tiêu cơ bản của ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 và thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. 

Là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong bảo tồn và phát triển văn hóa, TS Hồ Xuân Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dấu ấn Việt Nam (Vietnam Signature) nhấn mạnh vai trò của phát triển du lịch bền vững gắn liền với yếu tố văn hóa và sự tham gia cởi mở của cộng đồng: “Chúng tôi tin tưởng việc tạo ra các hoạt động thực tiễn, như tôn tạo sức sống cho các làng nghề truyền thống qua phát triển các khu bảo tồn, trải nghiệm làng nghề, sẽ thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và du khách quốc tế. Điều này tạo ra những dấu ấn đặc trưng, tác động tích cực đến bức tranh du lịch địa phương, phát triển sinh kế cho cộng đồng và chiến lược quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam”.

Từ kinh nghiệm của mình, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay Nguyễn Đức Chi đề xuất phát triển hệ sinh thái du lịch bằng sản phẩm chiến lược mang tính bền vững. Ở bình diện quốc gia hoặc địa phương, hệ sinh thái điểm đến có thể ít nhất bao gồm các lĩnh vực: Lữ hành, vận chuyển, lưu trú, giải trí, mua sắm, hậu cần, sản phẩm du lịch chiến lược và các sản phẩm hỗ trợ.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam hiện nay cũng như đề xuất cách tháo gỡ, trong đó có hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp và thúc đẩy hợp tác công - tư… Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” này là phải có cơ chế chính sách ưu tiên, từ đó tạo bệ phóng cho du lịch. Chính sách thông thoáng về visa, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các hãng hàng không, nhà ga, sân bay, tăng kết nối với các doanh nghiệp... để tạo dòng khách thường xuyên đến với Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những nút thắt, nâng tầm chiến lược trong phát triển vùng du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.