Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác du lịch Hà Nội - Khánh Hòa - Ninh Thuận: Liên kết để cùng bay xa

Bài và ảnh: Linh Tâm| 05/09/2019 10:17

(HNMCT) - Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hòa và Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu... để phát triển du lịch. Trong khi đó, Hà Nội đóng vai trò là điểm trung chuyển và là thị trường khách lớn nhất cả nước, có thể tạo động lực thúc đẩy cho sự liên kết, phát triển du lịch giữa ba địa phương. Đây cũng là nội dung của buổi tọa đàm trong khuôn khổ chương trình khảo sát du lịch tại Khánh Hòa - Ninh Thuận do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.

Đoàn khảo sát tham quan Trung tâm Bảo tồn văn hóa Chăm.

Vùng đất giàu tiềm năng

Là hai địa phương nằm trong vùng khí hậu đầy nắng, gió, quanh năm mát mẻ, ít thiên tai; có đường bờ biển dài hàng trăm cây số, cảnh quan hấp dẫn cùng những giá trị văn hóa bản địa đậm đặc... đã mang lại cho Khánh Hòa và Ninh Thuận nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo. Nếu như Khánh Hòa nổi tiếng với đô thị du lịch Nha Trang quanh năm sầm uất thì Ninh Thuận là điểm đến còn khá khiêm tốn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ninh Thuận là vùng đất có địa hình đa dạng: Vùng biển, đồng bằng, trung du và miền núi..., do vậy nơi đây có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái, nông nghiệp và đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với những yếu tố bản địa của người Chăm. Ninh Thuận sở hữu đường bờ biển dài hơn 100km nên nơi đây có nhiều bãi biển, vịnh đẹp như vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chữ, bãi biển Bình Tiên, Cà Ná. Ngoài ra, du khách còn có thể thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Núi Chúa, đèo Ngoạn Mục, cồn cát đỏ Nam Cương, cồn cát di động Phước Dinh... Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn với nền văn hóa Chăm được thể hiện rõ nét qua hệ thống đền đài, chùa tháp như: Tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, tháp Hòa Lai, đền thờ nữ thần xứ sở Po Inư Nưgar, cùng các lễ hội Katê, Ramưwan, Cầu Ngư... Năm 2018, Ninh Thuận đón 2,2 triệu lượt khách, 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,7 triệu lượt.

Đến với Khánh Hòa - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, nơi sở hữu hơn 200km đường bờ biển với 200 hòn đảo lớn, nhỏ, du khách có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng với hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế như: Ana Mandara, Vinpearl Land, Sheraton Nha Trang, Evason Hideaway... Khánh Hòa cũng là vùng đất còn lưu giữ những giá trị văn hóa Chăm tiêu biểu như: Tháp Bà Po Nagar, thành Hời cùng hệ thống danh thắng chùa Long Sơn, lầu Bảo Đại, Nhà thờ núi, thành cổ Diên Khánh... Năm 2018, Nha Trang đón 6,3 triệu lượt khách, 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,4 triệu lượt.

“Bắt tay” cùng phát triển

Mặc dù khá tương đồng về nguồn tài nguyên du lịch, lại nằm sát nhau về không gian địa lý nhưng khoảng cách phát triển du lịch giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận khá xa. Vì thế, việc tăng cường liên kết giữa hai địa phương nói riêng cùng Thủ đô Hà Nội nói chung là nội dung chính của buổi Tọa đàm liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội - Khánh Hòa - Ninh Thuận vừa qua. Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, các địa phương muốn liên kết với nhau, cần kết nối các điểm đến và cung cấp dịch vụ để tăng trưởng lượng khách và mức chi tiêu bình quân. Muốn vậy, các địa phương cần có sản phẩm hấp dẫn, tăng cường tuyên truyền quảng bá, chia sẻ thông tin; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và đẩy mạnh sự gắn kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với các địa phương.

Lý giải cho việc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng du lịch Ninh Thuận chưa phát triển, ông Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho rằng, Ninh Thuận mới đang ở điểm khởi đầu của phát triển du lịch bởi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu chuyên nghiệp... nên khó tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách. Số lượng du khách ít khiến các nhà đầu tư không hào hứng vào Ninh Thuận, vì thế khó càng thêm khó. Đây là vòng luẩn quẩn lâu nay tỉnh chưa giải quyết được.

Nhìn nhận về những hạn chế của hai địa phương, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Du lịch Vietsense thẳng thắn cho rằng: Cả Khánh Hòa và Ninh Thuận đều chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và định vị sản phẩm dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, thiếu bền vững. Do đó, các tỉnh nên thay đổi cách làm, trong đó chú trọng đến phương pháp xúc tiến quảng bá, bắt đầu từ đầu tư cho hệ thống website để tăng tính tương tác với du khách, tận dụng ưu thế của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube để sản xuất các thước phim quảng bá ngắn nhằm mang lại cho du khách những hình dung rõ nét về lợi thế nổi trội của tỉnh.

Để có những sản phẩm liên kết tạo nên tính đặc thù mà không bị trùng lặp, ông Kiều Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đông Dương Á Châu (AIC Travel) cho rằng: Khánh Hòa và Ninh Thuận nên kết hợp với nhau để tạo thành sản phẩm “hai địa phương, một điểm đến” như Đà Nẵng và Hội An đã rất thành công với mô hình phố cổ Hội An. Theo ông Dũng, Khánh Hòa đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng nhưng còn thiếu mảng trải nghiệm văn hóa - một lợi thế của Ninh Thuận. Du khách có thể đến Khánh Hòa thưởng thức các dịch vụ cao cấp đồng thời kết hợp tham quan Ninh Thuận trong ngày với các trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo. Nếu làm tốt, đây sẽ là sản phẩm thu hút nhiều thị trường khách, đặc biệt là khách Nhật.

Nhìn nhận về tầm quan trọng của việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Trần Việt Trung nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, chia sẻ thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương đầu tư trên các lĩnh vực. Khánh Hòa sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để làm tốt hơn công tác xúc tiến quảng bá, đồng thời, đẩy mạnh phát triển trục du lịch Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng nhằm mang đa dạng hóa tour tuyến. Ông Trung cũng đánh giá cao thị trường khách Hà Nội cùng khu vực phía Bắc và khẳng định, đây sẽ là nguồn khách quan trọng cần thu hút trong thời gian tới.

Cùng với việc liên kết đầu tư, xây dựng sản phẩm, tuyến điểm, tăng cường nguồn khách... thì việc hợp tác xúc tiến quảng bá giữa Hà Nội - Khánh Hòa - Ninh Thuận sẽ là giải pháp quan trọng nhất để 3 tỉnh, thành phố xích lại gần nhau hơn. Hà Nội cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ Khánh Hòa, Ninh Thuận trong công tác xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái “bắt tay” này sẽ là sợi dây liên kết chặt chẽ để ngành Du lịch của 3 địa phương cùng “cất cánh bay xa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác du lịch Hà Nội - Khánh Hòa - Ninh Thuận: Liên kết để cùng bay xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.