Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nàng thơ” trong mắt các tác giả nước ngoài

Quỳnh Dương| 10/10/2019 09:56

(HNMCT) - Trong cái nhìn của nhiều người nước ngoài, Hà Nội không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là mảnh đất lắng đọng nhiều cảm xúc đặc biệt. Từng gánh hàng rong, những chiếc xe đạp chở đầy hoa, con đường lá rụng, và ngay cả sự nhộn nhịp của thành phố cũng đều khiến những vị khách phương xa xao xuyến. Có người đã ví Hà Nội như một cơ thể sống, có vui buồn, có trăn trở... Vì thế, thành phố nghìn năm tuổi này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ và cả chính khách nước ngoài.

Trong mắt của Martin Rama (đứng) - tác giả cuốn Hà Nội, một chốn rong chơi, Hà Nội luôn là một “người tình” quyến rũ.

Hà Nội, một chốn rong chơi

Hà Nội là một thành phố cổ kính, thanh bình, nơi ta có những phút lắng mình hoài niệm, trầm tư, cho dù cuộc sống còn nhiều lo toan, bộn bề. Trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống, hơn thế nữa còn là một thành phố rất đáng yêu... Đó là nhận định của ông Martin Rama, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2002 - 2010.

Trước đó, Martin Rama từng đến Hà Nội vào năm 1998. Ngay lập tức, thành phố cách quê hương Uruguay của ông nửa vòng trái đất đã chiếm trọn cảm tình của chuyên gia kinh tế này. Để ghi lại những ấn tượng của mình với mảnh đất mà ông thấy vô cùng gắn bó, năm 2014 Martin Rama đã cho ra đời cuốn sách Hà Nội, một chốn rong chơi như một lời tuyên bố về tình yêu đối với thành phố này. Với Martin Rama, Hà Nội là nơi có thể tìm thấy hạnh phúc và sự viên mãn, chứ không đơn giản chỉ là nơi để mưu sinh. Trong cuốn sách, tác giả trìu mến gọi Hà Nội là “nàng” và ví von: “Đi qua một nghìn năm lịch sử, thành phố dường như đã tìm ra được thuật giả kim quý báu cho cuộc đời mình mà chỉ ít người Hà Nội có thể nói được bí mật đó nằm ở chỗ nào, mặc dù ai cũng rất yêu quý thành phố của mình”.

Với 20 chương được trình bày bắt mắt, Hà Nội, một chốn rong chơi không chỉ thể hiện tình yêu mà còn cho thấy sự am hiểu, tinh tường về thành phố Hà Nội của tác giả. Các bức ảnh được chụp trong khoảng 10 năm là những tư liệu về đời sống Hà Nội trong một thập kỷ. Thành phố đã biến chuyển không ngừng, nhưng vẫn là “tình yêu của tôi” như lời tác giả viết trong sách. Năm 2014, Martin Rama đã được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Những mảng màu đa sắc

Cũng dành nhiều tình cảm với Hà Nội, nữ nhiếp ảnh gia xinh đẹp người Hà Lan Loes Heerink đã cho ra đời bộ ảnh Hanoi - Vendors from above (tạm dịch Hà Nội - Hàng rong nhìn từ trên cao) vào năm 2015. Câu chuyện của Loes Heerink với Hà Nội đúng là một cơ duyên. Vào năm 2011, cô cùng một người bạn dự định đến thăm Thái Lan, nhưng thời điểm đó đất nước Chùa Vàng bất ngờ phải hứng chịu đợt mưa lũ lớn. Nữ nhiếp ảnh gia cùng bạn của mình đã thay đổi kế hoạch. Nhờ cơ duyên này mà Loes Heerink có hơn 3 năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Tại đây, cô đã dành nhiều thời gian để trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp của mảnh đất hình chữ S, đặc biệt là Hà Nội. “Hà Nội vừa sống động nhưng cũng có vẻ thư thái rất riêng. Sự sống động thể hiện qua cách mọi người hòa mình vào các con phố nhỏ tấp nập. Đó còn là sự cởi mở, thân thiện khi bạn có thể dễ dàng nói chuyện với bất kỳ ai trên đường và người dân nơi đây cũng sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần” - Loes Heerink chia sẻ.

Dưới cái nhìn của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hà Nội với Loes Heerink là những mảng màu đa sắc thú vị. Đó là màu xanh của những hàng cây, hồ nước tuyệt đẹp giữa lòng Thủ đô. Đó là sắc vàng hoài cổ của những mảng tường tồn tại theo tháng năm, là màu đỏ pha chút thâm trầm của những mái ngói. Đặc biệt, nét chấm phá sinh động “tô điểm cho thành phố” là những gánh hàng rong. Hình ảnh này mang lại cho cô một ấn tượng đặc biệt, trở thành đề tài lớn trong cuốn sách ảnh của Loes Heerink.

Không ngại lên cầu vượt từ 4h sáng, bỏ ra hàng giờ liền kiên nhẫn chỉ để bắt được một khoảnh khắc lướt qua của gánh hàng rong, cô gái này còn dành thời gian trò chuyện và tìm hiểu về những người đang xuôi ngược trên khắp các con phố. “Tôi ngưỡng mộ những người lao động ở Hà Nội. Họ vất vả, phải sống xa nhà nhưng họ hài lòng... Họ thật sự đã truyền cảm hứng và cho tôi một cái nhìn toàn diện hơn về Hà Nội” - Loes trải lòng. 

Một phần đời quan trọng

Tháng 9-2016, cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier đã ra mắt bộ phim tài liệu về Hà Nội, nơi ông yêu mến và có nhiều gắn bó. Với tên gọi Hà Nội của tôi, những thước phim của ông là cái nhìn riêng đầy cảm xúc về vẻ đẹp và những nét quyến rũ không ngờ của thành phố hơn 1.000 năm tuổi. Theo ông Jean-Noel Poirier, quãng thời gian 9 năm ở Việt Nam, trong đó có 4 năm làm Đại sứ Pháp ở Hà Nội là một phần quan trọng trong cuộc đời ông, giúp ông có được những hiểu biết sâu sắc về con người cũng như văn hóa và ngôn ngữ Việt.

Trong con mắt của nhà ngoại giao dễ mến này, Hà Nội là một thành phố vừa cũ kỹ vừa hiện đại, vừa rộn rã vừa đầy sáng tạo, nơi mỗi con đường là một vở diễn sống động không ngừng; nơi những xưởng thợ thủ công và các quán cà phê bám lấy vỉa hè; nơi mùi nấu nướng tỏa ra từ căn bếp, bay qua những khoảng sân và níu bước khách bộ hành. Nhiều năm qua, Hà Nội duy trì được sự ngẫu hứng, chủ động, một tinh thần cởi mở mà nếu như không có nó thành phố dần sẽ mất đi cá tính và sự đặc sắc của mình. Vì thế, trong những thước phim do chính ông viết kịch bản và đọc lời bình bằng tiếng Việt, không có những công trình kiến trúc đặc trưng của Thủ đô, những địa điểm du lịch ồn ào và hào nhoáng đã được nhiều du khách nằm lòng. Hà Nội của vị cựu đại sứ đề cập nhiều tới khía cạnh từ văn hóa đến ẩm thực. Nhưng trung tâm của phim vẫn là con người - những công dân Thủ đô mà ông gọi là “linh hồn của thành phố”. Những thước phim chính là lời cảm ơn chân thành của cựu Đại sứ tới Hà Nội và người dân Việt Nam, đồng thời mong muốn một tương lai tốt đẹp cho thành phố đã gắn bó với ông suốt một thập kỷ.

Một cách tự nhiên và đầy thấu hiểu như vậy đó, Hà Nội được yêu mến không phải vì sự xa hoa mà ở những gì bình dị, thậm chí đời thường nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nàng thơ” trong mắt các tác giả nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.