Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội: Cần sự chung tay của cả “3 nhà”

Minh An| 26/09/2019 08:45

(HNM) - Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 06-NQ/TU) đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức về du lịch. Để hoàn thành được chỉ tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.

Lao động qua đào tạo ngày càng tăng

Theo Sở Du lịch Hà Nội, số lao động trực tiếp của ngành Du lịch Hà Nội đã qua đào tạo tính đến hết năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội - mới đạt tỷ lệ 62%. Không những vậy, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cũng còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp, khả năng ứng dụng công nghệ vào công việc của đội ngũ lao động. Ngay cả đội ngũ sinh viên du lịch cũng gặp vấn đề về ngoại ngữ khi tiếp cận thực tế.

Sinh viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tham gia hỗ trợ thông tin cho khách du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh Quang

“Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành về du lịch của các trường đại học, cao đẳng, nhưng khi tuyển dụng, bao giờ chúng tôi cũng phải đào tạo thêm ngoại ngữ thì mới đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhất là với những hướng dẫn viên cho khách du lịch nước ngoài”, Giám đốc Công ty Lữ hành VietBeauty Tours Lương Văn Tuân cho biết.

Để giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực của các ngành, lĩnh vực nói chung và ngành Du lịch nói riêng, ngày 17-4-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quản lý ngành Du lịch. 

Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đề án này là cơ sở quan trọng để ngành Du lịch Hà Nội tăng tỷ lệ nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức về du lịch. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho hơn 6.000 người là cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến, hướng dẫn viên du lịch, lái xe và người phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch… Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là người dân ở các khu du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch, các hiệp hội liên quan trên địa bàn cũng chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hỗ trợ, phát triển du lịch. Gần đây, Hội Lữ hành Hà Nội đã phối hợp với trang mạng tìm kiếm Google tổ chức các lớp đào tạo cho hội viên về kỹ năng quảng bá trên mạng xã hội.

Với sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và Hội Doanh nghiệp du lịch, trong những năm gần đây, số lao động trực tiếp của ngành Du lịch Hà Nội được qua đào tạo ngày một tăng. Cụ thể, năm 2017, số lao động trực tiếp của ngành Du lịch Thủ đô đã tăng lên 68% và đến cuối năm 2018 là 85% trong tổng số 90.500 lao động trực tiếp.

Đa dạng hóa giải pháp

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, đến 2020, ngành Du lịch Hà Nội sẽ có khoảng 126.700 lao động trực tiếp, chiếm 13,5% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam. Như vậy, trong năm 2019 và năm 2020, ngành Du lịch Thủ đô phải đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức về du lịch cho khoảng 50.000 lao động.

Để có thể đào tạo, bồi dưỡng số lượng lao động lớn như vậy, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, nâng cao… 

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, ngoài việc mở các khóa học liên quan đến nâng cao kỹ năng xúc tiến, quảng bá cho các hội viên, Hội còn phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu một số tour, tuyến để có thể hành nghề được ngay sau khi tốt nghiệp. Còn theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tienphong Travel trên địa bàn Hà Nội, để có nguồn nhân lực, doanh nghiệp đã đặt hàng đào tạo sinh viên học tiếng Indonesia của Trường Đại học Hà Nội. Đây là giải pháp được công ty áp dụng trong thời gian tới, bởi theo dự báo lượng khách Indonesia đến Việt Nam sẽ ngày càng tăng.

Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, ông Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết, từ năm học 2019-2020, Khoa Du lịch học chỉ tuyển sinh viên thi theo khối D, tránh tình trạng hổng ngoại ngữ khi ra trường. Ngoài ra, khoa cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để sinh viên có nhiều thời gian thực tập hơn, giúp các em thành thạo nghề khi ra trường.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch và cán bộ quản lý du lịch là nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch Hà Nội, nhằm tạo nên đội ngũ nhân lực đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn sắp tới.

“Khi cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cùng chung tay, phối hợp, hoàn toàn có thể giúp Hà Nội có được đội ngũ nhân lực du lịch bảo đảm cả số lượng và chất lượng”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội: Cần sự chung tay của cả “3 nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.