Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm phát triển du lịch vùng, miền ở các nước châu Á

Quỳnh Dương| 04/07/2019 19:53

(HNMCT) - Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch đã và đang được coi như một ngành kinh tế mũi nhọn. Để khai thác tối đa lợi ích của ngành “công nghiệp không khói”, nhiều nước đã xây dựng được những chiến lược vượt trội để có thể phát huy hết giá trị văn hóa, cảnh quan, con người... của từng vùng miền. Nói một cách cụ thể, dựa trên chiến lược phát triển tổng thể chung, mỗi địa phương sẽ vận dụng triển khai một cách phù hợp nhất để gia tăng tối đa lượng khách cho từng vùng du lịch.


Giữ gìn bản sắc riêng

Trong số rất nhiều yếu tố có thể giúp thúc đẩy du lịch vùng miền phát triển, bản sắc văn hóa luôn được đề cập tới đầu tiên. Theo số liệu do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố, lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2018 lên tới 1,4 tỷ lượt và dự báo có thể đạt 1,6 tỷ lượt vào năm 2020. Đáng chú ý, 60% dòng khách du lịch hiện nay có mục đích tìm hiểu những nền văn hóa khác lạ. Kết quả các cuộc khảo sát cũng cho thấy, yếu tố gây thu hút du khách nhất ở các điểm đến là bản sắc và cách ứng xử văn hóa. Trong bối cảnh tốc độ hội nhập thế giới ngày càng tăng, việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa không chỉ cho thấy thái độ của một quốc gia đối với di sản của dân tộc mà còn giúp bảo vệ sự riêng biệt, độc đáo của một địa phương so với những vùng du lịch khác.

Du khách thích thú khi được sống trong không gian văn hóa đặc trưng của người dân tộc Akha, làng Pha Mee, miền Bắc Thái Lan.

Chẳng hạn như Thái Lan, đất nước lâu nay vẫn được nhắc tới như một “thiên đường du lịch” của Đông Nam Á. Bên cạnh thủ đô Bangkok hiện đại, thành phố Pattaya sôi động hay đảo Phuket xinh đẹp, đất nước Chùa Vàng còn cuốn hút du khách bởi cảnh đẹp ở miền Bắc, với núi rừng yên tĩnh, không khí trong lành, mát mẻ và không gian ẩm thực, văn hóa độc đáo.

Chiang Rai - thành phố giáp biên giới với Lào và Myanmar là một ví dụ. Nơi đây, khi xưa là khu vực "Tam giác vàng" - trung tâm sản xuất, buôn bán thuốc phiện khét tiếng vùng Đông Nam Á. Ngày nay, thay vì trồng thuốc phiện, người dân bản địa trồng cà phê, cây mắc ca và biến chính nơi họ ở thành điểm du lịch thú vị. Sức hấp dẫn của Chiang Rai nằm ở những ngôi làng như Pha Mee, nơi khách du lịch đến để tận hưởng ly cà phê Arabica thơm lừng giữa cảnh núi non hùng vĩ, được thưởng thức biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, xem người dân dệt vải, rang xay cà phê bằng lò đất sét, giã gạo nếp làm bánh, ăn bữa trưa với rau rừng, cá suối, cơm nếp bày trên lá chuối tươi...

Còn ở Nhật Bản, những công trình, quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa đều được bảo hộ theo Luật Bảo tồn đền chùa cổ. Song thời gian gần đây đối tượng được bảo vệ đã mở rộng hơn bao gồm làng mạc lịch sử, kiến trúc nhà bình dân. Địa phương cũng áp dụng linh hoạt các chính sách để đề ra chế độ thẩm định kỹ thuật bảo tồn những công trình kiến trúc công cộng, nhà cửa gắn với phong tục, tập quán, hoạt động, lễ hội hằng năm của người dân. Những tài sản này được Cục Văn hóa và chính quyền địa phương tài trợ cho việc tu sửa, phòng cháy, hoạt động thể nghiệm, trong đó việc tu sửa được tiến hành định kỳ. Nhờ đó, người Nhật Bản không chỉ bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa mà còn giữ được đặc trưng vốn có của các công trình kiến trúc ở mỗi vùng miền.

Song hành với công việc bảo tồn các công trình kiến trúc, người Nhật Bản còn biết phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Hằng năm, những địa điểm này thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đưa lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Để góp phần phát triển du lịch, nhiều năm trước, Thái Lan đã tìm cách khai thác lợi thế của mình như là cửa ngõ vào khu vực sông Mekong để phát triển giao thông như sân bay, bến cảng, đường thủy... Chính hệ thống giao thông đồng bộ đã làm thời gian di chuyển giữa các vùng du lịch được rút ngắn, từ đó du khách có nhiều thời gian hơn để tham quan, mua sắm. Đặc biệt, Thái Lan phát triển mạnh giao thông đường hàng không. Ngoài hệ thống hàng không ở thủ đô Bangkok, Thái Lan còn có 2 hệ thống trung tâm hàng không lớn ở Chiang Mai và Phuket với mức chi phí rất thấp, nên thu hút lượng lớn du khách.

Malaysia cũng rất chú trọng đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch. Chính phủ đã hoàn thiện hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, các trung tâm du lịch, siêu thị mua sắm... nhằm phục vụ tốt nhất cho khách du lịch. Sự kết nối giữa các điểm du lịch ở Malaysia bằng phương tiện giao thông đi lại rất thuận lợi. Từ Kuala Lumpur có thể đi đến các địa điểm khác bằng phương tiện giao thông đường bộ dễ dàng. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng luôn cải tiến, đổi mới bằng cách xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng vật chất hiện đại và tốt nhất để phục vụ du khách như tháp đôi Petronas hay những bãi biển tuyệt đẹp với bờ cát trải dài và những khu resort 5 sao sang chảnh.

Hàn Quốc cũng có hệ thống giao thông rất đa dạng, hiện đại và thuận tiện như tàu điện ngầm, xe bus, taxi, tàu hỏa... Tại các điểm du lịch, từ thủ đô Seoul đến các tỉnh còn hoang sơ ở phía nam bán đảo Triều Tiên như Jeollanam đều có xe đẩy dành cho trẻ em và xe lăn dành cho người già. Người Hàn Quốc rất giỏi biến những nơi ít nổi tiếng thành những điểm đến hấp dẫn du khách. Dòng suối nhân tạo Cheonggyechon dài khoảng 5,8km giữa lòng Seoul là một ví dụ. Vốn là một con kênh không sạch, nó đã được cải tạo thành một con suối mát lành róc rách suốt ngày đêm giúp du khách có thêm điểm dạo chơi, hít thở không khí trong lành. Hằng năm vào dịp lễ Phật đản, chính quyền thành phố tổ chức lễ hội đèn lồng tại suối với hàng trăm loại đèn lồng được thiết kế độc đáo, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Một số nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển đều chú trọng phát triển nhân lực cho lĩnh vực này. Vì chính nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao là một trong những yếu tố giúp nâng tầm vị thế và năng lực cạnh tranh của họ như những điểm đến của du lịch quốc tế.

Ở Singapore, để trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp, được cấp thẻ, đòi hỏi người học phải trải qua quá trình học tập và thi cử rất khó khăn. Các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tại đây thực hiện đào tạo cho học viên, sinh viên theo học các khóa nghiệp vụ từ thấp đến cao, chú trọng đào tạo các kỹ năng đặc biệt thu hút du khách đến tham quan và mua sắm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực khác.

Tại Thái Lan, đội ngũ chuyên gia và nhân viên làm việc trong ngành du lịch được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản và thường sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng tổ chức nhiều khóa học hướng dẫn người dân về cách làm du lịch nhưng vẫn gìn giữ truyền thống, văn hóa. Họ được dạy tiếng Anh cũng như cách nâng cao chất lượng các dịch vụ, phong cách phục vụ. Họ không thay đổi lối sống để làm du lịch mà mang đến cho du khách những trải nghiệm thực sự “bản địa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm phát triển du lịch vùng, miền ở các nước châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.